Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp Mỹ sẽ nghiên cứu kỹ càng thỏa thuận TPP


Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Barack Obama.

Chính quyền Obama vừa công bố toàn văn hiệp định thương mại Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, khơi ra điều mà dự kiến sẽ là một trận chiến quyết liệt trong Quốc hội Mỹ về thỏa thuận thương mại với 12 quốc gia ven Thái Bình Dương gây nhiều tranh cãi.

Theo những điều khoản của điều được gọi là "thẩm quyền cấp tốc" được Quốc hội thông qua hồi đầu năm nay, Quốc hội hiện có 90 ngày để nghiên cứu, thẩm nghị và tranh luận về những chi tiết của thỏa thuận thương mại, gọi tắt là TPP, trước khi bỏ phiếu xem có nên phê chuẩn ở Hạ viện và Thượng viện hay không.

Không được phép sửa đổi thỏa thuận, và chỉ cần đa số đơn giản để phê chuẩn thỏa thuận ở mỗi viện.

Chủ tịch Hạ viện chưa vội đánh giá

Chủ tịch Hạ viện mới Paul Ryan, Dân biểu Đảng Cộng hòa, cho biết thương mại là điều thiết thiết đối với Mỹ, và Mỹ phải có mặt ở bàn đàm phán để định ra những luật lệ. Nhưng ông Ryan nói rằng những thành viên của Quốc hội sẽ cần có thời gian để đọc và duyệt xét thỏa thuận dài 30 chương với hàng trăm trang.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ thỏa thuận hay không, ông Ryan nói: "Tôi không biết câu trả lời cho câu hỏi lập trường của tôi là gì về một thỏa thuận thương mại mà tôi còn chưa đọc qua." Ông nói thêm: "Nhưng tôi hài lòng với quá trình sắp tới."

Dân biểu Đảng Dân chủ Sander Levin cho biết: "Điều thiết yếu là chúng ta sử dụng khoảng thời gian duyệt xét 90 ngày được định ra cho mục đích đánh giá thỏa thuận trước khi Tổng thống ký để tìm hiểu cặn kẽ những chi tiết và tham gia vào một quá trình biện bác quyết liệt."

TPP được đàm phán giữa Mỹ và 11 quốc gia khác là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Gộp chung lại, các nước này chiếm khoảng 40 phần trăm sản lượng kinh tế toàn cầu. Sự hợp tác này sẽ tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới và sẽ là thành tựu vẻ vang nhất của Tổng thống Barack Obama trong lĩnh vực mậu dịch quốc tế.

Có thể trở thành vấn đề tranh cử

Nhưng việc Quốc hội có phê chuẩn thỏa thuận thương mại gây tranh cãi này hay không vẫn còn chưa chắc chắn. Sớm nhất thì nó có thể được đưa ra trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 3 năm sau, giữa mùa vận động tranh cử tổng thống năm 2016. Một số ứng cử viên, trong đó có những ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và Bernie Sanders, và ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, đã mạnh mẽ chống đối TPP.

Dân biểu Dân chủ Rosa De Lauro là một trong những thành viên hàng đầu trong đảng của Tổng thống Obama tổ chức những vụ chống đối TPP. Bà cho biết sự chống đối thỏa thuận thương mại này trong Quốc hội đang tăng lên, và chiều hướng tranh luận đang thay đổi vì chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Những người chỉ trích thỏa thuận này dẫn ra những lo ngại về nhân quyền và những vi phạm quyền lao động ở một số quốc gia thành viên, và nói rằng cuối cùng nó sẽ gây tổn hại cho người lao động Mỹ.

Khi được hỏi về cơ hội TPP được Quốc hội thông qua, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest bày tỏ hy vọng: "Càng nhiều người hiểu được thỏa thuận này thì nó sẽ có càng nhiều sự ủng hộ." Ông cho biết Tòa Bạch Ốc đang tập trung vận động Quốc hội, chứ không phải tập trung vào những các nhóm bên ngoài.

Tổng thống Obama và chính quyền của ông đã thương lượng thỏa thuận TPP suốt năm năm qua. "TPP có nghĩa là Mỹ sẽ định ra luật lệ cần phải chấp hành trong thế kỷ 21," Tổng thống nói. "Nếu chúng ta không thông qua thỏa thuận này - nếu Mỹ không viết nên những luật lệ đó - thì những nước như Trung Quốc sẽ làm."

Trung Quốc không phải là một trong những nước tham gia TPP. Nước này đã đáp lại với đề xuất một khu vực thương mại tự do của riêng mình với 16 quốc gia, trong đó bao gồm Ấn Độ, và nếu trở thành hiện thực sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG