Đường dẫn truy cập

Australia hối thúc Miến Điện giải quyết xung đột sắc tộc ở Rakhine


Ngoại trưởng Australia Bob Carr (trái) và Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul họp tại Bộ Ngoại giao Thái ở Bangkok, 21/2/13 (AP Photo/Sakchai Lalit)
Ngoại trưởng Australia Bob Carr (trái) và Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul họp tại Bộ Ngoại giao Thái ở Bangkok, 21/2/13 (AP Photo/Sakchai Lalit)
Ngoại trưởng Australia kêu gọi Miến Điện hỗ trợ cho công cuộc phát triển ở tiểu bang Rakhine và hợp tác với người dân địa phương để tìm kiếm một giải pháp cho vụ xung đột sắc tộc trong khu vực. Ngoại trưởng Bob Carr đề nghị Miến Điện giải quyết những mối căng thẳng giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo ở cấp địa phương.

Ngoại trưởng Carr nói chuyện với báo chí ở Bangkok hôm thứ Năm sau cuộc họp với Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul. Ông cho rằng vụ xung đột giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo trong tiểu bang Rakhine ở miền tây Miến Điện phải được giải quyết ở cấp địa phương.

Hơn 115.000 người Rohinga theo đạo Hồi và những người theo Phật giáo đã phải sinh sống tại các trại tạm cư ở tiểu bang Rakhine sau khi bạo động sắc tộc hồi năm ngoái gây tử vong cho 200 người và làm cho hàng ngàn căn nhà và cửa tiệm bị thiêu rụi.

Hàng vạn người Rohingya, kể cả phụ nữ và trẻ em, đã phải liều mình vượt biển trên những chiếc tàu nhỏ với hy vọng có thể tìm nơi nương thân tại các nước khác ở Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia. Các tổ chức nhân quyền cho biết hàng trăm người tị nạn đã chết giữa biển khơi.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, ngoại trưởng Carr của Australia phát biểu như sau về vấn đề này:

"Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề người Rohingya và đồng ý với nhau rằng một giải pháp định cư bên trong tiểu bang đó là cách giải quyết cho sự ra đi của những người lâm cảnh tuyệt vọng. Những người đó ai nấy cũng muốn ở lại quê hương của mình. Những người khác không thể giải quyết cho họ. Cần phải có một biện pháp nhân đạo bên trong Rakhine để giải quyết vấn đề quốc tịch của họ và để cho họ tái định cư và hội nhập vào đời sống kinh tế địa phương."

Ngoại trưởng Carr đang đi thăm Thái Lan và Lào. Ông cho biết Australia quyết định cung cấp thêm 2 triệu rưỡi đô la cho Miến Điện, trong đó có phân nửa sẽ được dùng cho công tác cứu trợ ở Rakhine.

Australia cũng viện trợ gần 770.000 đô la cho tiểu bang Kachin. Hàng vạn người ở tiểu bang đó đã mất nhà cửa sau nhiều tháng giao tranh giữa Quân đội Miến Điện với các chiến binh Kachin, khi quân đội phá vỡ cuộc ngưng bắn đạt được hồi tháng 6 năm 2011.

Các cuộc hòa đàm sơ bộ đã được thực hiện giữa quân đội và phiến quân Kachin.

Hơn nửa triệu đô la cũng được cung cấp cho công tác dọn sạch mìn bẫy ở miền đông Miến Điện.

Nhưng trọng tâm của Ngoại trưởng Carr là sự trợ giúp cho các cộng đồng của người Ronhingya theo đạo Hồi, nơi mà điều kiện vệ sinh ở các trại tạm cư “khá tệ hại”, theo sự mô tả mới đây của đặc sứ nhân quyền Liên hiệp quốc về Miến Điện.

Ngoại trưởng Bob Carr nói tiếp như sau về vấn đề người Rohingya:

"Về vấn đề tiểu bang Rakhine, chúng tôi quan tâm sâu sắc về ảnh hưởng của mùa mưa đối với điều kiện sinh hoạt của những người tản cư. Tôi đã xem những bức ảnh về tình trạng của những trại tị nạn được dựng lên một cách vội vã và những hình ảnh này một lần nữa nêu bật tình trạng khốn đốn của những người đó."

Thái Lan đã tiếp nhận khoảng 2.000 người Rohingya. Những người này đang sinh sống tại các trại tạm cư, và chính phủ Thái Lan cho phép họ được tạm trú trong vòng 6 tháng. Một số người không rõ là bao nhiêu đã được đưa lậu sang Malaysia. Một số nhân viên quân đội Thái Lan bị tố cáo là cấu kết với các băng đảng buôn người trong vụ này.

Ngoại trưởng Carr cho biết ông hoan nghênh những nỗ lực của Tổng thống Miến Điện Thein Sein để vãn hồi trật tự ở Rakhine và “những nỗ lực” để giải quyết “những vấn đề chính trị” của điều mà ông gọi là “một vấn đề khó khăn.” Nhưng nhà ngoại giao hàng đầu của Australia cũng tuyên bố rằng giải pháp cho các cộng đồng ở Rakhine nằm ở cấp độ địa phương. Ông nói rằng vì số người tản cư quá đông nên không thể giải quyết bằng một chương trình tị nạn ở nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG