Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn nhà thơ Bùi Chát về giải thưởng quốc tế IPA


Bùi Chát và Nhóm Mở Miệng chủ trương nhà xuất bản Giấy Vụn
Bùi Chát và Nhóm Mở Miệng chủ trương nhà xuất bản Giấy Vụn

Ngày Tự do báo chí Thế giới 3/5 năm nay, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế nhắc đến Việt Nam với tin nhà thơ trẻ Bùi Chát bị câu lưu ngay lúc về tới phi trường Tân Sơn Nhất sau khi sang Argentina nhận giải thưởng quốc tế mang tên “Quyền tự do xuất bản” do Hiệp hội Các nhà xuất bản Quốc tế IPA trao tặng, để vinh danh người đã can đảm đấu tranh bảo vệ quyền tự do thể hiện quan điểm. Bùi Chát, sinh năm 1979, là một nhà thơ chui và là người sáng lập Nhà xuất bản Giấy Vụn không đi theo lề phải của nhà nước. Anh đã dành cho Tạp chí Thanh Niên buổi trò chuyện khi được tạm thả sau hơn 3 ngày bị giam.

Bùi Chát: Tôi về tới sân bay 6h tối ngày 30/4, họ giữ tôi lại cho tới khoảng 4h chiều ngày 1/5. Sau khi làm một số biên bản, thu giữ một số quyển sách và Giải thưởng của IPA, họ ký lệnh tạm giam tôi và đưa tôi về công an phường làm tiếp một số thủ tục để khám nhà.

Trà Mi: Nội dung chính của những buổi làm việc và những yêu cầu họ đặt ra là gì, thưa anh?

Bùi Chát: Họ hỏi tôi về chuyến xuất cảnh, tôi đã gặp gỡ những ai, có gặp người Việt nào không. Họ cũng hỏi thêm về các hoạt động của Nhà xuất bản Giấy Vụn.

Trà Mi: Sau khi về công an phường, các buổi làm việc tiếp theo ra sao?

Bùi Chát: Từ lúc về tới Việt Nam, tổng cộng tôi bị giữ 47 tiếng đồng hồ.

Trà Mi: Trên văn bản lệnh tạm giam chính quyền có giải thích lý do của các buổi làm việc này là gì không?

Bùi Chát: Họ nói tạm giữ hành chính tôi vì tôi đã vi phạm nghị định 202 về việc nhập khẩu văn hóa phẩm không được xin phép.

Trà Mi: Việc này liên quan tới những cuốn sách anh mang về nước?

Bùi Chát: Vâng, nhưng thực tế trong quá trình làm việc họ không hề hỏi về các quyển sách đó.

Trà Mi: Trong buổi làm việc cuối cùng, họ thông báo với anh thế nào? Đã có một quyết định chính thức ra sao?

Bùi Chát: Họ in ra những văn bản trong máy tính xách tay của tôi, đề nghị tôi ký tên. Họ bảo sẽ chuyển các tài liệu đó lên cơ quan chức năng để giám định và sẽ trả lời với tôi khi có kết quả.

Trà Mi: Lý do giam giữ anh trong mấy ngày qua xuất phát từ việc anh mang về nước văn hóa phẩm chưa xin phép, nhưng nội dung làm việc thì hoàn toàn khác và việc họ khám nhà cũng không hoàn toàn liên quan tới các quyển sách mà anh mang về?

Bùi Chát: Đúng vậy.

Trà Mi: Anh có nêu lên thắc mắc không và có nhận được câu trả lời thỏa đáng chăng?

Bùi Chát: Tôi cũng biết là khi trở về sẽ bị chặn và sẽ bị tạm giữ. Cho dù không có các quyển sách thì họ cũng sẽ giữ tôi thôi. Trước đây, nhà xuất bản Giấy Vụn vẫn thỉnh thoảng phải lên làm việc với an ninh, cũng gặp khó khăn. Đôi lúc tôi cũng bị đi theo cả tháng trời, nhưng chưa tới mức như đợt này. Rõ ràng sau khi tôi nhận Giải thưởng IPA, về tới nơi, họ đón ngay tôi ở hải quan phi trường. Thậm chí họ lấy luôn cả bằng khen của IPA, chứng tỏ việc tạm giữ này chắc chắn có liên quan tới Giải thưởng đó.

Trà Mi: Nếu đúng có mối liên quan đó thì ngay từ đầu họ đã không để cho anh đi nhận giải thưởng?

Bùi Chát: Khi tôi chuẩn bị đi, họ không biết. IPA cũng không thông báo người được giải năm nay trước khi tôi có mặt tại Buenos Aires. Tôi nghĩ do nhà cầm quyền không biết nên đã không có những biện pháp ngăn chặn không cho tôi đi.

Trà Mi: Cảm tưởng của anh thế nào sau khi nhận giải thưởng của IPA, đặc biệt sau những gì đang diễn ra khi anh về nước với giải thưởng này?

Bùi Chát: Khi được thông báo mình là người nhận giải, tâm trạng của tôi rất khó tả, vừa vui, vừa buồn. Buồn nhiều hơn vui. Sau những sự kiện này, đúng là tôi càng cảm thấy buồn vì cảm giác của một công dân của một nước thiếu rất nhiều quyền tự do, trong đó có quyền tự do xuất bản, tự do phát biểu. Việc tôi được nhận giải này chứng tỏ rằng chúng ta vẫn đang ở một nơi thiếu tự do trầm trọng.

Trà Mi: Giải thưởng này có ý nghĩa thế nào đối với anh?

Bùi Chát: Những cố gắng, nỗ lực của nhiều anh em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và làm rõ một hiện tượng trong việc nói lên tiếng nói tự do của chính mình. Họ nhìn rõ một vấn đề về quyền tự do phát biểu ở Việt Nam.

Trà Mi: Anh ghi nhận được những gì từ chuyến đi nhận giải? Có điều gì anh cảm thấy ấn tượng muốn chia sẻ với những người quan tâm?

Bùi Chát: Tôi được đến một hội chợ sách quá lớn, tổ chức rất quy mô, thể hiện sự tôn trọng sách.

Trà Mi: Vâng, hội chợ sách nói lên sự tôn trọng đối với sách. Buổi lễ trao giải thưởng cho anh cũng nói lên sự tôn trọng đối với quyền tự do viết và xuất bản. Về hoạt động của anh và nhà xuất bản Giấy Vụn, một chút thắc mắc đầu tiên về bút hiệu Bùi Chát. Nó thể hiện sự tương phản giữa hai hương vị khác nhau. Anh có thể giải thích một chút về ý nghĩa và nguyên nhân của bút danh này?

Bùi Chát: Tôi họ Bùi. Bùi và chát là hai mùi vị khác nhau nói lên con người có nhiều mặt đối lập bên trong. Ngoài ra, Bùi Chát đọc ngược lại là chùi bát, tức làm sạch sẽ. Tôi là người sẵn sàng lau sạch để chuẩn bị món ăn ngon cho mọi người.

Trà Mi: Với nguyện vọng lau sạch những gì chưa được sạch sẽ, anh có thể giới thiệu đôi chút về hoạt động của nhà xuất bản Giấy Vụn và phong trào thơ chui trong nước mà anh là một trong những người đi tiên phong?

Bùi Chát: Phong trào xuất bản độc lập rải rác xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2000. Sau khi có internet, một sự hỗ trợ kết hợp, phong trào xuất bản độc lập và những cây bút tạm gọi là phi chính thống, ngoài luồng, thể hiện tác phẩm của mình một cách trung thực thông qua các nhà xuất bản độc lập này và internet. Chính vì vậy, tiếng nói của họ được đến với độc giả một cách trung thực nhất và được đón nhận một cách trung thực nhất, khuyến khích phong trào sáng tác văn chương phản ánh đúng thực trạng xã hội.

Trà Mi: Thực tế cho thấy một số thành viên trong phong trào này gặp rắc rối với chính quyền, tiêu biểu như trường hợp của anh, của nhà thơ Lý Đợi, hay của các thành viên trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, chẳng hạn. Kể từ khi có sự rắc rối đó, hoạt động của phong trào ra sao?

Bùi Chát: Cũng có tác động khi nhà cầm quyền gây hoang mang cho những cây bút. Đúng là sống ở Việt Nam, rất nhiều người sợ, ai cũng sợ, nhưng rất nhiều người trước tôi đã vượt qua nỗi sợ để thể hiện chính mình. Sự can đảm đó được khuyến khích, ủng hộ bởi những tiếng nói khác. Sự vượt qua nỗi sợ này càng ngày càng lớn ra. Chính vì vậy, phong trào càng ngày càng mạnh. Phong trào tiếp tục tồn tại là vì có những người tuy sợ nhưng họ vẫn làm.

Trà Mi: Một người trẻ yêu thơ đã là một điều đặc biệt, nhưng đặc biệt hơn nữa, khi được biết anh là một nhà thơ chui, thậm chí còn xuất bản những tác phẩm chui không qua kiểm duyệt của nhà nước. Vì sao anh quyết định trở thành một nhà thơ, nhà xuất bản chui, bất chấp những rủi ro có thể gặp phải trong điều kiện ở Việt Nam, nơi mọi thứ đều phải qua kiểm duyệt của nhà nước?

Bùi Chát: Tôi ra trường với đầy nhiệt huyết muốn cống hiến cho xã hội, nhưng càng tiếp xúc với giới văn nghệ và xuất bản, tôi càng nhận ra một điều phi lý, một sự mất tự do trầm trọng, thậm chí là một sự suy đồi. Tôi đã quyết tâm không thể để điều này tái diễn cho chính mình. Đó là điều đầu tiên tôi nghĩ khi quyết định thành lập nhóm Mở Miệng và Nhà xuất bản Giấy Vụn để cùng một số người bạn cùng chí hướng sáng tác theo quan điểm đó. Gía trị lớn nhất là mình luôn phải trung thực với những điều suy nghĩ của mình, không bao giờ để người khác tự ý bóp méo, cắt xén những cái mình muốn thể hiện.

Trà Mi: Anh có thể chia sẻ những vui buồn từ khi trở thành một nhà thơ , nhà xuất bản chui tại Việt Nam?

Bùi Chát: Niềm vui lớn nhất là thỉnh thoảng tôi nhận được email của những người thích thú với những quyển sách, những kiểu trình bày lạ, và lối viết thơ như vậy. Đó là những niềm vui nho nhỏ luôn khuyến khích, ủng hộ chúng tôi để chúng tôi tiếp tục làm. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi luôn luôn có người muốn đọc, muốn tìm hiểu, và muốn biết về những việc mà chúng tôi làm.

Trà Mi: Sáng tác thơ, đặc biệt là thơ chui, chắc chắn không phải vì sự nổi tiếng hay nhu cầu mưu sinh. Vậy mục đích chính của các nhà thơ ngoài luồng là sáng tác để bày tỏ tư tưởng, để thỏa mãn đam mê thơ văn, hay là để chống đối? Nếu có người đặt câu hỏi này với anh, anh trả lời thế nào?

Bùi Chát: Có khi nó là cả hai, vừa để thỏa mãn suy nghĩ của mình về xã hội, đất nước, dân tộc, con người một cách trọn vẹn, vừa là một cách phản kháng, chống đối để luôn là một động lực cho sự thay đổi và vận động. Sự chống đối này nên hiểu chính là sự từ chối, từ khước những gì đang có mà không chịu vận động.

Trà Mi: Thế nhưng nếu có người cho rằng mỗi nước có luật lệ riêng, sống ở đâu phải theo luật ở đó, chống đối có lợi gì không hay chỉ rước họa vào thân?

Bùi Chát: Mỗi nước có luật lệ riêng nhưng các giá trị về con người, về các quyền căn bản thì mang tính phổ quát. Chúng ta phải tôn trọng cái cơ bản có lợi ích nhất đối với con người. Không thể dùng luật lệ của nước nào đè bẹp các giá trị mang tính con người.

Trà Mi: Giải thưởng “Quyền tự do xuất bản” của Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế IPA đã mang lại cho anh không ít rắc rối khi trở về nước. Giả sử trong trường hợp xấu nhất, nó sẽ mang đến cho anh những bất lợi nhất định nào đó, anh sẽ nói gì?

Bùi Chát: Trong lịch sử giải thưởng IPA chưa có tiền lệ nào như trường hợp của tôi ở Việt Nam. Nếu tiếp tục gặp những điều xấu hơn sắp tới, tôi vẫn vui vẻ đón nhận vì tôi nghĩ rằng việc mình làm hoàn toàn không sai, nó chỉ hướng đến sự tốt đẹp chung cho một tương lai. Nếu vì những mục đích tốt đẹp mà tôi phải chịu một điều gì tệ hại cho chính bản thân tôi, tôi nghĩ, chuyện đó là một sự trả giá quá nhỏ, không có gì phải quá bận tâm.

Trà Mi: Còn trong trường hợp mọi chuyện trở nên tốt đẹp, không gì rắc rối hơn thế nữa, liệu những gì đang diễn ra với anh sau khi nhận giải thưởng này có làm anh chùn bước hay tác động ý chí và quyết định của anh trong việc đi theo một phong trào thơ chui, xuất bản chui tại Việt Nam chăng?

Bùi Chát: Những gì chúng tôi đã chọn trong 10 năm nay không gì thay đổi được. Việc chùn bước không thể có được đối với mọi người trong chúng tôi.

Trà Mi: Trước khi chia tay, anh có một vài vần thơ nào tâm đắc nhất muốn gửi gắm tới những người quan tâm về nhà thơ Bùi Chát để thính giả có thể nghe chính tác giả chia sẻ về những vần thơ của mình?

Bùi Chát: “Anh chị em thân mến
Chúng ta có mặt nơi đây
Không phải để khóc
Không phải để cân nhắc, im lặng, rồi quay đầu
Chúng ta có mặt nơi đây để sống
Để thể hiện bổn tánh chúng ta
Đâu nhất thiết phải hoang mang, nhắc nhở lời đe dọa
Bởi với chúng ta
Sợ hãi không bao giờ là mục đích”

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn anh vì thời gian và những chia sẻ trong câu chuyện hôm nay.

Bùi Chát: Xin cảm ơn chị và xin cảm ơn tất cả mọi người đã lắng nghe và đã ủng hộ Nhà xuất bản Giấy Vụn cũng như cá nhân tôi.

Trà Mi: Qúy thính giả có thể chia sẻ cảm nghĩ, bình luận, và trao đổi với độc giả khắp nơi về câu chuyện này trong mục Tạp chí Thanh Niên trên website của VOA ở địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên facebook ở http://www.facebook.com/VOATiengViet. Tạp chí Thanh Niên mong được đón tiếp quý vị và các bạn trong các câu chuyện về giới trẻ người Việt khắp nơi trên làn sóng của đài VOA mỗi tuần. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG