Đường dẫn truy cập

Bom nổ gần Sứ quán Iran ở Libăng, 23 người thiệt mạng


Các nhân viên phòng vệ dân sự đang dập tắt ngọn lửa sau vụ nổ gần Đại sứ quán Iran trong thủ đô Beirut, Li-băng, 19/11/13
Các nhân viên phòng vệ dân sự đang dập tắt ngọn lửa sau vụ nổ gần Đại sứ quán Iran trong thủ đô Beirut, Li-băng, 19/11/13
Các giới chức tại Libăng nói rằng ít nhất 23 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương trong hai vụ nổ bom hôm thứ Ba gần sứ quán Iran ở Beirut. Có một nhà ngoại giao Iran trong số những người thiệt mạng. Thông tín viên Elizabeth Arrott tường thuật từ văn phòng vùng Trung Đông của đài VOA ở Cairo.

Ðó là một quang cảnh tàn phá tại nam Beirut khi hai vụ nổ liên tiếp nhau để lại các nạn nhân nằm rải rác trên mặt đất, và tại khu vực bên trong và chung quanh sứ quán Iran bị nám đen vì các vụ nổ.

Nhà chức trách Libăng cho hay một kẻ đánh bom tự sát và một xe bom là nguyên do gây ra tàn phá trong khu phố Bir Hassan. Bộ trưởng Y tế Libăng, ông Ali Hassan Khalil gọi đó là một cuộc tấn công khủng bố.

Một tổ chức có liên hệ với mạng lưới al-Qaida có tên là Lữ đoàn Abdullah Azzam đã nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom này, và đe dọa sẽ có các cuộc tấn công thêm nữa nếu Iran không rút quân của họ ra khỏi Syria.

Tehran là hậu thuẫn chính trong vùng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một thành viên của giáo phái Alawi, có nguồn gốc từ Hồi Giáo Shia. Iran cũng ủng hộ một tổ chức chính trị và tranh đấu Hezbollah của phe Shia ở Libăng.

Khu vực xảy ra các vụ đánh bom vừa kể là một cứ địa của tổ chức Hezbollah, và đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công hồi tháng Bảy và tháng Tám.

Giáo sư môn khoa học chính trị Karim Makdisi của American University tại Beirut tin rằng các vụ nổ hôm thứ Ba và các cuộc tấn công trong mấy tháng mới đây là một phần của cùng một vấn đề. Ông nói:

“Không có cách nào mà các cuộc tấn công bằng xe bom này sẽ được giải quyết trừ phi hay cho tới khi nào có một giải pháp tại Syria.”

Hezbollah đã gởi các chiến binh tới chiến đấu bên cạnh binh sĩ chính phủ Syria, làm gia tăng căng thẳng với người Sunni ở Libăng, mà nhiều người trong số họ ủng hộ phe đối lập của Syria mà phần lớn do người Sunni lãnh đạo.

Cuộc nội chiến tại Syria bắt đầu như một cuộc phản đối của dân chúng có nền tảng rộng rãi chống lại chính phủ của ông Assad, nhưng đã trở nên xấu đi và biến thành một vụ xung đột phần lớn là giáo phái, với các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo Sunni từ nước ngoài tới để tham gia và đôi khi lãnh đạo các tổ chức phiến quân.

Vụ xung đột tràn ra đã nêu lên lo ngại là Libăng có thể trở lại cuộc nội chiến giáo phái tàn phá nước này trong các thập niên 1970 và 80.

Nhưng giáo sư Makdisi hy vọng rằng việc đó sẽ không xảy ra:

“Tất cả mọi thứ có thể xảy ra, nhưng Libăng đã ở bên bờ vực chiến tranh trong hai, ba năm qua bởi vì cuộc chiến tranh Syria và nó chưa sụp đổ.”

Ông lý luận rằng, hầu hết các nhà lãnh đạo Libăng cảm thấy không có lý do gì để tham gia bạo động giáo phái, và nói thêm rằng, ông không nghĩ rằng bất cứ thứ gì như vậy sẽ xảy ra “vào lúc này.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG