Đường dẫn truy cập

Ðức, Nhật đào tạo y tá Việt Nam để phục vụ nhu cầu chăm sóc người già


Hai nước có thành phần dân số già nhất thế giới, Nhật Bản và Đức, đang đào tạo y tá lão khoa ở Việt Nam để giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu để chăm sóc cho người cao niên, một lĩnh vực sức khỏe quan trọng ở nước họ. Từ Hà Nội, Thông tín viên Marianne Brown gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Trong tháng này, 100 người trẻ tuổi Việt Nam lên đường sang nước Đức trong khuôn khổ một dự án mới nhằm đào tạo y tá lão khoa để làm việc tại quốc gia Âu Châu này. Các học viên vừa hoàn tất một khóa học 6 tháng về ngôn ngữ và văn hóa tại Hà Nội, và sẽ dành hai năm sắp tới cho một chương trình huấn nghiệp. Nếu đậu kỳ thi mãn khóa, họ có thể làm việc tại nước Đức trong tư cách là y tá lão khoa có đầy đủ bằng cấp.

Một học viên, cô Hương Thi Thi, 24 tuổi, cho biết cô rất phấn khởi về chương trình này.

Cô nói nước Đức có một nền y học và điều dưỡng hiện đại, trong khi ở Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực chăm sóc cho người cao tuổi rất mới. Cô Hương nói cô muốn sang Đức để lĩnh hội thêm kiến thức và kinh nghiệm trong việc chăm sóc cho người già. "

Đức là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu nhưng nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học với tỷ lệ sinh sản thấp kết hợp với tuổi thọ kéo dài hơn. Hơn một phần năm dân số của Đức đều trên 65 tuổi, và dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng trong những năm tới.

Kết quả là số lượng người cao niên cần được chăm sóc y tế dự kiến sẽ tăng lên hơn một triệu người vào năm 2030, theo cơ quan phát triển quốc tế của Đức, GIZ .

Ông Dominik Ziller là giám đốc chương trình di trú của GIZ.

"Chúng tôi biết là hiện nay chúng tôi thiếu một lực lượng lao động có trình độ trong lĩnh vực y tế, và chúng tôi cũng biết rằng trong xã hội Đức lão hóa của chúng tôi, số người sẽ cần tới những người chăm sóc, điều dưỡng viên và y tá lão khoa, sẽ tăng đáng kể. "

Tương phản với Đức, 60% dân số Việt Nam sinh ra sau cuộc chiến, năm 1975, và Việt Nam không có khả năng cung cấp việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động tiềm năng của mình. Hầu hết con cái được trông đợi sẽ chăm sóc cha mẹ, hoặc bố mẹ người phối ngẫu ở nhà khi họ về già.

Ông Ziller nói dự án thí điểm này không phải là một giải pháp điều chỉnh cấp thời, và dự án cũng vẫn dang trong giai đoạn đầu cho nên mức độ thành công của nó chưa thể đo lường được. Tuy nhiên, một vấn đề có thể xảy ra là rào cản về ngôn ngữ .

"Việc học tiếng Đức khó khăn hơn đối với một người nói tiếng Việt, so với một người nói một ngôn ngữ châu Âu có ngữ pháp tương tự như tiếng Đức. Chúng tôi biết những người trẻ đã qua khóa đào tạo ngôn ngữ ở đây cần được đào tạo thêm về mặt ngôn ngữ."

Đó là một vấn đề mà Nhật Bản, đất nước có thành phần dân số cao niên tăng nhanh nhất thế giới, cũng đang phải đối mặt trong việc đào tạo y tá nước ngoài. Vào cuối năm nay, lần đầu tiên 150 ứng viên Việt Nam sẽ lên đường sang nước Đông Á này để tham gia khóa đào tạo hai năm tại các bệnh viện Nhật Bản, sau đó họ sẽ dự kỳ thi điều dưỡng quốc gia.

Nhật Bản đã đào tạo y tá đến từ Philippines và Indonesia, nhưng hệ thống đào tạo này đã bị chỉ trích là quá nghiêm ngặt.

Tất cả các ứng viên phải tham gia kỳ thi bằng tiếng Nhật, nhưng đây là một việc rất khó khăn đối với các ứng viên nước ngoài vì rào cản ngôn ngữ, theo bà Yoko Tsuruya, đệ nhất Bí thư của Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.

Bà Tsuruya nói rằng người nước ngoài được giúp phần nào để hoàn tất bài thi, chẳng hạn họ được cho thêm thời gian, và những từ tiếng Nhật được phiên âm thành âm quốc tế.

Để cải thiện hệ thống đào tạo, thay vì tiếp tục các khóa ngôn ngữ khi sang Nhật Bản, như các ứng viên điều dưỡng đến từ các quốc gia khác đang làm, các học viên Việt Nam sẽ được đưa trực tiếp tới bệnh viện nơi họ được phân công, và tại đây, sẽ kết hợp các môn học ngôn ngữ với kinh nghiệm thực tế.

Mặc dù dân số đang già đi nhanh chóng tại Nhật Bản, cho phép lao động nước ngoài phục vụ trong một số ngành công nghiệp vẫn gây tranh cãi tại nước này. Giới chỉ trích nói rằng lao động nước ngoài có thể dẫn đến tình trạng hạ thấp tiêu chuẩn của công việc, hoặc làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Tuy nhiên, ít người phản đối việc Nhật Bản thâu nhận y tá.

Bà Tsuruya nói không có bao nhiêu người có cơ hội vượt qua kỳ thi điều dưỡng, cho nên sự chống đối các chương trình loại này không mạnh mẽ như mức chống đối việc nhận lao động nước ngoài nói chung.

Bất chấp dân số trẻ của Việt Nam, hiện tượng đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến những thay đổi về nhân khẩu học. Thay đổi lối sống có nghĩa là ít người hơn có khả năng, hoặc chọn chăm sóc cha mẹ già ở nhà.

Cô Hương, học viên ngành điều dưỡng, nói rằng trong tương lai cô tin rằng Việt Nam sẽ cần nhiều bệnh viện hơn cho người cao tuổi, nhưng học các kỹ năng ở nước ngoài có thể giúp người dân Việt Nam phát triển lĩnh vực này cho chính mình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG