Đường dẫn truy cập

Đối mặt với sự ngược đãi dã man, di dân liều lĩnh vượt Địa Trung Hải


Thành viên của các tổ chức NGO và người tị nạn tham gia cuộc tuần hành bên ngoài trụ sở Hội đồng Châu Âu ở Brussels để kêu gọi các nhà lãnh đạo EU tìm kiếm giải pháp cho vụ khủng hoảng di dân.
Thành viên của các tổ chức NGO và người tị nạn tham gia cuộc tuần hành bên ngoài trụ sở Hội đồng Châu Âu ở Brussels để kêu gọi các nhà lãnh đạo EU tìm kiếm giải pháp cho vụ khủng hoảng di dân.

Tuần này, Châu Âu sẽ tranh luận về việc thiết lập một hệ thống quota để các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu chia nhau tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn đã tới lục địa này. Các cuộc thảo luận được hoạch định giữa lúc Hội Ân xá Quốc tế cảnh báo rằng cách đối xử tàn bạo đối với người di cư ở Libya, kể cả các vụ đánh đập, tra tấn và hãm hiếp là động cơ đã khiến nhiều người muốn đào thoát bằng cách vượt Địa Trung Hải. Thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tường trình từ London.

Giữa lúc các chính trị gia Châu Âu tiếp tục tranh luận về vấn đề nhập cư, những chiếc tàu chở người tỵ nạn tiếp tục đổ vào bờ. Tại Reggio Calabria ở miền nam Italy, hơn 400 người di cư đã được tàu hải quân Đức đưa lên bờ.

Đức cũng là nước đang gánh vác gánh nặng lớn nhất do những người tị nạn đặt ra. Dự kiến hơn 400.000 người xin tị nạn sẽ tới nước này trong năm nay, tăng gấp đôi so với con số của năm ngoái.

Tình huống này đã khiến cho Thủ Tướng Đức Angela Merkel tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp hôm thứ sáu, trong đó bà kêu gọi các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu hãy chia sẻ trách nhiệm này. Bà Merkel phát biểu:

"Không có giải pháp thay thế nào, ngoài sự đoàn kết của Châu Âu để tìm ra một giải pháp."

Hàng trăm người tị nạn quá cảnh trạm xe lửa Milan của Ý trên đường tới Đức mỗi tuần. Nhân viên cứu trợ tình nguyện Susy Iovieno cung cấp cho họ lương thực, quần áo và tư vấn. Bà nói rằng Châu Âu phải thực hiện các biện pháp cải cách.

Cần phải thiết lập một hành lang nhân đạo, cho phép những người di cư xin visa nhập cảnh hợp pháp tại các đại sứ quán ở các quốc gia láng giềng như Libang, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó sẽ giúp tránh những cuộc hành trình bất hợp pháp và đầy hiểm nguy để tới Châu Âu."

Nhiều nước Châu Âu cho rằng tình hình hỗn loạn ở Libya đã gây ra làn sóng thuyền nhân.
Nhiều nước Châu Âu cho rằng tình hình hỗn loạn ở Libya đã gây ra làn sóng thuyền nhân.

Các nước Châu Âu sẽ thảo luận các đề nghị tương tự trong ngày Thứ tư, kể cả một hệ thống quota để các quốc gia thành viên chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn. Hungary, nước nằm trên tuyến đường mà những di dân từ các nước vùng Balkan băng ngang, là một trong số các quốc gia đã bác bỏ giải pháp đặt ra quota. Thủ tướng Viktor Orban của nước này đã phát biểu một cách thẳng thắn như sau.

"Chúng tôi không muốn thấy người nhập cư tại Hungary. Nếu các thành viên khác của EU hỏi ý kiến của tôi, tôi sẽ nói với họ rằng họ cũng không nên muốn điều đó."

Rất nhiều quốc gia Châu Âu cho rằng tình hình hỗn loạn ở Libya đã gây ra làn sóng thuyền nhân và kêu gọi nên phái các tàu chiến tới dọc theo bờ biển Libya. Nhưng ý tưởng đó đã bị bác bỏ bởi thủ tướng lâm thời của chính phủ được thành lập bởi các lực lượng dân quân đang kiểm soát Tripoli - một trong hai chính quyền đối nghịch nhau tại Libya. Thủ tướng Khalifa al Ghweil tuyên bố như sau.

"Điều mà chúng tôi muốn Liên minh Châu Âu làm là tiếp xúc trực tiếp với Chính phủ Cứu quốc ở Tripoli, hợp tác với chính quyền này, và cung cấp cho họ các khả năng để hạn chế các vụ di cư."

Hội Ân xá Quốc tế cho biết những người di cư phải chịu đựng những điều kiện khủng khiếp ở Libya, là động cơ đã khiến cho nhiều người muốn thoát khỏi bằng cách vượt qua biển Địa Trung Hải. Bà Magdalena Mughrabi - Talhami thuộc Hội Ân xá Quốc tế phát biểu.

"Họ phải đối mặt với nạn bóc lột lao động trên diện rộng và bị buộc phải làm việc hoàn toàn không có lương. Họ phải đối mặt với tình trạng bị giam cầm vô thời hạn để tìm cách di cư. Bên trong những trung tâm giam giữ đó, họ là nạn nhân của các hành động tra tấn trên diện rộng, và những cách đối xử tàn bạo khác, kể cả bị đánh đập bằng gậy, roi da, roi điện."

Trong khi đó, các thợ lặn người Ý đã định vị được chiếc tàu bị đắm, trong đó người ta tin rằng hơn 700 người đã chết đuối trong tháng vừa qua ở ngoài khơi Libya. Nhiều xác chết còn bị kẹt bên trong tàu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG