Đường dẫn truy cập

Vatican, Trung Quốc kí thỏa thuận cột mốc về bổ nhiệm giám mục


Giám mục Trung Quốc Lý Sơn (giữa) cử hành thánh lễ ngày thứ Bảy vào đêm trước Phục Sinh tại Giáo đường Thánh Mẫu Vô Nhiễm Nguyên Tội, một nhà thờ Công giáo được nhà nước cho phép hoạt động ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 31 tháng 3, 2018.
Giám mục Trung Quốc Lý Sơn (giữa) cử hành thánh lễ ngày thứ Bảy vào đêm trước Phục Sinh tại Giáo đường Thánh Mẫu Vô Nhiễm Nguyên Tội, một nhà thờ Công giáo được nhà nước cho phép hoạt động ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 31 tháng 3, 2018.

Vatican hôm thứ Bảy kí một thỏa thuận mang tính cột mốc cho Tòa Thánh quyền mà lâu nay họ vẫn mong muốn là bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc, dù những người chỉ trích gọi thỏa thuận là một sự bán đứng cho chính phủ Cộng sản.

Thỏa thuận lâm thời này, được kí kết ở Bắc Kinh bởi thứ trưởng ngoại giao từ cả hai phía, được loan báo trong khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đang thăm Lithuania trong một chuyến đi bốn ngày đến các nước vùng Baltic.

Thỏa thuận cho Tòa Thánh vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm tất cả các giám mục ở đất nước có khoảng 12 triệu người Công giáo vốn bị chia rẽ giữa một Giáo hội ngầm thề trung thành với Vatican và Hội Ái Quốc Thiên Chúa Giáo do nhà nước kiểm soát.

Vatican nói thỏa thuận này, một bước đột phá sau nhiều năm đàm phán, "không mang tính chính trị mà mang tính mục vụ."

Một tuyên bố của Tòa Thánh không đề cập đến Đài Loan, lãnh thổ mà Vatican công nhận về mặt ngoại giao và Trung Quốc coi là một tỉnh li khai.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao đã nói rằng thỏa thuận này có thể tạo tiền đề để nối lại quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh sau 70 năm. Bắc Kinh không cho phép các nước có quan hệ ngoại giao với cả Trung Quốc lẫn Đài Loan.

Đài Loan hiện có quan hệ chính thức với chỉ 17 nhà nước và Vatican là nhà nước duy nhất ở Châu Âu.

Vatican nói rằng Đức Giáo hoàng hy vọng "một tiến trình mới có thể bắt đầu mà sẽ cho phép vượt qua những vết thương của quá khứ, dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn của tất cả người Công giáo Trung Quốc."

Nhưng triển vọng của một thỏa thuận như vậy đã chia rẽ các cộng đồng người Công giáo khắp Trung Quốc, với một số người lo sợ bị đàn áp hơn nữa nếu Vatican nhượng nhiều quyền kiểm soát hơn cho Bắc Kinh. Những người khác muốn thấy thỏa thuận này và tránh một sự phân liệt tiềm năng.

“Họ đang dâng đàn chiên vào miệng những con sói. Đó là một sự phản bội không thể tin được,” Đức Hồng Y Joseph Zen, cựu tổng giám mục 76 tuổi của Hong Kong lãnh đạo sự chống đối thỏa thuận này, nói với Reuters.

“Hậu quả sẽ bi thảm và lâu dài, không chỉ đối với Giáo hội ở Trung Quốc mà còn với toàn thể Giáo hội bởi vì nó làm tổn hại uy tín. Có lẽ đó là lí do vì sao họ có thể giữ bí mật thỏa thuận này,” ông Zen nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm.

Các nguồn tin Vatican nói thỏa thuận này sẽ không được công bố và có thể được duyệt lại và chỉnh sửa trong tương lai, Reuters cho biết.

Vatican nói theo thỏa thuận, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã công nhận tính chính danh của bảy giám mục Trung Quốc được nhà nước bổ nhiệm còn lại mà trước đó không được Đức Giáo hoàng chấp thuận và đã nhận họ vào Giáo hội trở lại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG