Đường dẫn truy cập

Baltimore thành lập nông trại trong thành phố


please wait

No media source currently available

0:00 0:08:34 0:00
Tải xuống

Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng hai phần ba dân số thế giới sẽ sống trong các thành phố vào năm 2030. Liên Hiệp Quốc cũng nói nghèo đói cũng đã gia tăng nhanh hơn tại các khu vực thành thị so với các khu vực nông thôn, và việc nuôi những người sống ở đô thị thiếu ăn là một thách thức ngày càng tăng. Trong Câu chuyện nước Mỹ tuần này mời quý thính giả theo dõi bài viết của Thông tín viên Đài VOA về những nông trại nằm ngay trong thành phố Baltimore, bang Maryland. Ngoài ra tại thành phố Manassas, thuộc bang Virginia cách Baltimore không xa, các em học sinh được dạy cách dùng thức ăn thừa thãi để ủ phân và trồng cây sau nhà.

Baltimore đã mất đi khoảng một phần ba dân số kể từ khi đạt tới cao điểm vào thời kỳ hậu Thế chiến Thứ hai, để lại những khu phố trống vắng với những tòa nhà đóng cửa và những lô đất bỏ hoang.

Nhưng giữa khoảng đất trống thời kỳ hậu công nghiệp, một trong những lô đất này đã thay đổi bộ mặt.

Ông William Long, quản lý Những Nông trại trong Thành phố Lớn nói:

“Đây là một khu vực tội phạm cao. Khu đất trống này là nơi dung dưỡng cho những hoạt động ma túy. Nhưng nay tình trạng này không còn nữa.”

Công ty là tổ chức đầu tiên ký hợp đồng thuê đất bỏ hoang của thành phố để trồng cây lương thực. Ông Alex Persful, chủ tịch công ty nói:

“Chúng tôi thực sự có thể tạo công ăn việc làm cho thành phố, trong một ngành công nghiệp không tồn tại. Đó là toàn bộ ý nghĩa của việc này. Thứ nhất là có thực phẩm tốt. Thứ hai là có việc làm tốt. Và tất cả những lô đất này hiện nay chỉ là những đống rác.”

Biến những đống rác thành những kho tàng thực phẩm tươi sống mang nhiều ý nghĩa đối với thành phố với 17.000 lô đất trống và tỉ lệ thất nghiệp 10%. Baltimore hy vọng cho thuê khoảng 8 hécta đất trống cho các nông dân thành phố trong 5 năm tới. Bà Abby Cocke thuộc Sở kế hoạch nói:

“Làm nhẹ gánh nặng đối với chúng tôi vì phải chăm sóc những tài sản bỏ hoang. Sử dụng thêm công nhân làm sống lại nền kinh tế địa phương. Thu hút người dân vào thành phố, Tôi biết một số người đã di chuyển đến Baltimore để tham gia phong trào nông nghiệp tại Baltimore. Phong trào này đánh trúng vô số mục tiêu của chúng tôi.”

Làm nông trong thành phố cũng đánh trúng một trong mục tiêu chính của ông Persful. Trong khi phần lớn những sản phẩm được chở từ các nơi khác trên nước Mỹ vào thành phố, Nông trại Thành phố Lớn trồng các loại rau xanh chỉ cách các khách hàng trong vòng 15 kilômét. Ông Persful giải thích:

“Tôi đang cắt rau. Rau này sẽ đến bàn ăn của quí vị trong vòng 24 giờ. Và có sự khác biệt to lớn giữa những gì được cắt cách đây một tuần hay hai tuần với những gì vừa mới được thu hoạch cách đây vài giờ đồng hồ.”

Hương vị cực kỳ tươi tốt này rất quý đối với những đầu bếp như ông Timothy Dyson thuộc nhà hàng Bluegrass Tavern.

“Tôi có cơ hội dọn món cà rốt vừa mới nhổ lên chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Hương vị thật hấp dẫn.”

Ông Persful chứng tỏ ông có thể trồng rau củ tươi sống tại bất cứ nơi nào. Nông trại đầu tiên của Big City mọc lên trên một dải đường tráng nhựa.

“Cách đây ba năm đây là một bãi đậu xe. Nhưng sau lưng chúng tôi trước đây là một ga-ra của thành phố.”

Chỉ có một vài centimét phân trộn và tấm nhựa plastic chia cách cây xanh với nền đen của nhựa đường.

Nhưng ý nghĩa toàn diện của Nông trại Thành phố Lớn là sự tăng trưởng ở những nơi chốn thật không ngờ.

Trong đó bao gồm những công nhân của Nông trại. Người quản lý nông trại, ông William Long đã có thời gian ngồi tù vì tội sở hữu ma túy.

“Cộng đồng này cần một sự thay đổi hướng tới chỗ tốt hơn. Và là một tội phạm trước đây, nếu mọi người thấy tôi có thể làm việc này thì họ cũng muốn thay đổi như thế.”

Một viễn cảnh tươi tốt -và rau quả cực kỳ tươi tốt – chính là những thay đổi mà Nông trại Thành phố Lớn hy vọng sẽ mang đến cho các thành phố khác trên toàn nước Mỹ.

---------------------------------------------------

Nông trại trong thành phố ở Baltimore
Nông trại trong thành phố ở Baltimore
Trong khi đó tại thành phố Manassas, bang Virginia kế cận, cách Baltimore khoảng ba giờ lái xe, các giới chức giáo dục đã đưa vào các trường học một chương trình dạy các học sinh về cách chế biến lại các chai lọ phế thải, biến rác thành phân bón và lập những vườn cây sau nhà.

Em Louis Delgaddo, 9 tuổi được giảng dạy tại sao tái chế là quan trọng.

“Khi em vứt đồ đạc và không tái chế thì em làm cho quả đất bẩn thêm.”

Em Louis là một trong hơn 7.000 học sinh trường cấp một tham gia Sáng kiến Tiến đến Màu Xanh. Chương trình được thành phố và các trường học bảo trợ.

Bà Sandy Thompson, là điều hợp viên của chương trình nói.

“Tất cả trường học của chúng tôi đều tái chế rác thải. Chúng tôi tái chế theo một dòng đơn giản, và trong nhiều trường học của chúng tôi, chúng tôi bắt đầu những dự án khác, như thu thập điện thoại di động cho những người lính. Chúng tôi thu nhặt các bao bằng plastic.”

Tái chế đơn giản bao gồm việc thu nhặt giấy, plastic và chai lọ thủy tinh bỏ vào trong một thùng thay vì phải phân loại ra.

Ông Mike Moon là giám đốc công chánh và tiện ích của thành phố. Ông nói mục đích của chương trình là nêu lên nhận thức về tái chế để làm cho thành phố sạch hơn.

“Hậu quả là chúng tôi trả tiền mua và đặt 550 thùng tái chế trong tất cả các phòng học của các trường trong thành phố. Trong cùng một vị trí nơi các em học trong lớp, các em cũng có thể thu nhặt những vật dụng để tái chế.”

Ông nói chương trình Go Green không phải chỉ có liên quan đến tái chế.

“Chương trình này còn về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước và nguồn điện năng.”

Các em học sinh còn được học về làm vườn và ủ phân. Ủ phân biến những thức ăn thừa và những rác thải trong bếp thành những chất giàu chất hữu cơ.

“Đôi khi trẻ em không được tiếp xúc hay sống trong cộng đồng nông nghiệp nơi sản xuất thực phẩm. Và thầy cô giáo dạy các em điều đó ở đây.”

Bà Sandy Thompson nói những bài học các em được học vượt quá lớp học.

“Các em mang những điều thực hành chúng tôi dạy các em trong lớp học về nhà. Hiện chúng tôi có các em bắt đầu chương trình làm vườn tại nhà cũng như tái chế tại nhà.”

Em Maria Seaburg, 10 tuổi thành lập một vườn cây sau nhà.

“Em thích vì việc này giúp cho môi trường.”

Và em cũng ủ phân theo cách em học được ở trường.

“Em nghĩ thật là thích thú được thấy những thức ăn thải ra như võ chuối hay lõi táo biến thành phân.”

Má em khuyến khích em bằng cách đảm bảo là những gì em học ở trường là một phần của cuộc sống gia đình hàng ngày.

“Nếu chúng ta làm tốt ở nhà, thì việc này giúp củng cố những bài học. Các anh chị của em cũng tham gia vào công tác này. Các em thay phiên nhau làm và ở đây chúng tôi có một đồ biểu là ai chịu trách nhiệm tái chế trong tuần và ai chịu trách nhiệm ủ phân.”

Ông Mike Moon nói đó là mục đích.

“Nếu chúng tôi có thể dạy trẻ em việc tái chế ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, những việc này sẽ trở nên thói quen và các em sẽ làm suốt đời.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG