Đường dẫn truy cập

Việt Nam kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật biển sau khi Bắc Kinh công bố đường cơ sở Vịnh Bắc Bộ


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói Viêt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải khi nói với báo chí ở Hà Nội hôm 14/3. (Credit: TTXVN)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói Viêt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải khi nói với báo chí ở Hà Nội hôm 14/3. (Credit: TTXVN)

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 14/3 cho biết luật pháp quốc tế cũng như các quyền và lợi ích của các quốc gia khác phải được tôn trọng đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ hiệp định phân định lãnh hải, không lâu sau khi Bắc Kinh công bố đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ, theo truyền thông trong nước.

Chính phủ Trung Quốc hôm 1/3 đưa ra đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ, tiếng Trung gọi là Vịnh Beibu, một động thái mà họ cho là phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong tuyên bố, Trung Quốc đưa ra 7 “điểm cơ sở” khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố lãnh hải ở Vịnh Bắc Bộ. Các điểm cơ sở này không tồn tại trước đây và không rõ tại sao Trung Quốc đưa ra tuyên bố tại thời điểm này.

Được biết, trong 49 điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố ngày 15/5/1996 để tính chiều rộng lãnh hải từ Hải Nam tới Thanh Đảo không có phía bắc Vịnh Bắc Bộ.

“Việt Nam cho rằng các quốc gia ven biển cần tuân thủ UNCLOS 1982 khi xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng được VnExpress trích lời nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 14/3, đề cập đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Hai nước Cộng sản láng giềng có những yêu sách chồng chéo ở Biển Đông, nhưng ở Vịnh Bắc Bộ vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện và đồng ý tiến hành tuần tra chung ở đó trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12.

Theo UNCLOS được Reuters trích dẫn, việc vẽ đường cơ sở thẳng “không được lệch khỏi hướng chung của bờ biển ở mức độ đáng kể”.

Theo VietNamNet, bà Hằng nói rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ và đã ký Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ vào ngày 25/12/2000. Theo người phát ngôn, Hiệp định này có hiệu lực vào ngày 30/6/2004 để xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mỗi nước trong Vịnh Bắc Bộ.

Tổng giám đốc khu vực phía Nam của Dự án Đại sự ký Biển Đông, Vân Phạm, cho Reuters biết rằng không rõ sự thay đổi này có thể ảnh hưởng như thế nào đến ranh giới ở Vịnh Bắc Bộ, nằm ngoài khơi bờ biển phía Bắc Việt Nam và phía Nam Trung Quốc, vì hai nước đã thống nhất đường phân giới ở khu vực đó.

Tờ Hoàn cầu Thời báo, chuyên đưa tin đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một bài xã luận đưa ra hôm 5/3 nói rằng việc phân định đường cơ sở lãnh hải mới nhất của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam hay của bất kỳ quốc gia nào khác. Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc được trích lời nói trong bài báo rằng, nó sẽ giúp tăng cường hợp tác hàng hải quốc tế giữa Trung Quốc và các nước liên quan, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải toàn cầu.

Hôm 13/3, người phát ngôn của Việt Nam kêu gọi Trung Quốc tôn trọng thỏa thuận về đường phân giới.

“Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc,” bà Hằng được Lao Động trích lời nói.

Theo Reuters, người phát ngôn từ chối bình luận về việc liệu đường cơ sở mới có thể gây nguy hiểm cho thỏa thuận được ký kết năm 2000 hay không. Bà Hằng cũng từ chối cho biết liệu động thái của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận tuần tra chung hay không.

Còn theo VietNamNet, khi được báo chí hỏi việc này sẽ ảnh hưởng thế nào tới hợp tác của hai nước trong tương lai, bà Hằng nói rằng những điểm còn khác biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc “luôn được hai nước trao đổi”. Người phát ngôn nói rằng “Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG