Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Ukraina cảnh báo nguy cơ ‘thảm họa’


Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk trả lời câu hỏi của các nhà báo sau phiên họp khẩn của quốc hội ở Kyiv, Ukraina, 3/2/14
Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk trả lời câu hỏi của các nhà báo sau phiên họp khẩn của quốc hội ở Kyiv, Ukraina, 3/2/14

Diễn biến quan trọng ở Ukraina từ tháng 11 năm 2013

Diễn biến quan trọng ở Ukraina từ tháng 11 năm 2013

2013

21-11: Ukraina đình chỉ kế hoạch ký hiệp định gia nhập Liên Hiệp Châu Âu
30-11: Cảnh sát chống bạo loạn trấn áp những người biểu tình chống chính phủ tại Kyiv
17-12: Nga đề nghị cung cấp 15 tỉ đô la trong các khoản cho vay và hạ giá khí đốt

2014

16-01: Quốc hội Ukraina thông qua dự luất chống biểu tình
22-01: Các cuộc biểu tình lan rộng, hai người biểu tình bị bắn chết trong các vụ đụng độ tại Kyiv
29-01: Quốc hội chấp thuận dự luật ân xá những người biểu tình bị bắt nếu người biểu tình dời khỏi các tòa nhà bị chiếm.
16- 02: Những người biểu tình dời khỏi các tòa nhà chính phủ bị chiếm sau hai tháng
18-02: Cảnh sát tấn công các trại biểu tình, 18 người biểu tình và cảnh sát bị giết
20-02: Giao tranh nổ ra mặc dầu có việc loan báo đình chiến một ngày trước đó. Ít nhất 39 người thiệt mạng
21-02: Tổng thống Yanukovych loan báo bầu cử sớm sau các cuộc hội đàm do các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu đứng làm trung gian dàn xếp
22-02: Lãnh tụ đối lập Yulia Tymoshenko được trả tự do
23-02: Oleksandr Turchynov được chỉ định làm tổng thống lâm thời, chưa rõ ông Viktor Yanukovych ở đâu
24-02: Ukraina ban lệnh bắt giữ Tổng thống bị lật đổ Yanukovych
Chính phủ lâm thời Ukraina, hôm Chủ nhật, đã ra lệnh tổng động viên trong một nỗ lực ứng phó với điều mà tân Thủ tướng nước này gọi là hành động gây chiến của Nga.

Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, trong một diễn văn đọc trước Quốc hội, đã cảnh báo các nhà lập pháp, “chúng ta đang ở bờ vực của thảm họa.”. Ông đưa ra nhận định này trong khi binh sĩ Nga tiếp tục chiếm các vị trí trên bán đảo Crimea của Ukraina, và các chính phủ phương Tây đã lập lại các lời lên án về hành động triển khai binh sĩ của Nga.

NATO, hôm Chủ nhật, đã triệu tập một phiên họp khẩn để thảo luận về cuộc khủng hoảng, mà Tổng thư ký liên minh NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng đang đe dọa nền hòa bình và ổn định khắp châu Âu.

Ông kêu gọi Moscow hãy “hạ giảm” tình hình căng thẳng trong vùng.

Thông tấn xã Nga loan tin là Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm thứ Bảy, đã nói với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama rằng Moscow giữ quyền bảo vệ người sắc tộc Nga ở Crimea và miền đông Ukraina.

Tại Washington hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry chỉ trích việc triển khai binh sĩ của Nga, và gọi các hành động đó là ‘hành vi xâm lược đáng kinh ngạc’.

Ông cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể áp dụng trong tuong lai nhắm vào Nga vì các hành động quân sự, mà ông so sánh với tác phong của “thế kỷ 19” về một cái cớ hoàn toàn biệt đặt.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nói với đài truyền hình CBS rằng Moscow vẫn còn có thể có “những lựa chọn đúng” để làm lắng dịu cuộc khủng hoảng.

Người đứng đầu ngành an ninh của Ukraina, ông Andriy Paruby, nói rằng các binh sĩ dự bị được động viên nhằm bảo đảm an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Tuy nhiên nhiều nhà phân tích phương Tây đang nêu nghi vấn về hiệu quả của sự động viên, với nhận định rằng các khả năng quân sự có giới hạn của Ukraina không ngang tầm để đối chọi với sức mạnh quân sự của Nga.

Tại cuộc họp của Liên hiệp quốc, Đại sứ của Ukraina Yuriy Sergeyev nói rằng 15.000 binh sĩ Nga đã có mặt trong vùng Crimea viện cớ là để bảo vệ công dân Nga.

Đại sứ Hoa Kỳ Samantha Power nhận định là các hành động của Nga đã át lời nói. Bà nói rằng một lực lượng của Nga ở Ukraina có thể đẩy tình hình vượt quá tầm mức, và một lần nữa bà yêu cầu sự trung gian điều giải quốc tế ở Crimea.

Ðại sứ Nga Vitaly Churkin quy trách cho phương Tây khích động tình trạng căng thẳng ở Ukraina, và ủng hộ các cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych vào tháng trước.

Crimea là một bán đảo trong vùng Biển Đen được nhà lãnh đạo Xô Viết lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đặt dưới quyền kiểm soát của Ukraina vào năm 1954. Bán đảo này trở thành phần lãnh thổ của Ukraina khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào 1991.

Bán đảo Crimea có một biên giới ngắn với Nga ở cực đông. Phần lớn cư dân ở Crimea là người sắc tộc Nga, tuy nhiên nơi này cũng là quê hương của người Hồi giáo Tartar, sắc dân thường tỏ sự khinh thị đối với người Nga.

Tình hình bất ổn khởi sự ở Ukraina từ tháng 11 năm ngoái khi ông Yanukovych, tổng thống đã bị lật đổ của Ukraina rút ra khỏi một thỏa thuận thương mại với Liên hiệp châu Âu và nghiêng về đường lối thắt chặt các mối quan hệ hơn với Nga, đồng thời nhận sự hỗ trợ kinh tế từ Nga.

Hành động này đã khơi mào cho các cuộc biểu tình, trong nhiều tuần lễ, của khối dân thân phương Tây trong thủ đô Kyiv cũng như các vùng khác của Ukraina, và đã đẩy ông Yanukovych, một người thân Nga phải chạy trốn khỏi thủ đô cuối tháng 2 vừa qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG