Đường dẫn truy cập

Ai Cập: Nhóm Huynh đệ Hồi giáo chuẩn bị biểu tình rầm rộ


Những người ủng hộ Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Mohamed Morsi biểu tình ở Cairo, 11/7/13
Những người ủng hộ Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Mohamed Morsi biểu tình ở Cairo, 11/7/13

Những ngày tháng quan trọng ở Ai Cập

Những ngày tháng quan trọng ở Ai Cập

11 tháng 2, 2011: Tổng thống Hosni Mubarak từ chức sau nhiều tuần lễ xung đột và biểu tình ồ ạt.

21 tháng 1, 2012: Đảng Tự do và Công lý của tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo thắng gần như phân nửa số ghế tại Quốc hội Ai Cập.

24 tháng 6, 2012: Ông Mohamed Morsi trở thành vị tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách tự do.

22 tháng 11, 2012: Ông Morsi tự ban cho mình nhiều quyền hành rộng rãi, châm ngòi cho những vụ biểu tình.

3 tháng 7, 2013: Quân đội tước quyền của ông Morsi và đình chỉ hiến pháp.

4 tháng 7. 2013: Ông Adly Mansour tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.

8 tháng 6, 2013: 51 người thiệt mạng trong các vụ xung đột giữa quân đội và những người ủng hộ ông Morsi, ông Mansour ấn định thời biêåu cho các cuộc bầu cử.
Phong trào Huynh đệ Hồi giáo chuẩn bị tiến hành các cuộc biểu tình ồ ạt trong ngày hôm nay để yêu cầu trả tự do và phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.

Phong trào Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập đang hối thúc các thành viên trong cả nước tập hợp về Cairo hôm nay sau khi tổ chức các cuộc tuần hành nhỏ hơn ở khắp thủ đô hôm qua.

Các thành viên của phong trào cho biết các cuộc biểu tình hôm nay sẽ ôn hòa, nhưng một thành viên hàng đầu của Huynh đệ Hồi giáo Safwat Hegazi trông chờ các cuộc biểu tình và tuần hành sẽ lan rộng. Ông nói:

“Mục tiêu của chúng tôi là thứ Sáu chúng tôi có thể tập hợp không dưới 15 triệu người Ai Cập tại Cairo để mọi người biết rằng không chỉ những người biểu tình tại đền thờ Rabaa phản đối cuộc đảo chính mà toàn bộ Ai Cập phản đối cuộc đảo chính. Sẽ có các cuộc tuần hành tới các địa điểm khác nhau như Etahadiya, Lực lượng vệ binh tổng thống, Bộ Quốc phòng. Chúng tôi không thấy có vấn đề gì kể cả tới Quảng trưởng Tahrir. Có khả năng như thế.”

Một phát ngôn viên của Huynh đệ Hồi giáo Gehad El Haddad nói rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp diễn cho tới khi nào ông Morsi được trở lại làm tổng thống. Quân đội đã lật đổ ông hồi tuần trước:

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng thêm áp lực đối với phe quân nhân đã thực hiện vụ đảo chính bằng cách thực hiện các cuộc biểu tình, các cuộc biểu tình ngồi và các cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng triệu người mỗi tuần. Hy vọng là chúng tôi sẽ có đủ khả năng hậu cần để tiếp tục các hành động như vậy, và điều duy nhất chúng tôi có thể làm là giữ vững nguyên tắc của chúng tôi và kêu gọi người dân Ai Cập bảo vệ nền dân chủ của mình. Và đó là sự lựa chọn của họ”.

Hôm thứ Hai, các cuộc đụng độ giữa phong trào Huynh đệ Hồi giáo và quân đội ở Cairo làm 51 người chết. Trưởng ban công tố của Ai Cập đã cáo buộc nhóm này là xúi giục bạo động, nhưng ông El Haddad đổ lỗi cho các lực lượng an ninh Ai Cập đã thổi bùng căng thẳng. Ông nói:

“Tôi không thể chấp nhận tính trung thực báo chí khi gọi đó là bạo động giữa người Ai Cập với nhau, hay gọi đó là các vụ xung đột. Đây là những người biểu tình ôn hòa mà lực lượng quân sự và cảnh sát đã nổ súng vào. Ðây không phải là những vụ xung đột. Đây không phải là bạo lực giữa người Ai Cập. Đây là sự giết người có chủ ý, có toan tính của các lực lượng cảnh sát, của quân đội nhắm vào dân thường Ai Cập ôn hòa, không vũ trang trong khi họ cầu nguyện Thượng đế ban phúc lành”.

Quân đội nhất mực cho rằng các binh sĩ đã nổ súng sau khi bị tấn công bởi những kẻ khủng bố tìm cách tràn vào một trụ sở quân sự ở Cairo. Chỉ huy quân đội Ai Cập nói:

“Chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ trụ sở của Vệ binh Cộng hòa và đột nhiên vào sáng sớm chúng tôi bị những kẻ đi xe máy bắn vào chúng tôi và một số người thuộc lực lượng của chúng tôi bị thương”.

Phong trào Huynh đệ Hồi giáo nói hành động bãi chức ông Morsi và thành lập một chính phủ lâm thời của quân đội là một cú giáng vào nền dân chủ của Ai Cập.

Quân đội nói rằng họ chỉ đáp lại ý nguyện của người dân sau khi khoảng 33 triệu người xuống đường đòi bãi chức ông Morsi vì cho rằng ông không đoàn kết đuợc đất nước.

Quân đội đã câu lưu ông Morsi sau khi lật đổ ông hôm 3/7. Các giới chức Ai Cập nói rằng ông bị giữ vì sự an toàn của chính ông và hiện ông được đối xử tử tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG