Đường dẫn truy cập

ASEAN lặp lại kêu gọi cho một bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông


Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN chụp hình lưu niệm tại Hội nghị ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 4/11/2015. Một số nước thành viên ASEAN, nhất là Campuchia, không muốn trực tiếp đả kích Trung Quốc hay cùng với các nước khác hô hào cho việc thực hiện những cuộc đàm phán đa phương để giải quyết vụ tranh chấp Biển Đông.
Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN chụp hình lưu niệm tại Hội nghị ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 4/11/2015. Một số nước thành viên ASEAN, nhất là Campuchia, không muốn trực tiếp đả kích Trung Quốc hay cùng với các nước khác hô hào cho việc thực hiện những cuộc đàm phán đa phương để giải quyết vụ tranh chấp Biển Đông.

Theo bản dự thảo của “tuyên bố của chủ tịch” ASEAN sắp được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Kuala Lumpur, quan điểm của hiệp hội này về vụ tranh chấp Biển Đông không có gì thay đổi so với năm ngoái. Thông tín viên Sok Khemara của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Phnom Penh.

Bản dự thảo tuyên bố, mà một quan chức ASEAN không muốn nêu danh tánh tiết lộ cho đài VOA, một lần nữa kêu gọi hoà bình, an ninh, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải ở Biển Đông. Văn kiện bị rò rỉ này cũng lập lại lời kêu gọi của ASEAN cho một bộ qui tắc ứng xử Biển Đông (COC) có tính chất ràng buộc về pháp lý.

Một số nước hội viên ASEAN, nổi bật nhất là Việt Nam và Philippines, có những yêu sách chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc tại vùng biển được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế. Nhiều nước ASEAN cho rằng những vụ tranh chấp lãnh thổ này nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán đa phương, nhưng cho đến nay Bắc Kinh khăng khăng đòi giải quyết qua đường lối song phương.

Malaysia, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh của hiệp hội này tại Kuala Lumpur vào ngày 21 tháng 11, nhưng nhiều quyết định loan báo tại cuộc họp thường được tán thành trước ngày họp.

Ông Kung Phoak, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia, cho rằng tranh chấp Biển Đông phải mất nhiều thời gian mới có thể giải quyết được cho nên cần có một bộ qui tắc hành xử để góp phần giảm thiểu những mối căng thẳng.

Ông nói “Mục tiêu chính của bộ qui tắc hành xử là ngăn ngừa những vụ xung đột vũ trang và không để cho căng thẳng và bất ổn làm leo thang những vụ tranh chấp. Cho nên việc có được một thoả thuận như vậy là phù hợp với lợi ích chung của ASEAN, Trung Quốc và các đối tác quốc tế khác, như Hoa Kỳ chẳng hạn.”

Tuy nhiên, theo ông John Ciorciari, giáo sư môn chính sách công của Đại học Michigan, đường lối ngoại giao dựa trên đồng thuận của ASEAN làm cho hiệp hội này khó lòng có được một lập trường chung về Biển Đông.

Ông cho rằng các nước chính trong ASEAN, bên cạnh Hà Nội và Manila, cần phải chứng tỏ là họ có quyết tâm áp đặt một cái giá mà ông gọi là “có ý nghĩa” đối với Bắc Kinh. Ông nói “Cho dù tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN có chỉ trích những hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đi nữa, thì điều đó cũng chẳng làm cho Bắc Kinh ngưng các dự án lấp biển lấy đất. Cần đưa cuộc thảo luận trở lại với các kênh ngoại giao để có thể đạt được thoả hiệp, nhưng điều đó đòi hỏi chúng ta phải làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được là việc ỷ lại vào sức mạnh quân sự để lao về phía trước là không phù hợp với lợi ích của họ.”

Những hành động hung hãn của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhất là những hoạt động ráo riết để xây đảo nhân tạo trong những tháng qua, đã làm cho nhiều nước lên tiếng chỉ trích Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nước thành viên ASEAN, nhất là Campuchia, không muốn trực tiếp đả kích Trung Quốc hay cùng với các nước khác hô hào cho việc thực hiện những cuộc đàm phán đa phương để giải quyết vụ tranh chấp này.

Ngoài Việt Nam và Philippines, Trung Quốc cũng có những yêu sách chủ quyền ở Biển Đông chồng chéo nhau với Brunei, Malaysia và Indonesia.

Chủ tịch TQ sẽ dự hội nghị APEC giữa căng thẳng Biển Đông
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:40 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG