Đường dẫn truy cập

Môn bóng gỗ ở Việt Nam


Các tuyển thủ bóng gỗ Thái Lan tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á ở Nusa Dua, Bali, Indonesia (ảnh tư liệu 2008)
Các tuyển thủ bóng gỗ Thái Lan tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á ở Nusa Dua, Bali, Indonesia (ảnh tư liệu 2008)

Môn thể thao còn mới lạ với nhiều người có tên là 'bóng gỗ' được du nhập vào Việt Nam cách đây hơn một năm và đang có những bước phát triển ban đầu tại nước này. Trong cuộc trao đổi mới đây với đài VOA, ông Hà Khả Luân, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, và hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng Gỗ Đông Nam Á, bày tỏ hy vọng rằng môn thể thao được cải biến từ môn đánh gôn này có nhiều điểm thích hợp với điều kiện của Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng phát triển.

VOA: Xin ông giới thiệu về sự hình thành môn bóng gỗ tại Việt Nam?

Ông Hà Khả Luân: Tôi là người du nhập môn bóng gỗ này vào và phát triển nó tại Việt Nam, tính đến nay là được khoảng một năm và hơn 5 tháng.

Sau khi đọc tài liệu, tôi suy nghĩ đây là một môn thể thao thích hợp với sự khéo léo chân tay của người Việt mình – [có thể thấy qua việc] trẻ con chơi khăng, đánh đáo, chơi bi ... Và tôi nhận thấy môn này không đòi hỏi chiều cao, cân nặng, hoặc là các đòi hỏi về thể lực mà có sự khác biệt giữa người châu Âu và châu Á.

Hồi nhỏ tôi cũng chơi khăng, và chúng tôi chơi tất hay. Từ những yếu tố đó, khi đọc các tài liệu môn bóng gỗ, tôi cho rằng môn thể thao này có thể phát triển được, và phát triển tốt ở Việt Nam.

Ngày 9 tháng 9 năm 2009, tôi thành lập câu lạc bộ bóng gỗ đầu tiên ở Hà Nội, và đó cũng là câu lạc bộ đầu tiên ở nước Việt Nam, với 22 hội viên đầu tiên.

Hôm 26 và 27 tháng 2 vừa rồi, tôi đã tổ chức Giải bóng gỗ Hà Nội mở rộng đầu tiên. Sau hơn một năm khởi sự từ một câu lạc bộ với 22 người, tôi đã phát triển ra được môn thể thao này ở Phú Thọ, Quảng Ninh; và một số người ở Gia Lai tìm hiểu qua vô tuyến cũng ra đây học.

Tôi hy vọng rằng môn này trong một thời gian tới sẽ phát triển rộng rãi ở Việt Nam, và chúng ta có thể đuổi kịp quốc tế.

VOA: Nước nào hoặc xứ sở nào đã khai sinh ra môn bóng gỗ này, thưa ông?

Ông Hà Khả Luân: Môn này do một người Đài Loan tên là Khôi Minh Uông -- một người giàu có, chơi gôn rất giỏi, nhưng ông nghĩ rằng gôn là môn rất tốn tiền, và ông muốn tìm ra một môn thể thao nào để quần chúng cũng chơi được, mà cũng tương tự như gôn.

Và thế là ông đã cải tiến những chiếc gậy hợp kim thành chiếc gậy gỗ, có đầu vồ to để đánh quả bóng gỗ to được cải biến từ quả gôn nhỏ.

Sân bãi thì không đòi hỏi cầu kỳ như sân gôn. Ông ta làm sân trên cỏ bình thường trên những quả đồi nơi nhà ông ở.

Từ đó môn thể thao mới ra đời với luật là luật của gôn, kỹ thuật cũng là kỹ thuật của gôn, chỉ khác là dụng cụ bằng gỗ và rẻ tiền hơn nhiều; sân bãi thì phổ cập, có thể là cỏ lá tre, lá gừng, và những loại cỏ bình thường đều chơi được. Môn thể thao đó được gọi là môn bóng gỗ.

VOA: Đến nay thì môn bóng gỗ này đã phát triển như thế nào trên thế giới rồi, thưa ông?

Ông Hà Khả Luân: Đến nay chính ông Khôi Minh Uông đã trở thành chủ tịch Liên đòan Bóng gỗ Thế giới. Môn này đã phát triển trên khắp các châu lục. Hiện nay có Liên đoàn Bóng gỗ Thế giới, Liên đoàn Bóng gỗ Châu Á, và vừa rồi Liên đoàn Bóng gỗ Đông Nam Á được thành lập. Việt Nam là nước thứ 30 hay 40 gì đó -- làm sau rất nhiều nước, người ta đã phát triển hơn 20 năm, kể từ năm 1990 đến giờ.

VOA: Xin ông mô tả sơ về cách chơi và luật chơi môn bóng gỗ này?

Ông Hà Khả Luân: Điều luật, kỹ thuật tất cả đều giống như gôn, nhưng cải tiến về sân bãi, cải tiến về dụng cụ, tất cả bằng gỗ cả. Gôn thì đánh xuống lỗ, còn đây thì đánh vào cầu môn có chiều rộng là 15 centimét và chiều cao là 15 centimét. Nó rất đơn giản, rẻ tiền và dễ phổ cập.

Về kỹ thuật thì từ động tác vung gậy, đánh xa, công thành, tức là đánh vào lỗ gôn, đều giống như đánh gôn; kỹ thuật gần giống nhau.

Cái khác đầu tiên là dụng cụ. Gậy đánh gôn thì có đến 14 gậy, còn bóng gỗ thì chỉ có một gậy làm bằng gỗ. Tưởng tượng nó là một cái cán tròn cắm vào một các chai bia tức là cái đầu vồ để đánh. Đánh đầu to cũng được và đầu nhỏ cũng được. Đầu to thì được bị bằng cao su. Chỉ có một cái gậy đó, một quả bóng với một cái khung thành là chúng ta có thể tập luyện được, và thi đấu được. Gậy có 4 kích thước phù hợp với chiều cao của người chơi: loại S là nhỏ nhất, chiều dài từ cán gậy đến đầu vồ là 80 centimét; loại L và XL có chiều dài là một mét, và loại medium (trung bình) có chiều dài là 90 centimét.

Sân bãi -- nếu sân gôn đòi hỏi phải có diện tích rất rộng, địa hình, loại cỏ nhung v.v. sân gôn có 18 rồi 36 v.v. bội số nó lên, là số lỗ đánh của đường thi đấu, thì bóng gỗ cũng tương tự như vậy, nhưng nó không đánh vào lỗ mà đánh vào cầu môn, và đường đánh của nó là 12, 24, 36 v.v cũng bội số nhân lên như thế. Nó không đòi hỏi địa hình, hoặc loại cỏ nhung gì cả, ví dụ cỏ trồng công viên cũng chơi được. Chỉ cần có quy định đủ 12 đường đánh, đường bé nhất là 3 mét chiều rộng, dài nhất là 130 mét, hoặc ngắn nhất là từ 30 đến 35 mét. 12 đường đó không đòi hỏi diện tích liên tục như sân gôn. Ví dụ một công viên ở đây có một dải cỏ dài 50 mét, người ta có thể kẻ một đường với chiều rộng tối thiểu là 3 mét và tối đa là 5 hoặc 6 mét chẳng hạn. Xong sang bên kia lại có một dải cỏ 50 mét, thì người ta có thể kẻ đường line thứ hai. Có nghĩa là trên địa hình các công viên, chúng ta có thể kẻ được 12 line để thi đấu.

Đơn giản nhất là trong lòng sân bóng đá, người ta có thể kẻ đủ 12 line theo các hình thước thợ, đường thẳng, đường cong v.v.

Khi thi đấu, người ta đánh vòng thứ nhất là 12, vòng thứ hai là 24 vòng thứ ba là 36 v.v. là người ta có thể tổ chức thi đấu.

Cao cấp hơn như ở Malaysia thì trên các công viên cỏ rộng mênh mông, người ta có thể kẻ những đường line có chướng ngại vật như sân gôn.

VOA: Sức phát triển của môn bóng gỗ hiện nay ở Việt Nam như thế nào?

Ông Hà Khả Luân: Từ khi ông Khôi Minh Uông nghĩ ra môn bóng gỗ năm 1990 ở Đài Loan đến nay ở đó đã có hơn 2 triệu dân chơi và thi đấu môn này -- từ 8 tuổi đến 80 tuổi đều có thể chơi môn này.

Tôi thành lập câu lạc bộ bóng gỗ đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 9 tháng 9 năm 2009, với 22 hội viên. Đến nay, hơn một năm phát triển, riêng tại Hà Nội đã có 3 câu lạc bộ với gần 100 hội viên; và tôi đi giúp tại tỉnh để phát triển. Tôi nuôi hy vọng là một vài năm tới, ngoài phát triển thể thao quần chúng thì môn bóng gỗ còn có thể đạt được thành tích ở các cuộc thi quốc tế nữa.

Việt Nam sẽ đăng cai Đại hội thể thao châu Á bãi biển lần thứ 5 năm 2016 tại thành phố biển Nha Trang. Trong đại hội thể thao này có môn bóng gỗ. Mình là nước đăng cai đại hội, thì mình cũng cần phải có một đội tuyển để tham dự. Đội tuyển đầu tiên của Hà Nội đã được đi tham dự đại hội thể thao bãi biển vào tháng 10 năm vừa rồi ở Oman.

Theo tôi nghĩ rằng hướng phát triển của nó sẽ tốt, trước hết có thể phát triển được thành môn thể thao quần chúng, từ trẻ đến già đều chơi được. Thứ hai là thể thao nâng cao -- thì với khéo léo của người Việt Nam, chúng ta có thể tiếp cận được với đỉnh cao của các nước mà đang phát triển môn bóng gỗ này.

VOA: Cám ơn ông Hà Khả Luân đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn này.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG