Đường dẫn truy cập

Họa sĩ Ðằng Giao nói về nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam


Hôm 6 tháng Giêng vừa qua, họa sĩ Đằng Giao đã khai trương cuộc triển lãm tranh sơn mài lần thứ tư của ông trong chuyến đi qua Mỹ lần thứ nhì tại hội Quán Văn Hóa ở Sài Gòn Houston Plaza trên đường Bellaire, thành phố Houston, bang Texas.

Trong chuyến đi lần trước, ông đã mở 3 cuộc triển lãm, một tại trung tâm sinh hoạt của tờ báo Người Việt tại quận Cam, miền nam California, một tại thành phố San Jose ở mạn bắc California và một ở vùng phụ cận thủ đô Washington. Lần này cuộc triển lãm tại Houston sẽ kéo dài khoảng hai tuần và qua trung tuần tháng Giêng, ông sẽ mở thêm một cuộc triển lãm nữa tại quận Cam, California.

Tranh của ông được giới người Việt hải ngoại nồng nhiệt đón nhận vì các tác phẩm mang nặng đường nét Á Ðông, và đặc biệt nhiều bức thể hiện bản sắc đặc thù của Việt nam và đưa người xem trở về một thời xưa cũ ở mãi tận quê nhà.

Có một số tranh của ông đã được chụp và in thành những tấm postcard, và một trong những tấm lôi cuốn sự chú ý của chính người phỏng vấn ông hôm nay, bức Vườn Xưa, màu sắc thật đẹp, vẽ người con gái áo dài nhung tím dịu dàng, khăn quàng cổ màu kim nhũ thơ thẩn trong một góc vườn nào đó mà người thưởng lãm cảm nhận ngay đấy là một nơi chốn chỉ có ở quê nhà Việt Nam.

Về lịch sử tranh sơn mài, từ xa xưa, người Việt đã biết dùng loại sơn đặc biệt này để trang hoàng tại các đền chùa, miếu mạo, cung đình, nhưng theo họa sĩ Đằng Giao, loại sơn này đã được chính thức đi vào nghệ thuật nước nhà kể từ khi lớp nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo từ trường Mỹ Thuật Đông Dương đã đưa sơn mài vào những sáng tác nghệ thuật của họ.

Từ lúc khởi đầu đến khi hoàn tất được một bức tranh sơn mài đòi hỏi rất nhiều công phu, có những bức phải mất cả nửa năm trời mới xong. Khi nói đến nghệ thuật thì chắc chắn là phải có sáng tạo, nhưng ngay cả dến kỹ thuật của tranh sơn mài, người nghệ sĩ cũng phải tự tìm tòi và sáng tạo rất nhiều, giả tỉ như màu trắng trong tranh sơn mài phải tạo từ vỏ trứng gà hay trứng vịt chẳng hạn.

Họa sĩ Đằng Giao cũng cho biết ông là một người tự học vẽ, trước kia ông đã vẽ tranh sơn đầu, tranh lụa, nhưng sau năm 1975 và sau 7, 8 năm tù cải tạo trở về, ông có nhiều thời giờ và đến học hỏi, nghiên cứu thêm về nghệ thuật với các họa sĩ tiền bối. Trong số này có nhà danh họa đã qua đời của Việt Nam là cụ Nguyễn Gia Trí. Hiện nay, các tác phẩm của cụ được xếp vào hàng quốc bảo và không được phép đem ra khỏi Việt Nam.

Họa sĩ Đằng Giao cho biết cụ Nguyễn Gia Trí đã chỉ dẫn rất nhiều cho ông về ngành nghệ thuật này, và kể từ năm 1985 cho tới nay, ông đã đi chuyên sâu về nghệ thuật sáng tác tranh sơn mài.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG