Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên xoay qua ‘chiến thuật dọa dẫm’ bằng bom tự chế


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Vào cùng ngày Liên Hiệp Quốc họp bàn về tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống ở Bắc Triều Tiên trong tuần này, ông Kim Jong Un khoe khoang rằng nước ông đã phát triển được một quả bom hydrogen.

Những người theo dõi Bắc Triều Tiên lâu nay nói thời điểm ông Kim đưa ra nhận định vừa kể không phải là một sự trùng hợp.

Giáo sư Kim Young-hyun, một chuyên gia phân tích về Bắc Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk ở Seoul nói nhận định của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên nằm trong khuôn khổ một sách lược cơ bản mà chế độ cộng sản cô lập này vẫn sử dụng trước đây để chống lại những lời chỉ trích và đạt được những nhượng bộ từ phía cộng đồng quốc tế.

“Tôi không cho rằng lời tuyên bố này sẽ có ảnh hưởng to lớn. Nhưng nó nằm trong khuôn khổ của tiến trình mà Bắc Triều Tiên có gắng xác định một lập trường đối đầu chống lại xã hội quốc tế”.

Mặc dầu Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm các cơ cụ hạt nhân vào những năm 2006, 2009 và 2013, không có bằng cớ có thể kiểm chứng được là họ đã phát triển được bom hydrogen. Cơ cụ này, còn được gọi là bom nhiệt hạt, mạnh hơn nhiều so với một quả bom nguyên tử.

Hoa Kỳ mau chóng bác bỏ tuyên bố của ông Kim Jong Un nhưng đồng thời kêu gọi Bắc Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế bãi bỏ chương trình hạt nhân của họ.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói:

“Ở thời điểm này, như quý vị biết, thông tin mà chúng ta có được nêu ra nghi vấn về những lời tuyên bố đó. Nhưng chúng ta coi những rủi ro và mối đe dọa do chế độ Bắc Triều Tiên và các tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của họ là rất nghiêm trọng”.

Giáo sư Kim nói nhận định của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên nói rằng nước ông là “một quốc gia có vũ khí hạt nhân hùng mạnh sẵn sàng cho nổ một quả bom A và bom H tự chế” không phải được đưa ra với ý định nhắm một mục tiêu ngoại giao, mà đúng hơn là một chiến thuật hù dọa quen thuộc đã được sử dụng khi giới lãnh đạo Bình Nhưỡng cảm thấy mình bị đe dọa.

“Đó là một cách để xã hội quốc tế chú ý đến sức mạnh hạt nhân của Bắc Triều Tiên bằng cách gợi ra một vấn đề gây chấn động như một quả bom H”.

Binh sĩ Bắc Triều Tiên trình diễn phi đạn và hỏa tiễn ở Bình Nhưỡng ngày 10/10/2015.
Binh sĩ Bắc Triều Tiên trình diễn phi đạn và hỏa tiễn ở Bình Nhưỡng ngày 10/10/2015.

Hôm 10/12, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm phiên họp thứ nhì về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, nước đã bị một cuộc điều tra của LHQ cáo buộc về những vụ vi phạm có thể sánh với các hành vi tàn ác thời Đức quốc xã.

Phiên họp được tổ chức bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Nga, Venezuela và Angola để cứu xét một nghị quyết được Đại hội đồng thông qua năm ngoái đề nghị đưa các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về những tội ác chống nhân loại.

Trưởng ban đặc trách các vấn đề chính trị của LHQ, ông Jeffrey Feltman, nói với hội đồng:

“Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm tập thể phải bảo vệ người dân của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, và cứu xét những hậu quả rộng lớn hơn của tình hình nhân quyền nghiêm trọng đối với sự ổn định khu vực, như được báo cáo”.

Tuy không phải là điều mới lạ, những nhận định khiêu khích của ông Kim Jong Un được đưa ra vào một thời điểm căng thẳng liên Triều đang được nới lỏng.

Hôm 11/12, Bắc và Nam Triều Tiên bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao để cải thiện bang giao có phần chắc sẽ tập trung vào việc tổ chức các cuộc đoàn tụ thường xuyên giữa các gia đình bị phân ly và nối lại các tour du lịch xuyên biên giới đã bị đình chỉ sau khi một du khách Nam Triều Tiên bị binh sĩ Bắc Triều Tiên bắn chết.

Sau một biến cố ở biên giới suýt leo thang thành một vụ xung đột quân sự quy mô lớn hồi tháng 8, Bình Nhưỡng đã tỏ ra tự chế một cách bất thường, hợp tác với Seoul chủ trì các cuộc đoàn tụ gia đình và không thực hiện những lời đe dọa phóng một hỏa tiễn tầm xa hay tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Bang giao giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, đã bị xấu đi sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào năm 2013, dường như cũng được cải thiện với những chuyến thăm cấp cao và tin tức về phát triển kinh tế mở rộng tại biên giới giữa hai nước.

Trong khi các giới chức ở Seoul nói Bắc Kinh vừa có hành động như một thế lực điều giải đối với Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên đã không lùi bước trước các tham vọng hạt nhân của họ.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông Kim Jong Un có thể đã thổi phồng khả năng phát triển bom H của Bắc Triều Tiên. Các chuyên gia hạt nhân cũng tin rằng Bắc Triều Tiên chưa khai triển được các cơ cụ hạt nhân thu nhỏ để đặt vào một phi đạn tầm xa cho dù Bình Nhưỡng vẫn nói là họ có khả năng đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG