Đường dẫn truy cập

Hướng đi của bang giao Trung-Nhật gây quan ngại tại Bắc Kinh


Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Shinzo Abe nói chuyện tại cuộc họp báo ở Tokyo, 16/12/12
Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Shinzo Abe nói chuyện tại cuộc họp báo ở Tokyo, 16/12/12
Trung Quốc tỏ ý hết sức quan ngại về hướng đi của các quan hệ Trung-Nhật sau cuộc bầu cử hôm qua tại Nhật Bản, đưa một chính phủ bảo thủ lên nắm quyền. Bang giao giữa hai nưóc đã căng thẳng trong mấy tháng gần đây về một vụ tranh chấp hải đảo trong vùng biển Ðông Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ chú ý theo sát các hành động của thủ tướng sắp lên nhậm chức, ông Shinzo Abe sau khi đảng Dân chủ Tự do của ông thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội tại Nhật Bản.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc hết sức quan tâm về đường hướng mà Nhật Bản sẽ theo khi cuộc bầu cử đã kết thúc, và hy vọng Nhật Bản sẽ khuyến khích sự phát triển xây dựng và ôn hoà quan hệ giữa hai nước.

Cuộc bầu cử diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng giữa hai cường quốc Á châu về một dãy đảo mà Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.

Hồi tháng 9, một vụ đối đầu về các đảo này đã khơi ra những vụ biểu tình bài Nhật ở khắp Trung Quốc.

Gần đây hơn, các tàu bè của cả hai nước đã theo đuổi nhau gần các hòn đảo, và tuần trước máy bay của chính phủ Trung Quốc đã vào vùng mà Nhật Bản coi là không phận của mình.

Trong cuộc bầu cử, ông Abe đã kích thích các nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa qua việc kêu gọi một quân đội mạnh hơn và đảng Dân chủ Tự do cho hay có thể xây các toà nhà trên các đảo, một hành động chắc chắn sẽ khiêu khích Trung Quốc.

Ông Abe nói Nhật Bản sở hữu và hiện đang nắm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku và không có lý do gì để thương nghị vào lúc này.

Nhưng với một nền kinh tế và khu vực xuất khẩu yếu kém, một số chuyên gia cho rằng các phát biểu khiêu khích của ông Abe có liên quan đến những hòn đảo này chỉ là lập luận vận động.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Viện Quốc phòng Australia cho rằng tình trạng suy thoái toàn cầu sẽ buộc Nhật Bản và Trung Quốc phải đặt các vấn đề nội bộ lên đầu nghị trình làm việc của họ.

Theo giáo sư Thayer, cả hai nhà lãnh đạo, nhất là ông Abe, có những vấn đề nội bộ to lớn phải cứu xét, nhất là về mặt kinh tế. Do đó có nhiều phần chắc họ không muốn có một cuộc khủng hoảng về chính sách đối ngoại gây trở ngại cho việc đối phó với các vấn đề đối nội.

Nhưng với sự chuyển biến chung qua phía hữu trong chính trường Nhật Bản, lập trường của ông Abe đối với Trung Quốc có thể mạnh hơn so với lần trước ông làm thủ tướng, cách đây 5 năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG