Việt Nam vừa lên tiếng phản đối các yêu sách “không phù hợp với luật pháp quốc tế” và đề nghị các bên liên quan tông trọng chủ quyền của mình trên Biển Đông ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra bản báo cáo chi tiết đầu tiên bác bỏ các yêu sách hàng hải bị xem là phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển nhiều tranh chấp.
Báo cáo chi tiết nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố hôm 12/1, trong đó phủ nhận bốn loại yêu sách “trái pháp luật” của Bắc Kinh ở Biển Đông, gồm cả cơ sở địa lý và quyền lịch sử, cho việc tuyên bố lãnh thổ trên phần lớn khu vực biển gây tranh chấp với các quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Tài liệu nghiên cứu dài 47 trang do Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề Khoa học của BNG Mỹ nói rằng “các yêu sách hàng hải bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.”
“Ảnh hưởng tổng thế của những yêu sách hàng hải này là việc CHND Trung Hoa tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp hoặc một số hình thức độc quyền tài phán trên hầu hết Biển Đông,” báo cáo nói.
Trong một phản ứng thận trọng như thường thấy từ Hà Nội khi liên quan đến những cáo buộc đối với Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 14/1 nói rằng: “Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo 150 về các ranh giới biển”
Một ngày sau khi BNG Mỹ công bố bản báo cáo có tên “Các giới hạn trên các vùng biển,” Trung Quốc lên tiếng bảo vệ “các quyền lịch sử” của mình đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh, Vương Văn Bân, gọi báo cáo của BNG Mỹ là một nỗ lực nhằm “bóp méo luật pháp quốc tế, gây hoang mang cho công chúng, gây bất hoà và phá vỡ tình hình khu vực.”
Trong phần tóm tắt các điểm chính bằng tiếng Việt của báo cáo, BNG Mỹ nói các yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc đối với hơn một trăm thực thể ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế; việc Trung Quốc đã vẽ hoặc khẳng định quyền được vẽ “các đường cơ sở thẳng” bao quanh các nhóm đảo không được ủng hộ bởi một quy chế tập quán quốc tế nào; việc Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo trên Biển Đông mà nước này yêu sách chủ quyền là “một thực thể đơn nhất” là phi pháp; và việc Trung Quốc khẳng định có “các quyền lịch sử” ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và vô giá trị.
Một toà trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan, vào tháng 7/2016 đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc, mà Việt Nam gọi là đường lưỡi bò, trên hầu hết Biển Đông trong vụ kiện của Philippines. Bắc Kinh tuy nhiên đã phủ nhận phán quyết này của toà quốc tế. Ông Vương hôm 13/1 nhắc lại chỉ trích của Bắc Kinh đối với phán quyết 2016 và nói rằng “Trung Quốc không chấp nhận hay công nhận (phán quyết).”
Không đề cập đến Trung Quốc trong phản ứng hôm 14/1, người phát ngôn BNG ở Hà Nội nói với các phóng viên rằng “Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).”
Bà Hằng kêu gọi “các Bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hoà bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ.”
Vào năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Mike Pompeo đã công khai ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, một động thái vượt xa lập trường của Mỹ trước đó là thách thức Trung Quốc mà không đặt vấn đề xem quốc gia nào đúng.
Trong một tuyên bố khi công bố báo cáo hôm 12/1, BNG Mỹ một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh “ngừng các hành động bất hợp pháp và cưỡng chế” trên Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu khí dồi dào và là tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới.