Đường dẫn truy cập

Cái chết của nhà báo Mỹ nêu bật mối nguy hiểm của nghề làm báo


Phóng viên NPR David Gilkey (trái) trong bức ảnh đăng trên Twitter bởi một đồng nghiệp ngày 17 tháng 5, 2016.
Phóng viên NPR David Gilkey (trái) trong bức ảnh đăng trên Twitter bởi một đồng nghiệp ngày 17 tháng 5, 2016.

Cái chết của một nhà báo của NPR và thông dịch viên của ông ở nam Afghanistan hôm Chủ Nhật một lần nữa khẳng định rằng nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới. Một số nhà báo vô tình bị thiệt mạng ở những vùng chiến sự hoặc trong khi đưa tin về các cuộc xung đột bạo lực; những người khác là mục tiêu của bọn tội phạm, các phe cánh chính trị hay bọn khủng bố. Năm ngoái, hơn 70 nhà báo đã thiệt mạng trên khắp thế giới. Thông tín viên đài VOA Zlatica Hoke tường trình rằng họ đã được vinh danh tại một sự kiện ở Washington hôm thứ Hai.

Bảo tàng về nghề báo có tên Newseum ở Washington đã tổ chức một buổi lễ để tưởng nhớ 20 nhà báo nam nữ của 11 nước đã thiệt mạng trong năm 2015 khi họ tác nghiệp.

Ông Jeffrey Herbst, một viên chức của Bảo tàng Newseum, cho biết:
“Năm 2015 là một năm đặc biệt thảm khốc đối với các nhà báo và đó là lý do chúng tôi chọn ra 20 người, một con số cao hơn nhiều so với bình thường, để đại diện cho tất cả những người đã thiệt mạng”.

Tên của 20 nạn nhân đã được bổ sung vào Đài Tưởng niệm Các Nhà báo, một cấu trúc bằng kính ghi danh gần 2.300 nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp kể từ năm 1837.

Tám nhà báo đã bị sát hại trong vụ tấn công khủng bố vào tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp. Đại sứ Pháp tại Mỹ, ông Gerard Araud, cảnh báo với cử tọa ở Washington rằng tự do báo chí thường bị bóp nghẹt với cái cớ chống khủng bố.

“Nước Pháp không chỉ nói đãi bôi về tự do báo chí. Pháp hành động để biến điều đó thành hiện thực. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang bảo vệ nguyên tắc này bằng cách cho giới truyền thông được miễn áp dụng một số điều luật cũng như không phải tuân theo tình trạng khẩn cấp được áp dụng sau các vụ tấn công ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái”.

Đài Tưởng niệm Các Nhà báo ở Newseum ghi danh gần 2.300 nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp kể từ năm 1837.
Đài Tưởng niệm Các Nhà báo ở Newseum ghi danh gần 2.300 nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp kể từ năm 1837.

Trong khi những kẻ khủng bố, quân nổi dậy và thậm chí một số chính quyền sát hại các nhà báo để kiểm soát việc lan truyền thông tin, thì ở Mỹ, những nhân viên trong giới truyền thông thường là nạn nhân của những tay súng riêng lẻ. Nhiếp ảnh gia Joseph Goulart ở Wichita đã bị một kẻ bắn tỉa giết hại năm 1976. Con gái ông, Vicky Horton, đã dự buổi lễ ở Newseum và phát biểu như sau.

“Buổi lễ tưởng nhớ đến ông và tất cả những người đã hy sinh rất nhiều cho tất cả chúng ta, không chỉ ở nước Mỹ, mà trên toàn thế giới, và buổi lễ giữ cho hình ảnh ông luôn sống trong trái tim tôi”.

Một nhà báo đồng nghiệp đã bắn chết phóng viên Alison Parker và nhà quay phim Adam Ward ở Virginia khi họ đang tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình địa phương. Kẻ sát nhân điên khùng đã ghi hình vụ giết chóc và đăng trên mạng. Cha của Parker nói việc vận động cho kiểm soát súng giúp ông chống chọi với nỗi đau tuyệt vọng.

“Tôi ước gì tôi không có mặt ở đây và không có lý do gì phải có mặt ở đây”.

Các nhà báo khác được vinh danh hôm thứ Hai là những người Bangladesh, Brazil, Cộng hòa Dân chủ Congo, Iraq, Mexico, Pakistan, Somalia, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG