Đường dẫn truy cập

Tây nói tiếng ta


Buổi ra mắt cuốn sách mới của tôi, Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai (1), được tổ chức tại trường Đại Học Victoria, Melbourne, Úc vào chiều Chủ nhật, 6 tháng 5 vừa qua, khá thành công. Giảng đường lớn nhất của trường, đến 400 ghế, gần kín chỗ. Hầu hết các diễn giả đều nhận được những tràng pháo tay thật nồng nhiệt. Tuy nhiên, nồng nhiệt nhất là khi nghe hai sinh viên Úc lên phát biểu về kinh nghiệm học tiếng Việt của họ.

Cả hai, còn rất trẻ, trên dưới 20 tuổi, đều đang học tiếng Việt tại Đại Học Victoria (2). Christopher Dunn thì học được một năm rưỡi; còn Erica Bradford thì ba năm. Cả hai đều đã đi Việt Nam nhiều lần, có khi với tư cách du khách, có khi với tư cách giáo viên tiếng Anh thiện nguyện ở một tỉnh lẻ heo hút nào đó. Đặc biệt cả hai đều nói tiếng Việt rất giỏi. Giỏi đến độ trở thành một bất ngờ đối với những người tham dự buổi ra mắt sách hôm ấy.

Nhớ, khi Christopher và Erica mới mở miệng chào “các bác, các chú, các cô và các anh chị” và tự giới thiệu là “sinh viên của thầy Quốc” bằng thứ tiếng Việt gần như hoàn hảo, mọi người đều kêu to lên “Wow!” hay “Giỏi quá!” Cứ thế, khi các em phát biểu, cứ sau một hai câu là lại nghe một tràng tiếng vỗ tay hoặc những tiếng cười rú. Bầu không khí trong giảng trường sôi động hẳn lên. Với các diễn giả khác, trước và sau đó, người tham dự lắng nghe một cách chăm chú, thỉnh thoảng lại cười nhẹ khi nghe một câu nói dí dỏm. Với hai em sinh viên Úc thì khác. Người ta nhoài người lên phía trước để nhìn. Người ta vỗ tay. Người ta trầm trồ. Người ta vọt miệng bình phẩm ngay lúc diễn giả đang nói. Khi Erica kể là vì bắt đầu học tiếng Việt theo giọng Bắc ở Bắc Giang, khi về lại Úc, em không thể giao tiếp với người Việt ở Úc vốn phần lớn nói theo giọng miền Nam, mọi người cười ồ. Khi em kể tiếp, sau đó em đã hiểu được những chữ như “dề Diệt Nam dui dẻ”, mọi người vỗ tay ầm ĩ. Khi em nói em đang muốn học cách phát âm của người miền Trung, tôi nghe tiếng xuýt xoa thật lớn: “Trời, giỏi quá!”. Cuối cùng, khi em kết luận: “Nhiều lúc em có cảm tưởng học tiếng Việt không phải học một mà là học ba ngôn ngữ khác nhau: ‘tiếng’ miền Nam, ‘tiếng’ miền Bắc và ‘tiếng’ miền Trung”, cả một tràng pháo tay nổ ra và kéo dài hầu như vô tận. Em về ghế ngồi rồi; người điều khiển chương trình cầm micro yêu cầu im lặng để chuyển sang tiết mục khác rồi, mọi người vẫn tiếp tục bàn tán và khen ngợi sôi nổi. (3)

Ngày hôm sau, trong lớp học, cả Erica và Christopher đều còn ngất ngây sung sướng. Hai em đồng ý với nhau là trong suốt cuộc đời đi học, hai em chưa bao giờ trải qua một kinh nghiệm ngọt ngào đến như vậy. Erica kể, tối ngủ, em nằm mơ thấy mình đang đứng thuyết trình trước một đám đông người Việt bằng thứ tiếng Việt lưu loát như một người bản ngữ. Và lại nghe tiếng vỗ tay và những tiếng cưới rú lên như vậy. Christopher ngạc nhiên: “Ủa, tôi cũng nằm mơ y hệt!”. Té ra, hai em nằm mơ giống nhau: Cũng thuyết trình bằng tiếng Việt. Cũng được hoan hô rầm trời.

Thật ra, tôi đã chứng kiến khá nhiều lần những phản ứng vui vẻ và nồng nhiệt của người Việt Nam khi nghe một người ngoại quốc nói tiếng Việt trôi chảy. Thậm chí, chả trôi chảy chút nào, người ta vẫn vỗ tay tán thưởng. Biết vậy, nhiều người làm chính trị, khi phát biểu với người Việt, cố học được một hai câu chào, kiểu “Xin kính chào quý vị” là nhất định được hoan hô ngay tức khắc.

Cách đây ba hay bốn năm gì đó, có một học giả người Đức đến Melbourne tham dự một cuộc hội nghị quốc tế. Anh hẹn gặp tôi ở khu chợ của người Việt ở Footscray. Chúng tôi ăn trưa rồi sau đó đi loanh quanh ở chợ và các tiệm tạp hóa. Vừa đi vừa nói chuyện bằng tiếng Việt. Những người chung quanh trố mắt nhìn. Một số không nén được tò mò, khều tay tôi hỏi: “Sao ổng nói tiếng Việt hay quá vậy?” Anh bạn người Đức nghe thế, cười bảo: “Tại kiếp trước tôi là người Việt Nam mà!” Mấy người chung quanh cười rú lên. Chúng tôi đi rồi, tiếng cười và những lời khen ngợi vẫn còn vang lên sau lưng.

Không thể không công nhận, trong trường hợp này, người Việt nói chung rất dễ thương: Tất cả đều mừng rỡ và sung sướng khi thấy một người ngoại quốc nói tiếng Việt. Người ta không hề giấu giếm sự ngưỡng mộ đối với người nói được cái thứ tiếng được xem là “líu lo” như chim hót ấy.

Có điều, không phải lúc nào sự mừng rỡ và sung sướng ấy cũng có tác dụng hay. Hầu hết các sinh viên ngoại quốc học tiếng Việt với tôi đều từng có nhiều kinh nghiệm “cay đắng” về điều ấy. Mấy năm trước, tôi thường khuyên các em tranh thủ sự hiện diện đông đảo của cộng đồng người Việt tại Úc để thực tập tiếng Việt. Thực tập bằng cách nào? Tôi gợi ý: Mỗi tuần nên đi ăn ở tiệm Việt Nam ít nhất một lần. Ăn món gì cũng được. Nhưng cố gắng sử dụng tiếng Việt khi gọi món ăn và thức uống, khi yêu cầu tính tiền hoặc hỏi han một điều gì đó liên quan đến chuyện ẩm thực. Trước khi vào tiệm, cố gắng ôn tập và chuẩn bị những câu mình sẽ hỏi. Tôi dặn rất kỹ. Tuần sau, hỏi kết quả, hầu như cả lớp đều lắc đầu buồn bã: “Không được, thầy ơi!” Hỏi lý do, các em đều kể: Nghe các em mở miệng nói tiếng Việt, dĩ nhiên với giọng lơ lớ của người mới học, người ta không hiểu. Các em lặp lại, người ta nghe và cười ồ. Những người chung quanh cũng cười. Xấu hổ, các em im lặng và chuyển sang tiếng Anh.

Tôi phân tích ý nghĩa của tiếng cười trong văn hóa Việt Nam: Cười, trong những trường hợp như thế, không phải là chê bai hay chế giễu. Mà là khuyến khích. Động viên. Khen ngợi.

Rồi tôi khuyên các em cứ tiếp tục thực tập.

Tuần sau và nhiều tuần sau nữa, các em vẫn than thở là không thành công. Người ta vẫn cười. Và người ta vẫn không hiểu. Tôi yêu cầu các em lặp lại những câu các em nói. Tôi nghe khá rõ. Chắc chắn là còn lơ lớ. Ở các phụ âm. Ở các nguyên âm. Và nhất là, ở các thanh điệu. Nghe, biết ngay tức khắc là người ngoại quốc đang nói tiếng Việt. Nhưng theo tôi, mức độ sai trong cách phát âm của các em không quá lớn đến độ người ta không thể hiểu được. Khó hiểu: Đồng ý. Nhưng nói là không thể hiểu: Tôi hoàn toàn không đồng ý.

Vậy, tại sao khi các em nói, những người bán hàng hoặc bồi bàn không hiểu được?

Lý do, tôi nghĩ, một phần vì người ta thiếu kiên nhẫn. Đang bận bịu tất bật với công việc bán hàng hay chạy bàn, không mấy ai sốt sắng hay kiên nhẫn đến độ đứng nghe một người ngoại quốc bập bẹ nói tiếng Việt. Điều đó cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, tôi nghĩ còn một lý do khác: Phần lớn người Việt nghe tiếng Việt rất…kém.

So sánh cách phát âm tiếng Việt của các sinh viên ngoại quốc mới học tiếng Việt và cách phát âm tiếng Anh của rất nhiều người Việt Nam sống tại Úc, tôi thực tình không biết ai hơn ai. Có điều, phần lớn người Việt, khi nói tiếng Anh, nhất là khi mặt đối mặt, thường được hiểu khá dễ dàng. Hầu hết các cuộc giao tiếp căn bản đều diễn ra khá trôi chảy. Theo tôi, không phải tại họ nói tiếng Anh hay. Mà chủ yếu nhờ người nghe… nghe giỏi. Mà chuyện người nói tiếng Anh nghe tiếng Anh ngọng của người ngoại quốc giỏi kể cũng dễ hiểu: Đó là thứ người ta nghe hằng ngày. Ở khắp nơi. Trên thế giới hiện nay, không có ngôn ngữ nào được toàn cầu hoá với mức độ ghê gớm như tiếng Anh. Càng toàn cầu hóa, nó càng dị biệt hóa, nhất là ở cách phát âm. Không phải chỉ có cách phát âm của người Anh, người Mỹ, người Úc, người Tân Tây Lan và Gia Nã Đại mà còn có những cách phát âm lai tạp của người Singapore, người Phi Luật Tân, người Ấn Độ, người Trung Quốc, v.v… Người nói tiếng Anh giỏi có âm sắc riêng. Người nói tiếng Anh kém lại càng có âm sắc đặc biệt. Giao tiếp hàng ngày với vô số giọng nói tiếng Anh như thế, người nói tiếng Anh như một bản ngữ quen tai và quen đoán. Nghe sai mấy, người ta cũng đoán được.

Người Việt thì khác. Số người ngoại quốc học tiếng Việt còn ít. Chúng ta hiếm khi nghe cách nói tiếng Việt pha âm sắc ngoại quốc. Vì vậy, khả năng đoán cũng kém.

Tôi nói người Việt nghe tiếng Việt kém là vì vậy.

Nghĩ cho cùng cả việc người Việt phấn khởi vui vẻ và nồng nhiệt khi nghe một người ngoại quốc nói tiếng Việt giỏi và khi không hiểu những người ngoại quốc mới bắt đầu bập bẹ tiếng Việt đều có cùng một nguyên nhân: Tâm lý của một nước nhược tiểu về ngôn ngữ.

Mặc dù tiếng Việt thuộc nhóm 20 ngôn ngữ được nhiều người nói nhất thế giới hiện nay, nó vẫn là một thứ tiếng nhược tiểu.

***

Chú thích:

  1. Có thể xem bài tường thuật buổi ra mắt trên Tiền Vệ: http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=14789 .

Ngoài ra, có cuộc phỏng vấn NHQ về cuốn sách trên đài SBS Radio (Úc). Có thể nghe ở đây:

http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/highlight/page/id/214931/t/Teaching-Vietnamese-as-a-second-language-part-1

http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/highlight/page/id/214935/t/Teaching-Vietnamese-as-a-second-language

Xin xem trang web về ngành Việt ngữ và Việt học tại Victoria University: http://www.vu.edu.au/unitsets/ASPVIE

Xin mời nghe vài câu tiếng Việt trong trích đoạn video tường thuật buổi ra mắt trên http://www.radioaustralia.net.au/vietnamese/2012-05-11/d%E1%BA%A1y-ti%E1%BA%BFng-vi%E1%BB%87t-nh%C6%B0-m%E1%BB%99t-ng%C3%B4n-ng%E1%BB%AF-th%E1%BB%A9-hai-%E2%80%93-kh%C3%B3-hay-d%E1%BB%85/942374

  1. * Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG