Đường dẫn truy cập

Mundial 2010: Ác mộng bóng đá nước Pháp


Đội tuyển Pháp trưa 22-6 vừa đá trận thứ 3 cũng là trận cuối của vòng đầu, thua Nam Phi 1-2, bị loại khỏi cuộc đấu. Trong 2 trận trước, Pháp hòa Uruguay 0-0, thua Mexico 0-2, chỉ được 1 điểm.

Ở bảng A, Uruguay thắng 2 trận, hòa 1 trận, được 7 điểm, đứng đầu bảng. Mexico thắng 1 trận, hòa 1 trận, thua 1 trận, được 4 điểm. Nam Phi cũng thắng 1 trận, hòa 1 trận, thua 1 trận, 4 điểm, nhưng thua 5 bàn, thắng 3 bàn (-2) nên chịu thua Mexico (thắng 3 bàn, thua 2 (+1), cùng bị loại với đội Pháp.

Đội chủ nhà Nam Phi bị loại ngay ở vòng đầu là điều đáng tiếc, nhưng đã thắng đội Pháp trong trận từ biệt, làm thỏa lòng, an ủi nhân dân Nam Phi.

Thi đấu quốc tế, chuyện được thua là bình thường. Đó là điều thú vị, hồi hộp, căng thẳng, sôi động của những cuộc tranh tài trong thể thao, trong Mundial bóng đá, 4 năm lại diễn ra một lần.

Nhưng riêng đối với nước Pháp, thất bại sớm sủa năm nay thật nặng nề, có thể coi là bi thảm cho nền bóng đá nước Pháp, phơi bày một cuộc khủng hoảng toàn diện chưa biết còn kéo dài bao lâu.

Báo chí Pháp sáng nay 23-6-2010 đưa ra những tít rất nặng nề, chua xót.

Honte! (Nhục !); Scandale !(Bê bối !); Souffrace! (Đau khổ!); Colère! (Giận dữ !); Cauchemar! (Ác mộng!).

Cùng bị loại với đội Pháp còn có các đội: Nam Phi, Nigeria, Bắc Triều Tiên, Honduras và Cameroon.

Nền bóng đá lâu đời của nước Pháp vốn có truyền thống tốt đẹp. Dân Pháp luôn mến mộ môn bóng đá và hết sức quý mến và tự hào về đội tuyển của mình. Mới đây, năm 1998 đội tuyển Pháp dành được chức Vô địch Thế giới ngay trên đất Pháp, gần 1 triệu người đổ ra đại lộ Champs Élysées, đốt pháo, ca hát, nhảy múa, nâng cốc xâm banh thâu đêm. Năm 2006, tại Cộng hòa Liên bang Đức, đội Pháp vào chung kết, chịu thua đội Ý, hiện vẫn còn là đội Á Quân của thế giới.

Vậy mà lần này…đội Pháp chật vật lắm mới qua được vòng ngoài, suýt bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Phải nhờ «cái bàn tay ma quái» của danh thủ Thierry Henri - may mà trọng tài không nhìn thấy - ghi bàn vào lưới đội Ireland, nên Pháp mới được đi Nam Phi. Chính phủ Ireland kiện vụ này với FIFA – Liên đoàn Bóng đá Quốc tế - nhưng vô hiệu.

Phải chăng do cái “dớp” ấy mà từ đó biết bao chuyện không đẹp đẽ xảy ra. Con người hùng Zidane về nghỉ, đội Pháp thiếu một thủ quân tài ba được quý mến. Henry ghi được nhiều bàn thắng nhưng bị mang tiếng là «kẻ gian», có bàn tay tội phạm, lại xuống sức rõ. Ribéry xông xáo muốn lên làm thủ quân, nhưng bị chê là hùng hục, cá nhân, không có năng lực chỉ huy, lại lắm chuyện bê bối, bị cơ quan an ninh triệu tập trong vụ bê bối tình dục với phụ nữ chưa đến tuổi trưởng thành.

Điều tệ hại nhất là huấn luyện viên Raymond Domenech ngày càng lộ rõ là bất tài, thiếu tư duy chiến thuật cũng như chiến lược cần thiết của một huấn luyện viên chuyên nghiệp cho một đội tuyển quốc gia, bị báo Équipe (Đội tuyển) và báo Le Canard Enchainé (Con vịt bị trói) đánh giá là mê gái và mê tiền hơn là mê nghề của mình. Ông ta quan hệ rất vụng về với các nhà báo, thiếu khả năng giao thiệp, truyền thông, đặc biệt là quan hệ không thân thiết bình đẳng với các cầu thủ.

Ngay từ 3 trận giao hữu tập luyện trước khi lên đường sang Nam Phi, đội tuyển Pháp đã vấp váp, không gây được tự tin. Trong trận đấu giao hữu với Costa Rica, đội Pháp bị dẫn trước, vất vả lắm mới gỡ hoà 1-1 rồi thắng 2-1. Sau đó, với đội Tunisie Pháp hòa 1 – 1 trong một trận tẻ nhạt.

Nặng nhất là khi thử sức với đội Trung Quốc - đội này xếp hạng thứ 84 của thế giới - Pháp bị thua 0-1.

Sang Nam Phi, ngay trong trận đầu, Pháp thủ hòa 0-0 với Uruguay, một đội trung bình của châu Mỹ, rồi thua Mexico 2 – 0. Trận thua này làm cho mâu thuẫn nội bộ bùng nổ. Cầu thủ mũi nhọn Analka chửi bới huấn luyện viên Domenech trong phòng thay quần áo khi nghỉ giải lao với những từ ngữ bẩn thỉu nhất, được tiết lộ ngay trên báo Équipe. Analka bị khai trừ khỏi đội tuyển, đuổi khỏi Nam Phi do quyết định của Liên đoàn bóng đá Pháp.

Hôm sau, toàn đội Pháp «bãi công», «làm loạn», từ chối tham gia cuộc luyện tập dù đã có 400 vé mời đến dự xem, còn ra tuyên bố phản đối việc khai trừ Analka.

Tổng thống N. Sarkozy vội lệnh cho bà Bộ trưởng Y tế kiêm Thể thao Bachelot đang có mặt ở Nam Phi đến trấn an đội Pháp, để động viên đội Pháp vào trận cuối. Nhưng tình hình quá xấu, không còn cứu vãn được nữa.

Bởi vì nếu muốn được ở lại đấu tiếp, trong trận cuối với Nam Phi, đội Pháp phải thắng, lại phải thắng chênh lệch 4 bàn trở lên, điều cực kỳ khó khăn, khi đội Nam Phi thi đấu tại sân nhà, có 90.000 khán giả cổ vũ.

Quả nhiên, đội Nam Phi đã thắng 2-1, và đội Pháp đành phải sớm xách vali về nước, trong tình trạng chua chát, nội bộ xâu xé nhau thành phe nhóm, cũ và mới, già và trẻ, đổ lỗi cho nhau và cho huấn luyện viên.

Huấn luyện viên Raymond Domenech thất vọng, chua chát, sẽ được thay thế ngay bởi cựu cầu thủ quốc gia Laurent Blanc, hiện là huấn luyện viên của đội Bordeaux – Pháp.

Thất bại thê thảm của đội tuyển Pháp năm 2010 này trên đất Nam Phi sẽ còn được phơi bày, phân tích, tranh cãi, mổ xẻ trên các cơ quan truyền thông Pháp.

Liên đoàn bóng đá Pháp sẽ có những cuộc họp sôi động, sóng gió.

Bốn ngàn cổ động viên và khách du lịch Pháp đã nô nức đến Nam Phi để cổ vũ động viên đội nhà hơn 10 ngày nay, đang chán nản lần lượt trở về nước. Họ còn dương cờ nước Pháp với những hàng chữ HONTE (Nhục nhã) để tỏ nỗi bực bội và thất vọng của mình.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG