Đường dẫn truy cập

Chủ tịch nước Việt Nam đến Washington mưu tìm quan hệ mới


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến dự bữa ăn trưa tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 24/7/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến dự bữa ăn trưa tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 24/7/2013.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đi thăm Hoa Kỳ vào tuần này. Theo dự kiến, ông sẽ gặp Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc trong hôm nay, thứ năm. Các chuyên gia phân tích cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Việt Nam diễn ra vào một thời điểm mà quốc gia ở Ðông Nam Á này đang phải đối mặt với áp lực gia tăng để quyết định tương lai của mình. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ và giới hoạt động cho nhân quyền đã kêu gọi chính quyền Obama nắm lấy cơ hội này để thúc đẩy Việt Nam đi theo một đường hướng dân chủ hơn. Từ thủ đô Washington, thông tín viên VOA Natalie Liu ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây:

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã chủ trì một bữa trưa vừa ăn vừa làm việc khoản đãi chủ tịch nước Việt Nam hồi hôm qua, thứ tư. Ông Kerry tỏ ý hy vọng trong bài phát biểu.

“Người Việt Nam đã học được từ lịch sử của chính mình rằng tất cả chúng ta đều không có những kẻ thù truyền kiếp, mà chỉ có những người bạn để kết thân.”

Gần 4 thập niên sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, quốc gia Ðông nam Á này ngày càng trông mong vào Hoa Kỳ để được sự bảo đảm chiến lược, một cách trớ trêu là để đối trọng với nuớc cộng sản đàn anh Trung Quốc.

Ngày càng có nhiều sự đồng thuận về nhận thức rằng Trung Quốc đang đề ra một nguy cơ cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam...
Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á Thái Bình Dương.
Nhà khoa học chính trị của Ðại học Virginia Brantly Womack là người đã lâu năm theo dõi quan hệ giữa Hoa Kỳ, Việt Nam và Trung Quốc. Ông nói với đài VOA qua Skype:

“Khi Việt Nam cảm thấy bất an, ai là nguồn gây bất an? Lào? Campuchia? Thái Lan? Hoa Kỳ thì ở quá xa...vì thế chính là Trung Quốc.”

Ông Alexander Vuving giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á Thái Bình Dương. Ông đã nói chuyện với VOA qua Skype từ Honolulu.

“Nay trước sự quyết liệt của Trung Quốc ở vùng Biển Ðông, ngày càng có nhiều sự đồng thuận về nhận thức rằng Trung Quốc đang đề ra một nguy cơ cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.”

Ðối với những người mong muốn thấy Việt Nam biến thành một chế độ dân chủ, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như sự kiện Việt Nam ngày càng dựa vào Hoa Kỳ về thương mại và đầu tư đem lại một cửa ngõ cơ hội cho sự thay đổi dân chủ ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng là Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS có trụ sở ở Virgina.

“Có một điều đang thực sự có ích ngay lúc này là thái độ hiếu chiến kiên trì của Trung Quốc. Việt Nam không thể tự mình chống lại với sự hiếu chiến đó; Việt Nam đang ngày càng cảm thấy thế nguy của mình. Việt Nam phải thực hiện một quyết định - hoặc cùng với Hoa Kỳ và các nước khác trong khối ASEAN kết thành một mặt trận chung để đẩy lùi hành động xâm lấn, hoặc ở lại với Trung Quốc.”

Nhiều nước láng giềng của Việt Nam ở đông nam châu Á đang trải qua những biến chuyển kinh-xã mà cho đến gần đây, khó mà tưởng tượng nổi.

Miến Ðiện chẳng hạn, đã nhiều nằm trong tay độc tài quân sự, đang trải qua biến chuyển toàn bộ được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế.

Nếu Việt Nam muốn có một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, thì Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ để đổi lại. Chúng ta nên sử dụng thế mạnh của chúng ta...
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Ed Royce.
Giới lãnh đạo Miến Ðiện đang giữ lời hứa phóng thích tất cả tù nhân chính trị trước cuối năm nay để có thể chứng kiến “mọi người có khả năng đóng góp và sự cải thiện đất nước.” Nước kề sát Việt Nam là Campuchia cũng đang tổ chức bầu cử, và lãnh tụ phe đối lập đã được phép trở về sau khi sống lưu vong.

Các chuyên gia phân tích nói rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đang phải đối đầu với câu hỏi cơ bản là đất nước nên đi theo hướng nào. Sau đây là nhận định của ông Vuving:

“Liệu chúng ta có muốn đất nước cởi mở hơn? Liệu chúng ta có muốn cởi mở hơn đối với giới bất đồng chính kiến và đối lập v..v.. và v..v..”

Các quan sát viên cho rằng các giới chức có đầu óc cải cách bên trong chính phủ Việt Nam vẫn còn ở thế thiểu số; để thay đổi có thể xảy diễn, một sự thúc đẩy từ bên ngoài có thể tạo ra sự khác biệt. Nhiều người hy vọng Việt Nam sẽ nhìn thấy tấm gương Miến Ðiện mà thay đổi. Ðây là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng:

“Một trong các mục tiêu ngoại giao của Việt Nam là thiết lập một đối tác sách lược với từng thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ là thành viên duy nhất còn lại chưa có quan hệ đối tác sách lược với Việt Nam.”

Trong một bài diễn văn đọc hôm thứ tư, chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bày tỏ ý muốn của Việt Nam là nhìn thấy dấu ấn rõ ràng hơn của Hoa Kỳ trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

“Trong bối cảnh một khu vực và thế giới đang thay đổi, các đại cường, trong đó có Hoa kỳ, đóng một vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc đối phó với những điểm nóng của khu vực như vùng Biển Ðông - Biển Hoa Ðông.”

Sẽ không bao giờ có được một sự biến chuyển từ độc tài qua dân chủ nếu chúng ta về phe chế độ độc tài...họp với ông ta (Chủ tịch Sang), tranh luận với ông ta, nhưng đừng tạo điều kiện cho ông ta, đừng tươi cười đi lại và chụp ảnh nhiều quá mà xao lãng vấn nạn của giới bất đồng chính kiến...
Dân biểu Chris Smith
Nhiều đại biểu Quốc hội đã kêu Tòa Bạch Ốc nắm lấy thời cơ và tạo điều kiện cho một thay đổi ở Việt Nam đem lại lợi ích cho người dân nước này. Như nhận định của chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Hạ viện Ed Royce:

“Nếu Việt Nam muốn có một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, thì Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ để đổi lại. Chúng ta nên sử dụng thế mạnh của chúng ta.”

Dân biểu Chris Smith đại diện tiểu bang New Jersey có ý kiến như sau:

“Sẽ không bao giờ có được một sự biến chuyển từ độc tài qua dân chủ nếu chúng ta về phe chế độ độc tài. Do đó tôi khẳng định rằng gặp gỡ những chủ tịch nước như Sang, là người mà tất cả chúng ta đều biết không phải được dân bầu ra…họp với ông ta, tranh luận với ông ta, nhưng đừng tạo điều kiện cho ông ta, đừng tươi cười đi lại và chụp ảnh nhiều quá mà xao lãng vấn nạn của giới bất đồng chính kiến.”

Làm thế nào để Hoa Kỳ và Việt Nam cân bằng nhân quyền, thương mại và các vấn đề địa lý chính trị sẽ là điều được nhiều người trong khu vực theo dõi, nhất là Trung Quốc.

Truyền hình vệ tinh VOA Asia 25/7/2013
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:28 0:00


XS
SM
MD
LG