Đường dẫn truy cập

Việt Nam phê duyệt công ước về công đoàn độc lập vào tháng 10 để tránh rắc rối với EU?


Một cuộc đình công ở Việt Nam (ảnh tư liệu).
Một cuộc đình công ở Việt Nam (ảnh tư liệu).

Quốc hội Việt Nam nhiều khả năng sẽ phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào tháng 10 năm nay, DW ở Đức và Taiwan News ở Đài Loan đưa tin hôm 12/3. Mondaq, dịch vụ thông tin có trụ sở ở Anh, đăng bài cùng ngày nói rằng việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 “dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10”.

Tin của DW và Taiwan News viết rằng các quan chức châu Âu tin là Việt nam sẽ phê chuẩn Công ước 87 trước cuối năm nay, theo đó, cho phép công nhân tự do lập công đoàn để làm hài lòng những người lớn tiếng chỉ trích trong khối Liên hiệp châu Âu (EU) và tránh nguy cơ bị các đối tác phương Tây trừng phạt vì Việt Nam chậm chạp về cải cách lĩnh vực lao động.

Trang web của Mondaq nhận xét rằng nếu Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 như được trông đợi, điều đó báo hiệu nước này cam kết sẽ bảo vệ các quyền lao động cơ bản và tuân theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Theo tìm hiểu của VOA, Công ước 87 xác định các quyền cơ bản gồm mọi người lao động được tự do thành lập và gia nhập công đoàn theo sự lựa chọn của chính mình mà không phải xin phép trước; quyền tự chủ, tự quản của tổ chức công đoàn trong việc quyết định những vấn đề nội bộ như ban hành điều lệ và các quy định quản lý nội bộ khác, bầu người đại diện, xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; quyền tự do của các tổ chức công đoàn trong việc thành lập và gia nhập các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn, cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Vẫn theo công ước, các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn cũng có các quyền và được bảo vệ như đối với tổ chức công đoàn cấp cơ sở. Bên cạnh đó, các tổ chức kể trên không thể bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động bởi các cơ quan chức năng của chính phủ.

DW và Taiwan News nói rằng EU và Canada đã phối hợp gây áp lực lên Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam về việc thực hiện lời hứa sẽ cải cách lĩnh vực lao động khi Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương gồm 11 thành viên và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam đã thực thi từ năm 2020.

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu, mới tới Hà Nội hồi tháng 1, nói trong bản tin đăng trên DW và Taiwan News rằng các văn bản cần thiết để phê chuẩn Công ước 87 của ILO thuộc Liên Hiệp Quốc sẽ được nộp cho Quốc hội Việt Nam vào tháng 10. Ông cho biết thêm rằng các đối tác của ông bên phía Việt Nam đã bảo đảm với ông rằng họ sẽ làm đúng cam kết về cải cách.

“Bước đi này cho thấy cam kết của Việt Nam về tăng cường các quyền lao động, một động thái mà tôi tin là không chỉ có lợi cho lực lượng lao động của Việt Nam mà cũng đóng vai trò then chốt trong việc củng cố quan hệ thương mại của chúng ta”, ông Lange nói với DW.

Tuy nhiên, một số người lên tiếng cảnh báo rằng ngay cả khi Việt Nam phê chuẩn công ước, nước này sẽ tiếp tục tìm cách trì hoãn việc thực thi các quy định, theo tin trên DW và Taiwan News.

“Phê chuẩn mới chỉ là bước đầu của thực thi”, bà Judith Kirton-Darling nói. Bà là Tổng Thư ký của industriAll, một công đoàn ở châu Âu, và từng là nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu theo dõi thỏa thuận thương mại tự do EU-Việt Nam.

Bà lưu ý rằng Hà Nội phê chuẩn Công ước 98 của LHQ về quyền tổ chức và thương lượng tập thể nhưng việc thực thi “đã diễn ra cực kỳ chậm chạp và liên tục bị đình hoãn”.

Cải cách lao động là một trong những điều kiện chính mà EU ràng buộc khi đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Hai bên thậm chí đã tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia độc lập người Việt có cơ hội đánh giá sự tiến bộ của Hà Nội trong nỗ lực cải cách. Thế nhưng một vài người trong số các chuyên gia đó đã bị bắt và bị bỏ tù, những diễn biến này bị các tổ chức nhân quyền xem là có động cơ chính trị.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Khu vực châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, chỉ ra rằng ngay cả khi Đảng Cộng sản cho phép một số dạng hội nhóm độc lập đại diện cho người lao động, gần đây, đảng này đã thông qua một “chiến lược” để tăng cường ngăn chặn các nhóm như vậy tạo dựng được chỗ đứng trong xã hội.

Đó là Chỉ thị 24, được Bộ Chính trị của đảng duyệt hồi năm ngoái, DW dẫn lại lời của ông Robertson cho biết.

Như VOA đã đưa tin, nội dung chỉ thị bị lộ ra ngoài cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang chuẩn bị để bóp nghẹt các tổ chức lao động độc lập mà Việt Nam đã hứa sẽ cho phép hoạt động như được nêu trong các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG