Đường dẫn truy cập

Xung đột ở Syria đẩy tổ chức đồng minh Hezbollah vào thế kẹt


Du khách kéo theo hành lý đi bộ tới phi trường Quốc tế Rafik Hariri sau khi một số thành viên của gia đình 11 người hành hương Li-băng chặn các đường cao tốc dẫn đến sân bay Beirut để phản đối chính phủ Li-băng
Du khách kéo theo hành lý đi bộ tới phi trường Quốc tế Rafik Hariri sau khi một số thành viên của gia đình 11 người hành hương Li-băng chặn các đường cao tốc dẫn đến sân bay Beirut để phản đối chính phủ Li-băng
Cuộc xung đột ở Syria đang tác động lan truyền đến nhiều nước láng giềng và đặt một số đồng minh của chính quyền Syria vào tình thế nhạy cảm. Thông tín viên Scott Bobb từ Beirut tường trình về ảnh hưởng của cuộc xung đột này đối với nhóm chủ chiến Hezbollah ở Li-băng.

Vụ bắt cóc 11 người hành hương Shia trở về Li-băng từ Iran hồi năm ngoái ở Syria cho thấy mối liên hệ nhạy cảm giữa cuộc xung đột Syria và các phe nhóm giáo phái ở nước láng giềng Li-băng.

Liên minh đối lập chính của Syria đã phủ nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc, nhưng một nhóm nổi dậy trước đây chưa từng được biết đến nói họ đang cầm giữ những người hành hương này cho đến khi chính quyền Syria ngưng tấn công thường dân vô tội. Những kẻ bắt cóc nói 5 người trong nhóm người hành hương là thành viên của Hezbollah, tổ chức bị cáo buộc ủng hộ chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hezbollah là đồng minh lâu năm của chính quyền Syria và được chính quyền này huấn luyện, cung cấp vũ khí và tài lực nhằm chống phá Israel. Nhưng gần đây, lãnh đạo Hezbollah đã lên tiếng chỉ trích tình trạng bạo lực ở Syria và bày tỏ sự ủng hộ đối với cải cách dân chủ ở đó.

Ông Rami Khouri, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc American University ở Beirut, nói Hezbollah đang lâm vào thế khó.

Ông Khouri cho biết: “Đối với Hezbollah, chính quyền Syria có vai trò quan trọng về mặt chính trị và tiếp vận và vì thế cho nên họ không muốn chống đối chính quyền này. Nhưng những gì Syria đang làm khiến họ khó xử và họ đã tìm một lập trường trung dung khi nói đến việc cải cách và giải quyết những vấn đề chính trị ở Syria một cách hòa bình. Nhưng tuyên bố của họ không thuyết phục lắm. Ai cũng biết rằng Hezbollah muốn chế độ Syria tồn tại.”

Mặc dù vậy, chính quyền Syria tỏ ra giận dữ trước lập trường của Hezbollah và quan hệ đôi bên đã nguội lạnh.

Ông Omar Nashabe, biên tập viên tờ Al Akhbar có quan điểm gần với Hezbollah, nói quan hệ giữa Hezbollah và chính quyền Syria dao động theo thời gian.

Ông Nashabe nói: “Mối quan hệ này vốn dĩ mang tính thực dụng. Đó là mối quan hệ liên quan đến năng lực hoạt động. Hezbollah là một tổ chức hoạt động rất hợp lý xét về vai trò và chức năng của nó.”

Các nhà lãnh đạo Hezbollah tuyên bố mục tiêu chính của họ là củng cố Hồi giáo về mặt chính trị và chiến đấu chống lại điều mà họ gọi là sự xâm chiếm lãnh thổ Palestine bởi Israel.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hezbollah, cũng như lãnh đạo của những nhóm Amal, là nhóm chính trị đối thủ người Shia ở Li-băng, kêu gọi nhân dân Li-băng giữ bình tĩnh trước hàng loạt những vụ xung đột phe phái ở Li-băng, gây ra bởi cuộc xung đột ở Syria.

Giáo sư Hillal Khashem thuộc American University ở Beirut nói sở dĩ họ cùng đưa ra lời kêu gọi như vậy là vì hai nhóm này đã đạt được những thành quả chính trị đáng kể từ lúc cuộc nội chiến Li-băng chấm dứt vào hai thập kỷ trước.

Ông Khashem cho biết: “Hezbollah và Amal đều không muốn tạo ra một bầu không khí căng thẳng và gây phương hại đến những thành tựu mà cộng đồng người Shia đã tích lũy được trong hơn 20 năm qua. Vì thế họ có lợi ích trong việc duy trì một bề ngoài yên tĩnh cho đất nước.”

Ông Nashabe cho biết Hezbollah đã lên án việc chính quyền Syria và lực lượng dân quân thân chính phủ sử dụng bạo lực nhắm vào thường dân. Nhưng ông cũng nói mọi người cần nhớ là có một số đông đáng kể dân chúng Syria vẫn ủng hộ chính quyền Assad.

Ông Nashabe nói: “Hezbollah tin rằng chính nhân dân Syria mới định đoạt số phận của họ, nhưng Hezbollah tán đồng với quan điểm của Trung Quốc và Nga rằng một phần dân chúng vẫn ủng hộ ông Assad.”

Ông chỉ trích tuyên bố của phương Tây và chính quyền các nước Ả rập rằng chế độ Assad đã mất hết tính hợp pháp và phải từ bỏ quyền lực.

Ông Nashabe nói thêm: “Việc khăng khăng đòi loại bỏ tổng thống Assad là trái ngược hoàn toàn với tinh thần của hiến chương Liên Hiệp Quốc, trái ngược với bất kỳ sáng kiến hợp lý nào nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình.”

Ông Nashabe nói giải pháp duy nhất là tất cả các bên đình chiến và tiến hành đối thoại.

Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra. Trước việc hàng ngàn người ủng hộ bị sát hạt trong những đợt biểu tình ôn hòa ban đầu, phe đối lập của Syria nói rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào ngoài việc chế độ Assad phải ra đi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG