Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘quan tâm’ tới thông tin Nhật thay đổi chính sách an ninh


Phát ngôn viên Lê Hải Binh (giữa) tại một cuộc họp báo về vấn đề Biển Đông
Phát ngôn viên Lê Hải Binh (giữa) tại một cuộc họp báo về vấn đề Biển Đông

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết như vậy hôm nay, đồng thời bày tỏ hy vọng Nhật Bản ‘sẽ đóng góp vào xây dựng hòa bình, ổn định trong khu vực’.

Tuyên bố của ông Lê Hải Bình được đưa ra hai ngày sau khi nội các xứ sở Mặt trời mọc thông qua việc diễn giải bản hiến pháp chủ hòa của nước này, mở đường cho quân đội đi tham chiến ở nước ngoài.

Hiến pháp Nhật cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các cuộc xung đột, trừ các trường hợp buộc nước này phải phòng vệ.

Nhưng theo việc diễn giải luật, lực lượng tự vệ của nước này sẽ được phép sử dụng ‘quyền tự vệ tập thể’, tức là sử dụng vũ lực để bảo vệ các đồng minh bị tấn công.

Chính sách an ninh mang tính đột phá này được thông qua trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với các thách thức từ Trung Quốc trên biển Hoa Đông, và các quốc gia cũng có tranh chấp trên biển Đông, như Việt Nam và Philippines, hướng tới Tokyo trong khi đương đầu với Trung Quốc.

Bắc Kinh đã ngay lập tức lên tiếng sau khi Nhật Bản thông qua việc diễn giải bản hiến pháp chủ hòa.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi nói rằng Tokyo phải tôn trọng các mối quan ngại về an ninh của các nước láng giềng cũng như không làm tổn hại tới hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Trong một phỏng vấn dành riêng cho VOA Việt Ngữ qua email, ông Ono Masuo, Tham tán chính trị của Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, từng nói rằng Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác với Hà Nội cũng như các quốc gia khác nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, nhưng nói rằng các nỗ lực như vậy ‘không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào’.

Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng Tokyo ủng hộ cách thức Việt Nam ‘xử lý việc đối đầu với Trung Quốc’, và rằng ‘việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng không thể được dung thứ và vấn đề nên được giải quyết thông qua đối thoại’.

Trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm nay, phát ngôn viên Lê Hải Bình cho biết chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Nhật Bản, mà báo chí ở Tokyo nói là sẽ diễn ra vào đầu tháng Bảy, ‘đang được hai bên tích cực thu xếp’.

Ông Bình cho biết, chuyến công du sẽ ‘thúc đẩy quan hệ song phương’, và hai bên ‘sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm’.

Trong một diễn biến khác, phát ngôn viên Lê Hải Bình nói rằng phía Việt Nam ‘đang xác minh’ thông tin máy bay Mỹ xuất hiện ở khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan dầu 981.

Ông Bình nói: “Chúng tôi đang đề nghị cơ quan chức năng của Việt Nam xác minh rõ thông tin này. Về việc ủng hộ của Mỹ, tôi xin thông báo, cho đến nay, cộng đồng quốc tế, bao gồm tất cả các nước trong khu vực cũng như tất cả các nước có liên quan, đều lên tiếng ủng hộ cho việc duy trì hòa bình, ổn định tại biển Đông, yêu cầu chấm dứt căng thẳng, không có các hành động hung hăng, ngang ngược, vi phạm tới luật pháp quốc tế, vi phạm tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông”.

Trước đó, báo chí trong nước dẫn nguồn từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết các tàu của Việt Nam đã thấy máy bay Mỹ bay qua khu vực giàn khoan ở độ cao khoảng 3 nghìn mét.

Mỹ bấy lâu nay luôn khẳng định quan điểm trung lập và không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh hải ở biển Đông.

Nhưng Washington từng đề cập tới quyền lợi quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực này.

Nguồn: VOA tiếng Việt

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG