Đường dẫn truy cập

Trung Quốc, ASEAN thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Ðông


Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Ðông.
Bản đồ đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ, giành chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Ðông.
Trong những ngày vừa qua, đại diện của Trung Quốc và ASEAN đã mở các cuộc đàm phán dài theo như trông đợi về một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Ðông, nhưng rất ít chi tiết về thành quả cuộc họp đã được công bố. Trung Quốc cho hay các tham dự viên đã đồng ý thảo luận tiến trình thiết lập một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý cho khu vực có những khẳng định chủ quyền chồng chéo nhau và giàu tài nguyên thiên nhiên. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Bill Ide gửi về bài tường thuật sau đây.

Từ cả chục năm nay, Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á đã tìm cách đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử trong vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Ðông.

Một bộ quy tắc như thế sẽ định ra các luật lệ để giải quyết những tranh chấp giữa các ngư thuyền, các tàu thương mại và tàu của các chính phủ thường xuyên sử dụng vùng biển có tranh chấp này.

Trung Quốc đã chống lại việc mở các cuộc đàm phán như thế từ nhiều năm, nhưng đồng ý hồi đầu năm nay chủ trì một cuộc họp ở thành phố Tô Châu. Ngay cả trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán, các giới chức Trung Quốc vẫn nêu bật rằng không cần phải hối thúc nỗ lực, và nhấn mạnh rằng một bộ quy tắc ứng xử không phải là điều có thể đạt được trong ngày một ngày hai.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay phủ nhận việc Bắc Kinh là nước duy nhất muốn theo một đường lối dần dà.

Ông Hồng nói: “Ðây không phải chỉ là quan điểm của Trung Quốc mà là một sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia các cuộc đàm phán là từng bước đúc kết và mở rộng các lãnh vực thỏa thuận trong khi thu hẹp những bất đồng.”

Có rất ít chi tiết về những gì đã được thảo luận tại cuộc họp ở Tô Châu. Theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các tham dự viên đồng ý tiến hành một cuộc tham khảo ý kiến cụ thể về bộ quy tắc ứng xử, nhưng không có thông tin nào khác hay một thời biểu nào được đưa ra.

Các tham dự viên cũng thảo luận về hợp tác hàng hải và Trung Quốc đề nghị chủ trì các cuộc thao diễn tìm kiếm và cứu hộ hảng hải cũng như thành lập một đường dây nóng khẩn cấp.

Bà Trương Triết, một chuyên gia an ninh châu Á Thái Bình Dương, nói rằng trong bối cảnh bộ quy tắc ứng xử sẽ mang tính cách ràng buộc pháp lý, các thách thức của việc đạt đưọc một thỏa thuận còn lớn hơn so với bản tuyên bố về ứng xử đã được ký kết vào năm 2002.

Bà Trương nói bà nghĩ rằng tiến trình sẽ phải mất một thời gian dài, nhưng sự kiện hai bên, Trung Quốc và ASEAN, đang nói chuyện, là một dấu hiệu tích cực cho thấy cả hai bên mong muốn hòa bình và ổn định trong khu vực.

Bà Trương nói: “Giữa Trung Quốc và ASEAn có 11 nước tham gia đàm phán và có nhiều quyền lợi va chạm nhau. Tôi e rằng ở điểm này ASEAN có một thỏa thuận về một lập trường mà ASEAN cùng có là mưu tìm việc thảo luận với Trung Quốc.”

Bà nói thêm rằng các vụ tranh chấp riêng rẽ như giữa Philippines và Trung Quốc cũng sẽ gây khó khăn hơn cho tiến bộ.

Hồi đầu năm nay, Philippines đã nộp đơn lên một toà án trọng tài của Liên Hiệp Quốc về điều mà Philippines gọi là “những khẳng định chủ quyền quá đáng” của Trung Quốc ở vùng biển này.

Gần đây hơn, Philippines đã nêu ra những quan ngại về những khối bê tông mà Trung Quốc đặt trên Bãi cạn Scarborough đang có tranh chấp. Trung Quốc nói Manila không có quyền đưa ra những tố cáo như thế về hòn đảo, mà Trung Quốc gọi là Hoàng Yến.

Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Ðông và một số chuyên gia lập luận rằng những lời khẳng định chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc đã dẫn tới tình hình ngày càng căng thẳng trong khu vực này trong thập niên vừa qua.

Một số chuyên gia ở Trung Quốc lập luận rằng bằng cách tham gia các cuộc đàm phán, Trung Quốc đã tự đặt mình trước những chỉ trích và có nguy cơ bị yếu thế trong những lời khẳng định chủ quyền.

Một bài xã luận hôm nay đăng trên báo People’s Daily của đảng Cộng sản, lập luận rằng Trung Quốc đang bị cáo buộc là kéo chậm tiến trình đạt được một thỏa thuận bằng cách gây ra vô số trở ngại.

Bài báo lập luận rằng các nước đưa ra những lập luận như thế đang tìm cách dùng bộ quy tắc ứng xử như một công cụ để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, hay như một cách để gây sức ép với Trung Quốc về những vụ tranh chấp lãnh hải.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG