Đường dẫn truy cập

Thêm 2 tàu cá Việt Nam bị tấn công ở Hoàng Sa


Hai tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt và đánh đập về đến cảng Lý Sơn (Ảnh: lyson.org)
Hai tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt và đánh đập về đến cảng Lý Sơn (Ảnh: lyson.org)
Thêm hai tàu cá Việt Nam bị tấn công trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, ngư dân bị đánh đập và bị tịch thu toàn bộ tài sản.

Báo chí trong nước cho hay 2 tàu cá với thủy thủ đoàn gần 30 người do ông Võ Minh Vương và Mai Văn Cường ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng cùng bị “tàu lạ” có võ trang hung hãn đập phá, cướp bóc vào sáng ngày 6/7.

Sự việc được các ngư dân tường trình khi trở về đất liền hôm 9/7 và được đồn biên phòng Lý Sơn xác minh là có thật, trên cơ thể nhiều ngư dân vẫn còn đầy thương tích.

Thuyền trưởng Võ Minh Vương được BBC thuật lời cho biết những kẻ tấn công mặc quân phục hải quân và nói tiếng Trung Quốc.

Vụ việc xảy ra trong lúc Việt-Trung đang chuẩn bị thành lập đường dây nóng để giải quyết các vụ va chạm trên Biển Đông sau một vụ tấn công tương tự hồi cuối tháng 5 khi một tàu cá khác cũng thuộc tỉnh Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm vỡ tại Hoàng Sa.

Giữa lúc lãnh đạo hai nước vừa lặp lại cam kết giải quyết tranh chấp ôn hòa bằng thương lượng và đối thoại với văn kiện vừa ký nhân Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công du Trung Quốc hồi tháng trước, các ngư dân ở Quảng Ngãi đánh bắt trên Biển Đông vẫn không ngừng bị Trung Quốc tấn công, uy hiếp. Vậy phía Việt Nam có những biện pháp bảo vệ ngư dân như thế nào?

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, Võ Văn Trác, cho biết:
please wait

No media source currently available

0:00 0:06:26 0:00
Tải xuống
Ông Võ Văn Trác: Hàng loạt sự kiện xảy ra trong thời gian gần đây trong đó có việc Trung Quốc đưa hơn 32 tàu đánh cá và cả những chiếc tàu hậu cần rất lớn đến can thiệp vào vùng biển của chúng ta tại Hoàng Sa-Trường Sa để làm nhiệm vụ phi pháp. Trước đó, họ đã làm rất nhiều việc như thành lập thành phố Tam Sa để lấn chiếm tất cả những vùng biển mà họ đặt vấn đề là của họ, rất nhiều lần đưa tàu ngăn chặn ngư dân chúng ta, rồi ra lệnh cấm đánh bắt tại các vùng biển trong các khoảng thời gian nhất định. Nghĩa là rất nhiều sự kiện chứ không phải một sự kiện như vậy.

Hội nghề cá Việt Nam đã có rất nhiều văn bản và lên tiếng qua đài báo kịch liệt phản đối hành động phi pháp đó của phía Trung Quốc. Văn bản của Hội thì rất nhiều. Hàng tuần cũng có 2, 3 lần tuyên bố hoặc những phát biểu của Hội nghề cá. Cho nên, hành động thứ nhất là chúng tôi lên tiếng. Thứ hai, chúng tôi chỉ đạo các ngư dân, đặc biệt là Hội nghề cá các tỉnh, tuyên truyền vận động quần chúng nắm pháp luật và các quy định nhà nước đối với việc khai thác trên biển trong thời gian này. Thứ ba, hiện giờ có nhiều lực lượng trên biển lắm. Lực lượng ngư dân hiện có đến 80 vạn trực tiếp trên 127 ngàn tàu đánh cá. Đó là lực lượng rất hùng hậu, vừa đánh bắt, vừa bám biển để bảo vệ chủ quyền của ta. Nhưng quan trọng là phải có những chủ lực như hải quân, bộ đội biên phòng, và bây giờ có thêm kiểm ngư, và các lực lượng ở địa phương nữa. Cho nên, giải pháp thứ ba là làm thế nào để các lực lượng đó phải phối hợp cùng nhau để bảo vệ lợi ích cho tàu thuyền đi biển đầy đủ. Hành động thứ tư, làm thế nào bây giờ phải tổ chức về cơ chế-chính sách để cho dân đi biển yên tâm, nhất là bây giờ đi biển khó khăn như vậy. Phải nói các ngư dân Quảng Ngãi và ở một số tỉnh miền Trung cũng kiên cường lắm. Kiên cường là nhờ dân người ta dũng cảm, nhưng phải có những chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước đi vào thực tế. Hiện nay cái này cũng có chừng mực. Phải có những chính sách thực tế đi vào cuộc sống cơ. Đề nghị làm thế nào để các cơ chế, chính sách đi được vào cuộc sống để dân yên tâm bám biển.

VOA: Ông vừa cho biết Hội đã có rất nhiều văn bản lên tiếng. Đáp ứng của nhà nước thế nào trứơc những sự kiến nghị, lên tiếng đó?

Phải nói các ngư dân Quảng Ngãi và ở một số tỉnh miền Trung kiên cường lắm. Kiên cường là nhờ dân người ta dũng cảm, nhưng phải có những chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước đi vào thực tế...Đề nghị làm thế nào để các cơ chế, chính sách đi được vào cuộc sống để ngư dân yên tâm bám biển.
Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam Võ Văn Trác.
Ông Võ Văn Trác: Cũng có, nhà nước có phản hồi lại cho Hội, nhưng các văn bản chưa được thực hiện vào cuộc sống, chưa đáp ứng được nhu cầu. Mong muốn là các chính sách phải đi được vào cuộc sống. Như vậy là cần phải có giải pháp đồng bộ, chứ không chỉ ra văn bản hay kêu gọi không. Phải xuống cụ thể từng địa phương, rồi địa phương phải bám sát và làm thế nào để giúp ngư dân. Cái đó cần phải khắc phục, chưa được đạt yêu cầu đâu.

VOA: Hội đánh giá thế nào về tính hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan chức năng bảo vệ ngư dân như lực lượng cảnh sát biển, chẳng hạn?

Ông Võ Văn Trác: Các lực lượng đó đã có phối hợp với nhau nhưng chưa đạt được yêu cầu mong muốn của ngư dân. Họ đã có tổ chức, bàn bạc, hội họp với nhau, nhưng để đi vào giải quyết những khó khăn cụ thể cho ngư dân thì nói chung chưa đạt được yêu cầu. Mà nhu cầu của dân, đòi hỏi thực tế, thì lớn lắm. Nhưng việc trở mình trong quản lý nhà nước dù có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được những nhu cầu đang phát triển và những khó khăn của dân.

VOA: Việt-Trung dự định lập đường dây nóng để giải quyết các va chạm trên Biển Đông. Hội nghề cá Việt Nam có góp ý thế nào để đường dây này phát huy hiệu quả thiết thực, giúp ngăn ngừa việc ngư dân Việt bị Trung Quốc uy hiếp ở Biển Đông?

Ông Võ Văn Trác: Đường dây nóng này nếu làm được thì rất tốt. Hiện nay nhiều nước giải quyết những việc tàu thuyền đánh cá trên Biển Đông họ cũng có những giải pháp kịp thời. Còn mình nhiều lúc nghe việc gì còn phải từ từ giải quyết. Bây giờ có đường dây nóng, có việc gì trao đổi ngay, được vậy thì rất tốt. Như vậy thì hai bên đều phải nắm rõ tình hình với thiện chí giữa đôi bên. Vừa rồi đã có ký kết giữa Việt Nam với Trung Quốc là đã có thiện chí, lòng tin chiến lược giữa đôi bên. Có thể qua đường dây nóng này có thể giải quyết nhanh chóng hơn, ngăn chặn những hành động không đáng xảy ra trong các vụ va chạm. Hội rất hoan nghênh, ủng hộ việc này. Có điều lúc thực hiện phải làm thế nào cho nó thiết thực, cụ thể, và kịp thời. Thường chủ trương và ý tưởng bao giờ cũng tốt, nhưng điều băn khoăn là việc tổ chức thực hiện thế nào, đường dây nóng này ai nắm, và khi có sự việc xảy ra thì phối hợp giải quyết như thế nào.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG