Đường dẫn truy cập

TT Obama, các nhà lập pháp chỉ còn ít ngày để đạt thỏa thuận tài chính


Tổng thống Obama nói chuyện với các nhà báo về 'bờ vực tài chính'
Tổng thống Obama nói chuyện với các nhà báo về 'bờ vực tài chính'
Tổng thống Barack Obama hôm nay trở lại Washington để bắt đầu các cuộc thương nghị khó khăn với các nhà lãnh đạo Quốc Hội nhằm ngăn tránh hoặc đình hoãn các khoản tăng thuế và cắt giảm bắt buộc công chi vào cuối năm.

Cắt ngắn kỳ nghỉ lẽ ra kéo dài 2 tuần với gia đình ở Hawaii, ông Obama sẽ đánh giá tiến bộ của các nhà lập pháp và các vị phụ tá của chính ông hướng tới việc đạt được mục tiêu mà ông đề ra hôm thứ sáu tuần trước. Ông nói:

“Cố gắng đi tới một kế hoạch tránh việc tăng thuế người Mỹ trung lưu, bảo vệ trợ cấp thất nghiệp cho 2 triệu người Mỹ và đề ra nền tảng cho các biện pháp tiếp theo nhằm đạt tăng truởng và giảm thâm hụt.”

Tổng thống đã nói ông vẫn đặt hy vọng vào khả năng đạt được một kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách toàn bộ lớn hơn. Nhưng các cơ may cho việc này dường như hết sức mong manh.

Sự kiện đó đưa đến tình huống có phần chắc nhất là một dự luật tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát gia hạn việc cắt giảm thuế cho các gia đình có thu nhập dưới 250.000 đôla, gia hạn trợ cấp thất nghiệp và một cơ chế tạm thời tránh việc cắt giảm công chi 109 tỷ đôla.

Mọi biện pháp thông qua tại Thượng viện sẽ phải được sự hậu thuẫn của ít nhất 26 đảng viên Cộng Hoà và tất cả 191 đảng viên Dân chủ tại Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã phải đối mặt với một cuộc nổi loạn tuần trước của các đảng viên Cộng hoà chủ trương chống thuế đã ngăn kế hoạch thay thế của ông nhằm tăng thuế đối với người Mỹ có thu nhập trên 1 triệu đôla.

Trong một thông cáo hôm qua, ông Boehner nói Thượng viện tùy nghi quyết định. Ông cũng nói thêm rằng “các con đường thông tin liên lạc” vẫn mở ngỏ.

Ông Stephen Hess, một chuyên gia của Viện Brookings, nói ông tin rằng một thỏa thuận sẽ ló dạng:

“Sẽ có một cái gì đó được thông qua. Quốc Hội có thể có những vấn đề tệ hại, nhưng họ sẽ không châm ngòi cho một cuộc suy thoái, là điều sẽ xảy ra nếu họ không đạt được thỏa thuận về thuế, và về những cắt giảm lớn chắc chắn sẽ xảy ra nếu họ không đạt được thỏa thuận về thuế, và về những cắt giảm khổng lồ chắc chắn sẽ bắt đầu lập tức vào đầu năm mới.”

Một bối cảnh khác sẽ là các nhà lập pháp sẽ quay lại vào tháng giêng để đảo ngược những vụ tăng thuế và trì hoãn thêm việc cắt giảm công chi bắt buộc. Phe Cộng hoà khi đó có thể nói rằng họ chỉ bỏ phiếu để giảm thuế.

Nếu không đạt được một thỏa thuận, các khoản cắt giảm thuế được Quốc Hội thông qua dưới thời Tổng thống Cộng hoà George W. Bush – mà Tổng thống Obama đã gia hạn tạm thời vào năm 2010 - sẽ hết hạn vào ngày 1 tháng giêng.

Ông Hess nhận định rằng cho tới nay, các thị trường tài chính đã yên tĩnh một cách bất thường trong khi các chính trị gia chật vật hình thành một thỏa thuận. Ông nhận định:

“Ðã có một thái độ chờ xem trong các thị trường. Năm 2012 đã là một năm mà nói chung các thị trường Mỹ đã có thành tích khá, do đó có khả năng nhúc nhích đôi chút, và các thị trường đã không quyết định theo chân các chính trị gia lao xuống bờ vực – nói đúng hơn là chưa quyết định.”

Kinh tế gia Alan Blinder của trường Ðại học Princeton lo ngại về tác động đối với nền kinh tế Hoa Kỳ khi các nhà lãnh đạo không đạt được một sự dung hoà. Ông nói:

“Một nền kinh tế vừa mới lò dò bước ra khỏi tình trạng suy thoái tệ hại nhất từ thập niên 1930, nay lại bị một cú đánh, nhìn thấy chính phủ của mình hành động như một lũ hề, có thể phải chứng kiến chi phí vay mượn tăng cao vì thiếu sự tin tưởng vào các thị trường tài chính.”

Theo một cuộc thăm dò mới, người Mỹ theo dõi cuộc tranh đấu quyền lực ở Washington lấy làm bi quan hơn lúc trước về cơ may đạt được thỏa thuận.

Một cuộc thăm dò của Viện Gallup thực hiện trước lễ Giáng Sinh cho thấy 50% tin rằng có phần chắc sẽ đạt được một thỏa thuận ngăn tránh bờ vực tài chính, tỷ lệ này sụt giảm đáng kể so với nhiều tuần trước. 48% nói họ nghi ngờ về việc đạt được thỏa thuận.

VOA Express

XS
SM
MD
LG