Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên không nao núng trước sự lên án của quốc tế


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và các giới chức ăn mừng vụ phóng hỏa tiễn tại Bình Nhưỡng, ngày 7/2/2016.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và các giới chức ăn mừng vụ phóng hỏa tiễn tại Bình Nhưỡng, ngày 7/2/2016.

Vụ phóng hoả tiễn của Bắc Triều Tiên hôm chủ nhật đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, thái độ không nao núng của Bình Nhưỡng trước phản ứng của các nước đã dường như đã giúp cho vị thế của lãnh tụ Kim Jong Un trở nên mạnh hơn trong nước cũng như ở nước ngoài.

Thái độ không nao núng của Bắc Triều Tiên trước sự lên án của quốc tế về vụ phóng hoả tiễn hôm qua và vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng trước dường như đã làm cho vị thế của ông Kim Jong Un trở nên mạnh ở trong nước và ở nước ngoài.

Tại quốc nội, lãnh tụ trẻ tuổi này được giới truyền thông do nhà nước kiểm soát chặt chẽ mô tả là một nhà lãnh đạo kiên cường, đang bảo vệ cho chủ quyền của đất nước trước các lực lượng thù địch của Mỹ và Nam Triều Tiên.

Các cơ quan truyền thông nhà nước cũng mô tả vụ phóng hoả tiễn hôm chủ nhật là một thành tự lớn về mặt kỹ thuật, làm cho nhiều người ở Bắc Triều Tiên cảm thấy hãnh diện.

Trong một cuộc phỏng vấn của Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên, một sinh viên của Đại học Kim Il Sung ở Bắc Triều Tiên nói “Tôi cảm thấy rất hãnh diện là sinh viên của một nước có khả năng xuất chúng về khoa học và kỹ thuật, một nước có thể dùng công nghệ của chính mình để phóng lên không gian một vệ tinh quan sát trái đất.”

Trung tâm Hoạt động Không gian Hỗn hợp của Mỹ cho biết vụ phóng hoả tiễn của Bắc Triều Tiên đã đưa 2 vật thể lên quỹ đạo, nhưng chưa rõ hai vật thể đó có phát đi tín hiệu hay không.

Không có tín hiệu nào được phát giác từ một vệ tinh tương tự mà Bắc Triều Tiên đưa lên quỹ đạo vào năm 2012. Khi đó Bình Nhưỡng nói rằng “vệ tinh” nặng 100 kg có gắn máy thu hình để gởi hình ảnh về trái đất.

Hôm qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lên án Bắc Triều Tiên về vụ thử nghiệm công nghệ phi đạn đạn đạo dưới vỏ bọc của một vụ phóng vệ tinh, một hành động góp phần cho “việc phát triển các hệ thống đưa vũ khí hạt nhân tới mục tiêu.”

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ phi đạn đạn đạo và đã áp đặt tổng cộng 4 đợt chế tài kể từ năm 2006.

Thái độ ương ngạnh

Hỏa tiễn tầm xa của Bắc Triều Tiên được phóng lên không gian từ cơ sở phóng vệ tinh Tongchang-ri của Bắc Triều Tiên gần biên giới phía tây bắc giáp với Trung Quốc.
Hỏa tiễn tầm xa của Bắc Triều Tiên được phóng lên không gian từ cơ sở phóng vệ tinh Tongchang-ri của Bắc Triều Tiên gần biên giới phía tây bắc giáp với Trung Quốc.

Vụ phóng hoả tiễn và vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng đã đánh đi một thông điệp rõ ràng cho cộng đồng quốc tế là Bắc Triều Tiên sẽ không từ bỏ mục tiêu có được khả năng răn đe hạt nhân.

Năm 2013, Bắc Triều Tiên bắt đầu áp dụng chính sách gọi là “chính sách song hành” để phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân cùng một lúc. Họ cho rằng đó là hai việc vô cùng cần thiết để duy trì nền độc lập.

Ông Daniel Pinkston, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Troy ở Seoul, cho biết sự sụp đổ của lãnh tụ độc tài Moammar Gadhafi ở Libya năm 2011 sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân đã làm cho Bắc Triều Tiên nghĩ rằng họ không thể thoả hiệp về vấn đề hạt nhân.

"Tôi không nghĩ là chế tài, hoặc bất kỳ thứ gì khác, ngoại trừ vũ lực hoặc một sự thay đổi nào đó có tính chất cách mạng bên trong Bắc Triều Tiên, có thể làm cho họ từ bỏ mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân. Nó là một phần của căn cước của họ."

Sự nhu nhược của Trung Quốc

Vụ phóng hỏa tiễn sáng sớm Chủ nhật được thực hiện tại cở sở phóng vệ tinh Tongchang-ri của Bắc Triều Tiên gần biên giới phía tây bắc giáp với Trung Quốc.
Vụ phóng hỏa tiễn sáng sớm Chủ nhật được thực hiện tại cở sở phóng vệ tinh Tongchang-ri của Bắc Triều Tiên gần biên giới phía tây bắc giáp với Trung Quốc.

Sau vụ phóng hoả tiễn hôm qua, Washington và các nước đồng minh đã lập lại yêu cầu đòi áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế nghiêm khắc để gây ra những sự đau đớn thật sự về kinh tế cho Bắc Triều Tiên qua việc hạn chế các hoạt động vận chuyển đường biển, đường hàng không và thương mại.

Trung Quốc, nước hỗ trợ kinh tế chính của Bắc Triều Tiên, không tán thành việc áp dụng những sự trừng phạt có thể gây bất ổn cho khu vực.

Có tin cho biết Bắc Kinh chỉ ủng hộ cho việc chế tài nhắm vào những hoạt động chuyển giao hoặc mua bán trang thiết bị quân sự và những thứ khác có liên hệ trực tiếp với chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên. Và Trung Quốc muốn tất cả các bên tự chế và thực hiện lại cuộc đàm phán quốc tế để giải quyết một cách hoà bình vụ giằng co hạt nhân này.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng chính phủ của ông Tập Cận Bình có thái độ nhu nhược và không thể gây ảnh hưởng lên đồng minh Bắc Triều Tiên của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG