Đường dẫn truy cập

Campuchia, Australia sắp đạt thỏa thuận về người tị nạn


Biểu tình ủng hộ người tị nạn và chống đảng Lao động Úc (ALP) bên ngoài một cuộc họp của đảng tại Sydney.
Biểu tình ủng hộ người tị nạn và chống đảng Lao động Úc (ALP) bên ngoài một cuộc họp của đảng tại Sydney.
Chính phủ Campuchia cho biết họ đã đồng ý “trên nguyên tắc” với Australia về việc tiếp nhận một số người đang bị giam tại các trung tâm tạm giam trên đảo quốc Nauru ở Nam Thái bình dương. Từ Phnom Penh, thông tín viên Robert Carmichael gởi về bài tường thuật sau đây.

Ông Ouch Borith, một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Campuchia tối thứ 3 cho báo chí biết rằng chính phủ ông đã đồng ý “trên nguyên tắc” là sẽ tiếp nhận những người tị nạn đang bị Australia giam tại các trung tâm tạm giam trên đảo quốc Nauru ở Nam Thái bình dương.

Ông Ouch Borith khẳng định là Campuchia sẽ không tiếp nhận những người tị nạn nào không tự nguyện tới đây.

Các chi tiết của thỏa thuận vẫn đang được thảo luận tại một ủy ban liên bộ của chính phủ Campuchia, và theo các tin tức mà đài VOA nhận được, có phần chắc là phải mất nhiều tháng nữa mới có được một thỏa thuận chung cuộc.

Chính phủ bảo thủ ở Australia, một trong những nước tài trợ nhiều nhất cho Campuchia, đã lên nắm quyền hồi năm ngoái với hứa hẹn sẽ có chủ trương cứng rắn đối với những người xin tị nạn.

Kể từ tháng hai, khi có tin là Australia yêu cầu Campuchia tiếp nhận người tị nạn, những nhân vật tranh đấu nhân quyền đã bày tỏ quan tâm đối với đề nghị này vì thành tích nhân quyền tệ hại của Phnom Penh.

Những người khác thì thắc mắc là tại sao một trong những nước giàu nhất thế giới lại tìm cách chuyển người tị nạn tới một trong những nước nghèo nhất.
Các nhà hoạt động cầm biểu ngữ phản đối đảng Lao động Úc trong cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn tại Syney.
Các nhà hoạt động cầm biểu ngữ phản đối đảng Lao động Úc trong cuộc biểu tình ủng hộ người tị nạn tại Syney.

Sơ Denise Coghlan là người đứng đầu Cơ quan phục vụ tị nạn Dòng Tên, một tổ chức tích cực hoạt động cho quyền lợi của người tị nạn ở Campuchia từ năm 1990. Vị nữ tu này nói rằng mặc dù các chi tiết vẫn chưa được rõ ràng, nhưng có một số điều tích cực trong quyết định của Campuchia.

"Phải chăng Campuchia sẵn sàng tiếp đón họ một cách tử tế trong khi Australia không sẵn sàng làm điều đó? Đối với tôi điều đó thật sự quan trọng bởi vì khung cảnh của thế giới ngày nay không thuận lợi cho người tị nạn. Có một thái độ cởi mở trong việc tiếp nhận họ. Đó là một việc. Và họ cũng nói là những người tị nạn sẽ được sống trong cộng đồng thay vì tại các trung tâm tạm giam mà Australia đang mưu toan lập ra. Và họ cũng cho biết -- như báo chí đã trích lời ông Ouch Borith, nói rằng những người đó phải muốn tới, họ phải đồng ý tới Campuchia."

Tuy nhiên, Sơ Coghlan cho biết có một việc tiêu cực là chính bản thân Campuchia cũng có nhiều người bị mất nhà cửa. Trong số đó có hàng vạn dân làng bị tước đoạt đất đai, những người lao động di trú và những người bị đưa lậu vào Campuchia cùng với hàng vạn người gốc Việt không có quốc tịch.
Nhiều người thắc mắc tại sao một trong những nước giàu nhất thế giới lại tìm cách chuyển người tị nạn tới một trong những nước nghèo nhất.
Nhiều người thắc mắc tại sao một trong những nước giàu nhất thế giới lại tìm cách chuyển người tị nạn tới một trong những nước nghèo nhất.

Bên cạnh đó, kế hoạch tái định cư này còn có những khiếm khuyết về pháp lý. Tuy tiến trình hiện hành ở Campuchia dành sự bảo vệ tạm thời cho người tị nạn, nhưng không có qui định nào để cho những người đó được chuyển đổi qui chế tạm thời sau 7 năm để trở thành thường trú nhân hoặc công dân của Campuchia.

"Không có qui định nào, chưa có cách nào người ta có thể làm điều đó trong hệ thống pháp luật Campuchia. Vì vậy họ cần phải tìm cách giải quyết những thiếu sót trong luật quốc tịch và luật di trú và luật tị nạn, có nghĩa là cấp thẻ cư trú, và họ cần được cấp phép làm việc."

Những người khác cũng bày tỏ quan tâm về thỏa thuận giữa Campuchia với Australia. Ông Ou Virak, một nhà hoạt động nhân quyền từng là một người tị nạn từ bé dưới thời Khmer Đỏ, nói rằng tình hình hiện nay có nhiều vấn đề chưa được giải đáp, trong đó có việc trẻ em có được quyền giáo dục hay không.

Các giới chức Campuchia nói rằng việc tiếp nhận người tị nạn phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của Campuchia, không khác gì với việc đóng góp binh sĩ cho các lực lượng duy trì hòa bình quốc tế hoặc các chuyên viên tháo dỡ mìn bẫy cho Liên hiệp quốc trong những năm gần đây.

Giới hữu trách Phnom Penh nhiều lần phủ nhận những đồn đoán cho rằng họ mong đợi những lợi ích về tài chánh từ Australia trong thỏa thuận về người tị nạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG