Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng môi trường Trung Quốc phê phán các quan chức địa phương


Một cặp đôi đeo mặt nạ ở khu mua sắm trong bối cảnh sương khói nặng sau khi thành phố lần đầu tiên ban hành "báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 08 tháng 12 năm 2015. REUTERS / Kim Kyung-Hoon
Một cặp đôi đeo mặt nạ ở khu mua sắm trong bối cảnh sương khói nặng sau khi thành phố lần đầu tiên ban hành "báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 08 tháng 12 năm 2015. REUTERS / Kim Kyung-Hoon

Đưa ra lời thú nhận hiếm hoi, bộ trưởng môi trường Trung Quốc cho biết một số cơ quan chính quyền địa phương và cấp tỉnh đã không làm đủ trách nhiệm để thực thi các quy định về môi trường, và trong một số trường hợp thậm chí còn bảo kê các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng.

Bộ trưởng Trần Tế Ninh phát biểu các ý kiến đó tại cuộc họp báo bên lề các cuộc họp chính trị cấp cao đang diễn ra ở Bắc Kinh hôm 11/3. Đó là lời cảnh báo đối với các chính quyền địa phương rằng những nỗ lực tăng cường nhằm mạnh tay xử lý những người gây ô nhiễm ở Trung Quốc sẽ nhằm vào cả những cán bộ buông lỏng nhiệm vụ.

"Đó là tín hiệu gửi đến những người có quyền quyết định ở cấp tỉnh và địa phương, báo rằng chính quyền trung ương rất quan tâm đến việc thực thị luật bảo vệ môi trường, và họ sẽ phải chịu trách nhiệm", bà Ngô Xương Hoa, Giám đốc chuyên trách Trung Quốc mở rộng trong tổ chức The Climate Group nói.

Địa phương chống lại

Tăng trưởng kinh tế chóng mặt trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, nhưng đi kèm với nó là cái giá đắt về môi trường. Và giờ đây khi nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm qua, các quan chức đang tìm cách giải quyết những sản phẩm phụ nguy hại của mô hình tăng trưởng đó: khói mù gây nghẹt thở đầy tai tiếng, các con sông bị ô nhiễm và đất đai bị nhiễm độc.

Và tuy rằng có một điều được thừa nhận rộng rãi là việc chính quyền địa phương không ráo riết thực thi pháp luật và các quy định chính là một phần lớn nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, song vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trong phát biểu của mình, ông bộ trưởng dẫn ra các trường hợp cụ thể về tình trạng các cơ quan bảo vệ môi trường cấp cơ sở bị bỏ mặc không có quyền lực gì và không được các chính quyền địa phương giúp đỡ ra sao. Ông đề cập đến một trường hợp trong đó tòa án địa phương đã từ chối tiếp nhận một vụ kiện đối với một cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm nặng cho đến khi các cơ quan tư pháp ở Bắc Kinh can thiệp.

Giá phải trả của người gây ô nhiễm

Ông Trần Tế Ninh nói chủ sở hữu các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm sẽ bị kết tội hình sự về việc gây hại nghiêm trọng đối với những người đã phải chịu khổ do không khí và nước bị ô nhiễm. Quá trình kết tội này đã bắt đầu, ông nói thêm, và có tới 2.000 trường hợp trên toàn quốc đã bị kiện lên sở công an vì gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, chính phủ đang cân nhắc đánh thuế bảo vệ môi trường, sẽ được áp dụng đối với những ai gây ô nhiễm. Điều này sẽ kết hợp với các mệnh lệnh của chính phủ yêu cầu các ngành công nghiệp gây ô nhiễm phải trả tiền bồi thường cho các nạn nhân của nạn ô nhiễm.

Bộ trưởng cũng cho biết một lượng lớn các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng sẽ bị đóng cửa nếu họ không tuân thủ pháp luật. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng, thường đốt than, sẽ được khuyến khích nâng cấp công nghệ để giảm tỷ lệ khí thải carbon hoặc có lộ trình loại bỏ hẳn, ông nói.

Ngay cả NASA cũng đồng ý

Cùng lúc, ông Trần khen ngợi nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm cắt giảm ô nhiễm không khí kể từ khi luật bảo vệ môi trường có hiệu lực cách đây một năm. 74 thành phố đã ghi nhận mức giảm đáng kể về mật độ trung bình PM 2.5, là các hạt li ti trong không khí mà phổi hấp thụ và bị cho là nguyên nhân của bệnh tim phổi.

"Những nỗ lực của chúng tôi đã dẫn đến một xu hướng cải thiện chất lượng không khí rõ ràng. Vệ tinh của NASA cũng đã quan sát thấy có lượng các hạt li ti đã giảm ở miền đông và miền trung Trung Quốc trong năm ngoái", Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng một số thành phố Trung Quốc đã chứng kiến khói mù dày đặc trong hơn ba tuần hồi tháng 11 và 12, song tình hình đã cải thiện trong hai tháng đầu năm 2016.

"Chúng tôi đã giải quyết được vấn đề sớm hơn và tốt hơn so với các nước phát triển", ông nói.

Trên truyền thông xã hội không phải tất cả mọi người đều thấy thuyết phục. Một số người lưu ý rằng lý do duy nhất vì sao chất lượng không khí được cải thiện là các nhà máy đang sản xuất ít hơn và do đó cần ít năng lượng hơn. Một số lại không tin Trung Quốc có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá, vốn là một nguồn gây ô nhiễm chính ở nước này.

Những người khác cho rằng chính những cơn gió mạnh gần đây đã đóng vai trò lớn nhất chứ không phải các hành động của chính phủ.

Các cuộc biểu tình chống ô nhiễm

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến ngày càng nhiều các cuộc biểu tình phản đối của người dân sống ở các vùng lân cận với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, hoặc thải ra, hoặc bị nghi là thải ra khí độc.

Bà Ngô Xương Hoa nói sự bất bình đó cũng là một động lực buộc chính phủ phải hành động nhanh chóng và hiệu quả.

"Xác định rõ ràng trách nhiệm pháp lý và hành chính của các quan chức địa phương và một cơ chế thực thi tốt của chính phủ là giải pháp chính, được hỗ trợ nhờ việc công bố thông tin và minh bạch, cũng như sự giám sát mạnh mẽ hơn của xã hội và các tổ chức theo dõi để đảm bảo rằng việc không tuân thủ sẽ không được dung thứ", bà nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG