Đường dẫn truy cập

Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Nhật trong chiến lược xoay trục Á Châu


Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan, với 5.000 binh sĩ và hơn 60 chiếc máy bay tại Căn cứ Hải quân Yokosuka ở Nhật Bản, ngày 1/10/2015.
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan, với 5.000 binh sĩ và hơn 60 chiếc máy bay tại Căn cứ Hải quân Yokosuka ở Nhật Bản, ngày 1/10/2015.

Hoa Kỳ hôm nay thực hiện một phần chính của chiến lược xoay trục Á Châu với việc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến Căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật Bản, nơi tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân này dùng làm căn cứ mới. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Yokosuka.

Ngoài mục tiêu phát huy sức mạnh của Mỹ ở Á Châu, việc bố trí chiếc USS Ronald Reagan còn có mục đích chứng tỏ sự ủng hộ cho những nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm nới rộng vai trò của quân đội Nhật trong khu vực. Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, với 5.000 binh sĩ và hơn 60 chiếc máy bay, là trọng tâm của chiến lược “xoay trục Á Châu” nhằm chuyển thêm nguồn lực quân sự và ngoại giao của Mỹ sang khu vực có tầm quan trọng chiến lược mỗi ngày một tăng.

Các mối đe dọa không ngừng gia tăng trong khu vực

Những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với những hòn đảo trong những vùng biển có tranh chấp và những hoạt động xây đảo nhân tạo mà họ thực hiện hồi gần đây ở Biển Đông đã gặp phải sự chống đối của Philippines và Việt Nam, là hai nước cũng có những yêu sách chủ quyền ở vùng biển này. Bên cạnh đó, những yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển quốc tế, nơi có tuyến vận chuyển của hơn phân nửa lượng hàng hoá mua bán trên thế giới, có thể đe dọa tới quyền tự do hàng hải.

Chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên cũng là một mối quan tâm đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Chiếc USS Ronald Reagan phục vụ như một lực lượng phản ứng nhanh đối với bất kỳ hành vi khiêu khích nào có thể xảy ra trong khu vực. Tàu này cũng điều phối một lực lượng tấn công bao gồm một số lượng khí tài quân sự mỗi ngày một nhiều.

Phó Đô đốc Joseph Aucoin, Tư lệnh Đệ thất Hạm đội, nói “Chúng tôi có những chiếc tàu có khả năng cực kỳ to lớn để chống lại phi đạn đạn đạo, đặc biệt là trong khu vực này của thế giới, nằm ngay phía bên này của vùng biển của Bắc Triều Tiên.”

Ông Aucoin cũng xác nhận những tin tức cho biết Bộ Tư lệnh Đệ tam Hạm đội ở San Diego sẽ nới rộng sự liên lạc với khu vực Tây Thái Bình Dương để phối hợp hoạt động với Đệ thất Hạm đội ở Nhật, trong trường hợp cần thiết.

Tư thế an ninh mạnh hơn của Nhật Bản

Chiếc USS Ronald Reagan phục vụ như một lực lượng phản ứng nhanh đối với bất kỳ hành vi khiêu khích nào có thể xảy ra trong khu vực.
Chiếc USS Ronald Reagan phục vụ như một lực lượng phản ứng nhanh đối với bất kỳ hành vi khiêu khích nào có thể xảy ra trong khu vực.

Sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Nhật Bản trùng hợp với sự thông qua những luật lệ mới về an ninh giúp cho quân đội Nhật được hành động một cách dễ dàng hơn để bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản và các nước đồng minh.

Tuy đã có thể làm cho những luật lệ mới được thông qua, Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh bảo thủ của ông gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của phe chủ hoà trong nước và những mối lo ngại trong khu vực là Nhật Bản đang quay lại với quá khứ quân phiệt.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ, ông Ray Mabus, hôm nay đã đến dự lễ nghênh đón chiếc USS Ronald Reagan và bày tỏ sự hậu thuẫn cho một vai trò năng động hơn của Nhật Bản để góp phần răn đe những đối thủ chung như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Ông Mabus nói “Chúng tôi nghĩ rằng những biện pháp mới này sẽ tăng thêm chiều sâu của mối quan hệ, sẽ tăng cường mối quan hệ và sẽ làm cho chúng ta cùng nhau trở nên tốt hơn.”

Tuy nhiên, nhà phân tích an ninh của Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo, ông Grant Newsham cho rằng Nhật Bản phải bắt đầu gia tăng chi tiêu quân sự với tỉ lệ 10% trong 5 năm tới để có thể thoát khỏi vai trò thứ yếu trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

Ông nói “Nếu Nhật Bản không tăng mạnh chi tiêu quốc phòng thì luôn có mối nghi ngờ là họ nghiêm túc tới mức nào.”

Ông cũng cho rằng Lực lượng Tự vệ Nhật phải tiến hành thêm những cuộc tập dượt có cường độ cao và hợp nhất với quân đội Hoa Kỳ.

Ông nói “Phương pháp truyền thống là đôi bên huấn luyện song song với nhau và cuối cùng sẽ có một bữa tiệc nướng thịt trong đó đôi bên đều nói họ là những người bạn tốt nhất.”

Ông Newsham cũng cho rằng các lực lượng của Nhật Bản phải dẫn đầu những công tác có thể gặp nguy hiểm thay vì chỉ cung cấp sự hỗ trợ về hậu cần.

Việc tàu sân bay USS Ronald Reagan được bố trí ở Á Châu trong nhiều năm tự nó không phải là một sự gia tăng của nguồn lực quân sự Mỹ trong khu vực. Trong mấy mươi năm qua, Hoa Kỳ lúc nào cũng bố trí một trong mười chiếc hàng không mẫu hạm của mình ở Á Châu.

Tàu USS Ronald Reagan cũng đã cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ cho những khu vực ở Nhật Bản bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần năm 2011.

VOA Express

XS
SM
MD
LG