Đường dẫn truy cập

Tử vong vì tai nạn giao thông trên thế giới


Xe hơi và xe 2 bánh phải di chuyển với mức độ chậm vào giờ cao điểm buổi sáng trong thành phố Hyderabad của Ấn Ðộ
Xe hơi và xe 2 bánh phải di chuyển với mức độ chậm vào giờ cao điểm buổi sáng trong thành phố Hyderabad của Ấn Ðộ

Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong vài ngày qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 65 người ở Ấn Độ, Trung Quốc, và Ai Cập. Thu nhập tăng ở các nước đang phát triển tạo cơ hội cho nhiều người sắm được xe riêng đầu tiên cho mình, nhưng theo tường trình của thông tín viên Kate Woodsome, các quy định lỏng lẻo về an toàn giao thông, các đường cao tốc kém chất lượng, và những người lái xe thiếu kinh nghiệm là một sự tổng hợp gây chết người.

Tai họa xảy ra trên các quốc lộ của Trung Quốc hôm thứ Hai, với 14 học sinh bị thiệt mạng trong một tai nạn xe cộ ở tỉnh Hồ Nam, và 7 người chết khi 100 chiếc xe đâm chồng lên nhau ở tỉnh Quế Châu lân cận.

Những mối nguy hiểm trên các đường phố ngày càng nhộn nhịp của Trung Quốc đã trở thành chuyện thường thấy ở các nước đang phát triển.

Ông Etienne Krug, giám đốc phụ trách khâu ngăn chặn bạo hành và thương tật thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, nói rằng đây là một ví dụ cho thấy các khía cạnh tích cực của sự phát triển có thể mang lại những tai hại nghiêm trọng:

"Các con đường mới đang được thi công, có thêm nhiều ô tô lưu thông, thêm hàng ngàn người điều khiển phương tiện giao thông trên đường mỗi ngày, và đáng tiếc là những mặt phát triển tốt đẹp này không đi đôi với các biện pháp an toàn cần thiết, và an toàn trên đường phố chưa được coi trọng đúng mức để tương xứng với những thay đổi rất nhanh chóng của sự phát triển."

Nhận xét này quả thật chính xác khi nhắc tới các đường phố hỗn loạn ở Ấn Độ, nơi xảy ra thương vong vì tai nạn giao thông nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Tai nạn nghiêm trọng gần đây nhất xảy ra hôm thứ bảy, khi một nhóm người vừa đi đưa đám về bỗng chốc biến thành những người được đưa tang sau khi chiếc xe van của họ bị một chiếc xe buýt đâm vào. 36 người thiệt mạng trong tai nạn vừa kể ở bang Uttar Pradesh.

Công ty Khảo sát JP có trụ sở tại Hoa Kỳ đã thu thập các dữ kiện về những tai nạn như thế này trong bang Tamil Nadu của Ấn.

Ông Ravishankar Rajaraman, giám đốc dự án của công ty ở Ấn cho biết nhiều con đường mới tại đây được thiết kế theo kiểu các đường cao tốc của các nước Tây phương, và điều này có thể gây rắc rối vì thói quen đi lại ở Ấn khác xa với những nước đó.

"Ở Ấn Ðộ, gần 70% xe cộ lưu thông là xe hai bánh. Ô tô, xe vận chuyển hành khách chỉ chiếm khoảng từ 15 tới 20%."

Các đường cao tốc to lớn với những lằn ranh phân chia rộng phù hợp cho xe ô tô và các loại xe vận tải nhẹ vận hành với tốc độ cao ở các nước Tây phương lại trở thành mối nguy đe dọa an toàn giao thông khi bị tràn ngập bởi các loại xe hai bánh:

"Khi xe đang chạy và vượt qua lằn ranh bên cạnh để tránh xe đằng trước khi thấy xe phía trước ngừng để quẹo hay để vòng lại, thì đó là lúc gây ra rắc rối cho các xe hai bánh đang di chuyển xung quanh."

Các đường cao tốc mới lại thường thiếu bảng hiệu và đèn, như trường hợp xảy ra ở Ai Cập hôm chủ nhật, khi một chiếc xe buýt di chuyển trên một con đường thiếu ánh sáng lao vào một chiếc xe truck đang đậu. 8 du khách người Mỹ bị thiệt mạng trong tai nạn xảy ra trước lúc bình minh này khi họ đang trên đường từ Aswan hướng về đền thờ Abu Simbel.

Ông Krug thuộc Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng cho dù có ban hành các luật lệ giao thông phù hợp, và người dân tuân thủ quy định đi chăng nữa thì người điều khiển phương tiện lưu thông cũng như hành khách ở những nước có nền kinh tế đang phát triển cũng phải đối diện với một thách thức khác nữa khi lái trên những chiếc xe có kỹ thuật máy móc kém an toàn.

"Chúng ta nhìn thấy các loại xe ở một số nước đang phát triển trông y hệt, nhưng thật ra không giống những chiếc xe chúng ta đang sử dụng tại các nước phương Tây, vì chúng đã bị lột bỏ một số phương tiện an toàn căn bản.”

Những chiếc xe nhắm vào giới tiêu thụ có thu nhập thấp thường thiếu các chức năng an toàn cao giá hơn của những chiếc ô tô bán ra trên thị trường các nước Tây phương. Tiền nào của nấy. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có gần 1,3 triệu người chết vì tai nạn giao thông mà đa số là tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ông Krug cho rằng có thể hạ giảm con số này bằng cách đội mũ bảo hiểm dành cho xe gắn máy, thắt dây an toàn, không vượt quá tốc độ, hoặc lái xe trong tình trạng say xỉn. Vẫn theo ông Krug, các chính phủ nên có biện pháp ứng phó với tai nạn tốt hơn và giữ vững các quy định an toàn nghiêm ngặt như tại Việt Nam.

"Sau khi luật dành cho người lái xe gắn máy được ban hành, chúng ta hầu như thấy ngay số người điều khiển xe máy đội nón bảo hiểm tăng từ 20% lên thành 100%.”

Một sự lựa chọn khác là cùng tránh điều khiển xe. Đây là sự lựa chọn của ông Rajaraman thuộc Viện Khảo sát JP khi ông đi về nhà ở Mumbai trong tuần này.

Khi đưọc hỏi đi xe lửa có an toàn hơn lái ô tô hoặc xe hai bánh không, ông Rajaraman trả lời rằng dường như phương tiện giao thông công động luôn luôn an toàn hơn. Và theo ông mặc dù tai nạn đã có xảy ra nhưng ở chổ ông xe lửa có kỷ lục an toàn khá tốt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG