Đường dẫn truy cập

Văn kiện đầu hàng


Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ ký kết tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19/6/2013.
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ ký kết tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19/6/2013.
Chưa bao giờ có sự đầu hàng nhanh chóng và nhục nhã đến như vậy.

Nhân danh Chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang, đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc. Ngày 21 tháng 6 ông đã ký với Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư đảng CS Trung Quốc Tập Cận Bình bản Tuyên bố chung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận mệnh nước ta.

Bản Tuyên bố chung bằng hai thứ tiếng Trung Quốc và Việt Nam này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác và phố biến đi khắp thế giới.

Mọi người Việt Nam yêu nước không thể không bàng hoàng và phẫn nộ khi đọc kỹ văn kiện nói trên, không thể không nhận định đây là một văn kiện tuyên bố đầu hàng bọn bành trướng và xâm lược phương Bắc.

Chắn chắn cả Bộ Chính trị 16 người đã được thông báo và đồng tình với bản Tuyên bố chung (TBC) thảm hại này.

Đọc thật kỹ bản TBC, có thể dễ dàng nhận ra nó được phía Trung Quốc khởi thảo và phía Việt Nam hoàn toàn không được đóng góp hay thay đổi gì hết. Bản TBC hoàn toàn phản ánh tham vọng bành trướng và xâm lược của đế quốc Cộng sản Đại Hán Trung Hoa đối với đất nước Việt Nam, phục vụ dã tâm biến nhà nước Việt Nam Cộng sản thành một chư hầu của Trung Quốc, biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc, với sự tiếp tay của nhóm lãnh đạo CS bất tài và tham nhũng đã thoái hóa đến cùng cực.

Kính mời đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài, kể cả các đảng viên Cộng sản, hãy đọc cho kỹ bản TBC ký chưa ráo mực này.

Ngoài bản TBC dài lòng thòng gồm có 8 điểm, trong đó riêng điểm 3 chứa đựng đến 13 mục quan hệ hợp tác vừa mở rộng vừa ăn sâu, 2 bên còn ký đến 10 văn kiện khác, trong đó có Chương trình hoạt động chung của chính phủ 2 nước, Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa bộ Quốc phòng 2 nước, Thỏa thuận giữa 2 bộ Nông nghiệp về đường dây nóng trong nghề đánh cá trên biển, về giám sát chất lượng, kiểm dịch thực vật, Điều lệ hợp tác quản lý cửa khẩu trên đất liền, Ghi nhớ về xây dựng các trung tâm Văn hóa Việt – Trung, Quan hệ giữa các tổ chức hữu nghị, Hợp tác trong thăm dò dầu khí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ.…

Trong 13 mục quan hệ mở rộng và ăn sâu, sau khi khẳng định phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt, TBC kể ra một loạt thỏa thuận : thường xuyên tiếp xúc ở cấp cao đảng, chính phủ, hoạt động của Ủy ban chỉ đạo hợp tác chiến lược toàn diện song phương, quan hệ chặt chẽ giữa 2 đảng, 2 ban Đối ngoại, 2 ban Tuyên huấn, về ngiên cứu lý luận, về xây dựng đảng, quan hệ giữa 2 bộ Ngoại giao, giữa các vụ, cục trong 2 bộ Ngoại giao, quan hệ giữa 2 quân đội, 2 bộ Quốc phòng, trao đổi về công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, trong đào tạo sỹ quan, trong tuần tra chung ở vùng biên phòng đất liền, hợp tác về thực thi pháp luật, an ninh, về trật tự an toàn xã hội, về an ninh biên giới và cảnh sát biển, thực hiện kế hoạch 2 hành lang 1 vành đai vùng biên giới, hợp tác về năng lượng, giao thông vận tải, đầu tư kinh doanh, hợp tác về văn hóa, khoa học, công nghiệp và thông tin …

Bản TBC còn nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam với 3 tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc - Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông - và đảo Hải Nam.

TBC cũng nói đến hợp tác của Ủy ban Liên hợp biên giới Việt – Trung để tàu thuyền đi lại tự do trong khu Bắc Luân, hợp tác khai thác du lịch thác Bản Giốc, và cũng không quên nói đến hợp tác đáng cá chung trong Vịnh Bắc Bộ.

Đọc kỹ các văn bản, có cảm giác như Việt Nam đã hội nhập vào trong lòng Trung Quốc. Tuy 2 mà một. Hoà nhập triệt để về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, về đối ngoại, về an ninh, trị an xã hội, về đảng, nhà nước, về quân đội, về công tác đảng, bảo vệ đảng, bảo vệ quân đội. Cứ như ở thời kỳ quan hệ anh em đồng chí bền chặt nhất vậy.

Đây phải chăng là một cạm bẫy do nhóm lãnh đạo mới của đảng CS Trung Quốc, với Tập Cận Bình cầm đầu, giăng ra để nhử Trương Tấn Sang chui vào tròng. Chiếc bẫy này chắc chắn đã được chuẩn bị rất công phu, và buộc Trương Tấn Sang phải cúi đầu chấp nhận cả gói, không sửa đổi du di gì được dù một ly.

Không hề có một chữ nào về Hoàng Sa, Trường Sa là đất Việt Nam bị cưỡng chiếm bằng vũ lực. Không một yêu cầu nào về việc bảo vệ tính mạng tài sản của ngư dân VN trong vùng biển quốc gia của mình. Không một lời bác bỏ nào đối với cái lưỡi bò phạm pháp trên bản đồ Trung Quốc. Chủ quyền quốc gia đã bị hoàn toàn từ bỏ. Lũ giặc bành trướng được coi là bạn bè thân thiết nhất, là đồng chí tin cậy nhất, còn hơn anh em ruột thịt.

Đây có thể là phản ứng có tính toán của nhóm Tập Cận Bình đối với lời lên án của Việt nam tại cuộc họp Shangri La ở Singapore cuối tháng 5 vừa qua. Tuy chỉ là lời nói bóng gió, không nêu đích danh, nhưng cũng đủ để bị chạm nọc, để mất mặt giữa trường quốc tế và để nổi tự ái giận dữ. Đó là câu của thủ tướng Ba Dũng: «Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền». Đã nhún nhường, nói xa xôi, nhưng vẫn cay đắng, vì bọn trùm bành trướng luôn kiêu ngạo, tự cao tự đại, tự coi là yêng hùng trong thiên hạ.

Trung Nam Hải gần đây tỏ ra rất lo ngại khi trí thức và tuổi trẻ Việt Nam cũng như một số đảng viên CS lão thành tỏ rõ ý muốn Việt Nam liên minh quân sự với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên Âu…trước mối đại họa bành trướng Trung Quốc.

Cũng có thể đây là một tính toán thâm độc của Trung Nam Hải, nhưng cũng có thể là một tính toán sai lầm trong cơn hoảng hốt. Họ không tính rằng sự lộ mặt quá lộ liễu là ông chủ của 16 ông vua tập thể ở Ba Đình là dại dột và nguy hiểm cho họ ra sao. Nước cờ này sẽ đẩy đảng CS Việt Nam đang núng thế thụt sâu thêm xuống hố suy thoái, bị lên án mạnh thêm là bán nước cầu lợi riêng, chia rẽ thêm nhóm lãnh đạo vốn đã hiềm khích nhau, kích thích mạnh thêm các cuộc xuống đường quyết liệt chống bành trướng và tay sai của đồng bào ta.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG