Đường dẫn truy cập

Tướng Công an Phạm Quý Ngọ qua đời


Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ (Ảnh: Danlambao)
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ (Ảnh: Danlambao)

Tiểu sử ông Phạm Quý Ngọ

Tiểu sử ông Phạm Quý Ngọ

Sinh ngày 24 tháng 12 năm 1954, tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Từng theo học và tốt nghiệp Đại học Cảnh sát Nhân dân, vào đảng CSVN ngày 19 tháng 4 năm 1980.

Ðược bổ nhiệm kiêm chức Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, thay Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh vào tháng 7 năm 2006.

Giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an, năm 2008.

Ðược bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an năm 2010.

Ðược bầu làm Ủy viên Chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, năm 2011.

Ðược thăng hàm Thượng tướng năm 2013.

Nguồn: Wikipedia, CAND
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, người bị khai tên trong vụ bê bối Vinalines, đã qua đời hôm nay vì ‘bệnh ung thư’.

Tin tức về cái chết của ông Ngọ được báo chí trong nước loan đi một ngày sau khi Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương được báo chí trích lời nói rằng Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ quyết định việc xử lý những tố cáo của ông Dương Chí Dũng với ông Ngọ.

Hồi tháng Một, ông Dương Chí Dũng khai rằng Thứ trưởng Bộ Công an là người ‘báo tin khởi tố’ cho mình.

Ông Dũng khai như vậy khi được đưa ra làm chứng trong phiên xử em trai ông là Dương Tự Trọng, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, về hành vi tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài.

Trong khi đó, ông Ngọ phủ nhận lời khai của ông Dũng và khẳng định rằng ông ‘không liên quan tới việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng’.

Báo chí trong nước đưa tin, ông Dũng ‘khai đã mang 500.000 đôla tới nhà Thứ trưởng Bộ Công an’.

Đại diện viện kiểm sát đã kiến nghị hội đồng xét xử ‘khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật công tác theo điều 286 Bộ luật hình sự’.

Theo điều luật này, ‘người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm’, và nếu ‘phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm’.

Ngoài ra điều 286 còn quy định rằng ‘người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm’.

Trong phiên sơ thẩm diễn ra hôm 16/12, tòa án Việt Nam đã tuyên án tử hình đối với ông Dương Chí Dũng về tội ‘cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

Nguồn: Petro Times; Tien Phong; Người Lao Động

VOA Express

XS
SM
MD
LG