Đường dẫn truy cập

Các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên đề ra vấn nạn về nhân quyền


Phụ nữ Bắc Triều Tiên vác củi dọc đường cao tốc ở quận Sinpyong, tỉnh Hwanghae, ngày 19/2/2016. Người dân vô tội đang nếm trải những khó khăn về kinh tế từ hậu quả của các biện pháp chế tài quốc tế lên Bắc Triều Tiên.
Phụ nữ Bắc Triều Tiên vác củi dọc đường cao tốc ở quận Sinpyong, tỉnh Hwanghae, ngày 19/2/2016. Người dân vô tội đang nếm trải những khó khăn về kinh tế từ hậu quả của các biện pháp chế tài quốc tế lên Bắc Triều Tiên.

Các tổ chức nhân quyền đang ủng hộ các biện pháp chế tài quốc tế mới áp đặt cho Bắc Triều Tiên nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của họ, mặc dầu các biện pháp kinh tế có thể gây khó khăn thêm cho nhiều người trong nước vốn đã sống bên lề nghèo khó.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách phân bộ châu Á của tổ chức Human Rights Watch, nói:

“Tôi nghĩ toàn bộ khái niệm làm áp lực với Bắc Triều Tiên là điều gì đó quan trọng bởi vì nó thực sự khiến chính phủ thừa nhận rằng họ không còn sống ngoài vòng pháp luật quốc tế nữa”.

Chế tài và nhân quyền

Các biện pháp mà Liên Hiệp Quốc phê chuẩn để đáp lại vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên hồi tháng Giêng và vụ phóng hỏa tiễn tầm xa hồi tháng 2 đã đặt ra những hạn chế về thương mại và tài chính cho Bình Nhưỡng, nhằm cắt đứt nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của họ.

Tuy nhiên, các biện pháp chế tài của LHQ không đề cập đến nghị quyết năm 2014 của LHQ là đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về những tội ác chống nhân loại, hay bản phục trình về nhân quyền của LHQ ghi nhận những hành vi tàn ác có hệ thống và vẫn đang tiếp diễn, trong đó có một mạng lưới các nhà tù chính trị, việc giết người, bắt làm nô lệ, tra tấn và cưỡng hiếp.

Biện pháp nhân quyền vẫn chưa được đưa ra biểu quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ trong bối cảnh gần như chắc chắn là các đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã hợp tác trong việc khai triển các biện pháp chế tài quốc tế, và Bắc Kinh gần như có phần chắc sẽ chống đối mọi sự tập trung vào những vụ vi phạm nhân quyền, với thành tích của chính họ về việc sách nhiễu phi pháp, bỏ tù và tra tấn, theo nhận định của giới chỉ trích.

Nhưng khi các biện pháp chế tài LHQ được phê chuẩn vào ngày 2 tháng 3, bà Samantha Power, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, đã liên kết hai vấn đề với nhau và lên án Bắc Triều Tiên là quan tâm đến việc mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân nhiều hơn là “nuôi nấng trẻ em” của họ.

Bà Samantha Power, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
Bà Samantha Power, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.

Các biện pháp chế tài đơn phương của Hoa Kỳ vừa áp đặt cũng bao gồm những hành động vi phạm nhân quyền của Bắc Triều Tiên để biện minh cho các quyết định trừng phạt đó.

Hậu quả về mặt nhân đạo

Một số nhà hoạt động bênh vực cho nhân quyền lập luận rằng những khó khăn về mặt nhân đạo do các biện pháp chế tài gây ra là không thể tránh được nhưng là cần thiết để làm áp lực với giới lãnh đạo Kim Jong Un nhằm chấm dứt các đường lối áp bức của chính quyền. Ông Choi Yong-sang, thuộc Mạng lưới tranh đấu cho Nhân quyền Bắc Triều Tiên ở Seoul, nói:

“Các chế tài của cộng đồng quốc tế sẽ có tác động kinh tế đối với người Bắc Triều Tiên, nhưng mặt khác chế độ Bắc Triều Tiên rõ ràng sẽ cũng cảm nhận được tác động đó”.

Công nhân trong công nghiệp mỏ có phần chắc sẽ bị thiệt thòi vì lệnh cấm của LHQ không cho Bắc Triều Tiên xuất khẩu khoáng sản. Mặc dầu có những ngoại lệ về nhân đạo trong nghị quyết cho phép việc mua bán than đá và sắt không có liên quan đến các tổ chức chính phủ có thể làm nhẹ bớt cú đánh vào kinh tế ấy.

Các hạn chế về tài chính ngăn cấm các giao dịch ngân hàng của Bắc Triều Tiên và đưa vào sổ đen một số cá nhân và tổ chức có liên hệ đến chương trình hạt nhân của miền Bắc có thể có một tác động đáng ngại đến các bên có thể cấp viện và đầu tư.

Các biện pháp chế tài đơn phương của Hoa Kỳ cũng có thể nhắm mục tiêu vào bất cứ ai có liên hệ đến chương trình xuất khẩu lao động của Bắc Triều Tiên với thu nhập hàng tỷ đôla, phần lớn lọt vào tay nhà nước.

Công nhân di chuyển đồ đạc sau khi Khu công nghiệp Kaesong đóng cửa ngày 11/2/ 2016.
Công nhân di chuyển đồ đạc sau khi Khu công nghiệp Kaesong đóng cửa ngày 11/2/ 2016.

Và hồi tháng 2, Nam Triều Tiên đã đóng cửa Khu Công nghiệp Kaesong khiến trên 54.000 nhân công Bắc Triều Tiên rơi vào cảnh thất nghiệp.

Thiếu hụt lương thực

Trong một báo cáo hồi tháng 2, Cơ quan Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết dân chúng Bắc Triều Tiên đã phải gánh chịu tình trạng thiếu hụt thực phẩm trầm trọng. FAO nói miền Bắc cần 440.000 tấn lương thực từ nước ngoài trong năm nay, nhưng cho đến giờ này các cơ quan cấp viện quốc tế mới chỉ cấp có 17.600 tấn.

Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên mới đây cảnh báo rằng các biện pháp chế tài có thể gây ra một cuộc “trường chinh gay go” khác, ý nói nạn đói vào thập niên 1990 đã khiến hơn 3 triệu người tử vong.

Đa số các chương trình viện trợ tư nhân Nam Triều Tiên cho miền Bắc đã bị đình chỉ vì những hành động khiêu khích và chế tài mới đây.

Quỹ Eugene Bell, chuyên cung cấp thuốc trừ bệnh lao cho Bắc Triều Tiên, đã bị chặn hoạt động hồi đầu tháng 3 vì các biện pháp chế tài đơn phương mới của Nam Triều Tiên. Tuy nhiên, Seoul sau đó đã dành các biệt lệ cho viện trợ nhân đạo, và thuốc men đã được gửi đi.

Những người ủng hộ nhân quyền cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho những người dân vô tội ở Bắc Triều Tiên bị mắc kẹt giữa vụ giằng co quốc tế này.

Tuy nhiên, trước đây Bình Nhưỡng đã chuyển hướng viện trợ cho các mục đích chính trị, và nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã đình chỉ các chương trình viện trợ cách đây nhiều năm.

Ông Robertson nói:

“Quan điểm của chúng tôi về viện trợ nhân đạo là chúng tôi không đồng ý có những hạn chế về viện trợ nhân đạo và chúng tôi ủng hộ chẳng hạn như viện trợ lương thực cùng các vật liệu nhân đạo cơ bản cho Bắc Triều Tiên, song chúng tôi cũng tin rằng những nhu yếu phẩm này phải được theo dõi gay gắt”.

Ông Choi thuộc Mạng lưới Nhân quyền Bắc Triều Tiên nói:

“Nếu cộng đồng quốc tế có thể thanh tra sát tiến trình phân phối, họ có thể hỗ trợ cho dân chúng mà không giúp đỡ chế độ, nhưng chúng tôi không chắc liệu Bắc Triều Tiên có chấp nhận một điều kiện như thế hay không”.

Sự phát triển của các thị trường tư nhân có thể làm giảm bớt tác động của các biện pháp chế tài đối với nhiều người Bắc Triều Tiên. Kể từ sau những năm đói kém của thập niên 1990, dân chúng đã bớt lệ thuộc hơn và chính quyền cộng sản ở Bình Nhưỡng về các nhu cầu thường nhật của họ.

Nhưng các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo hơn đang được thực thi, có nhiều phần chắc hơn là chính người dân thường của Bắc Triều Tiên sẽ phải nếm trải sự đau khổ về kinh tế nhiều hơn là ông Kim Jong Un hay giới thượng lưu giàu có ở Bình Nhưỡng. Nhưng đó là một rủi ro mà ngay cả những người ủng hộ nhân quyền cũng sẵn sàng chấp nhận để chấm dứt sự đàn áp ở Bắc Triều Tiên và buộc giới lãnh đạo của họ phải chịu trách nhiệm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG