Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ khai mạc các cuộc đàm phán trực tiếp về hòa bình Trung Đông


Hôm qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã khai mạc các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Israel và người Palestine lần đầu tiên từ gần 2 năm nay. Cả hai bên đã đồng ý vòng đàm phán thứ nhì sẽ được tổ chức ở Trung Đông nội trong tháng này. Thông tín viên VOA Meredith Buel tại Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Tại một buổi lễ ở căn phòng Benjamin Franklin trang trí lộng lẫy trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố chính quyền của Tổng thống Obama cam kết hình thành một hiệp ước hoà bình nội trong năm tới.

Bà Clinton nhấn mạnh rằng công tác chính yếu sẽ phải được thực hiện bởi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Bà Clinton nói: “Thưa thủ tướng và tổng thống, chúng tôi tin rằng quý vị có thể thành công và chúng tôi hiểu rằng sự thành công này đem lại lợi ích an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ. Nhưng chúng tôi không thể và sẽ không áp đặt một giải pháp.”

Ngồi dưới những ngọn đèn chùm lóng lánh tại bàn họp hình chữ U giữa ông Netanyahu và ông Abbas, bà Clinton ca ngợi hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại các cuộc thương nghị. Nhưng bà cảnh báo về những ngày khó khăn sắp tới trong nỗ lực thành lập một quốc gia Palestine độc lập và an ninh cho Israel.

Bà Clinton nói: “Chắc chắn sẽ có những trở ngại và khó khăn. Những người chống đối lý tưởng hòa bình sẽ tìm mọi cách có thể được để phá hoại tiến trình này như ta đã thấy trong tuần này.”

Bạo động vẫn luôn đe dọa làm chệch hướng các nỗ lực hòa bình.

Trong những ngày vừa qua, hai vụ tấn công đã gây thiệt mạng cho 4 cư dân Do Thái trong vùng bờ Tây sông Jordan. Nhóm chủ chiến Hamas của Palestine, hiện đang cai trị dải Gaza và chống đối các cuộc hòa đàm với Israel, đã nhận trách nhiệm về những vụ tấn công naỳ.

Thủ tướng Netanyahu nói những vụ tấn công như thế đe dọa đến các cuộc thương nghị và nhấn mạnh đến sự kiện Israel cần có an ninh.

Ông Netanyahu nói: “Họ tìm cách giết hại nhân dân của chúng tôi, giết hại nhà nước của chúng tôi, giết hại nền hòa bình của chúng tôi, và vì thế đạt được một nền an ninh là điều thiết yếu. An ninh là nền tảng cho hòa bình.”

Một thử thách quan trọng đầu tiên cho các cuộc hòa đàm có thể diễn ra vào cuối tháng này. Lệnh cấm của Israel đình chỉ việc xây dựng các khu định cư đã áp dụng từ 10 tháng nay sẽ hết hạn vào ngày 26 tháng 9.

Ông Abbas từng nói rằng các cuộc thương nghị sẽ bị đình hoãn nếu Israel không gia hạn lệnh cấm này.

Trong các nhận định của mình, qua lời một thông dịch viên, tổng thống Palestine đã xác định rõ lập trường.

Ông Abbas nói: “Và chúng tôi kêu gọi chính phủ Israel tiến tới trong cam kết chấm dứt mọi hoạt động lập cư và hoàn toàn bãi bỏ lệnh cấm vận trong dải Gaza.”

Các cuộc thương nghị này là các cuộc đàm phán lần đầu tiên kể từ khi nỗ lực lần chót bị tan vỡ vào tháng 12 năm 2008. Trong thời gian 20 tháng tại chức, chính quyền Obama đã thuyết phục đôi bên trở lại bàn thương thảo.

Bất kể thành công trong việc mở lại các cuộc đàm phán, những cách biệt giữa hai bên vẫn còn rộng lớn và vẫn còn sự thiếu tin tưởng sau những năm bạo động và bế tắc.

Đặc sứ Hoa Kỳ về Trung Đông, ông George Mitchell, gọi vòng đàm phán đầu này là có tính xây dựng và ông loan báo các bên đã quyết định họp thường xuyên để thương nghị.

Ðặc sứ Mitchell nói: "Hai bên đã đồng ý họp lại vào ngày 14 và 15 tháng 9 trong vùng và khoảng 2 tuần sau đó thì cứ hai tuần lại họp một lần.”

Phía Palestine muốn có một quốc gia tại những khu vực mà Israel đã chiếm trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, và lấy Đông Jerusalem làm thủ đô.

Ông Netanyahu đã chấp nhận khái niệm về một quốc gia Palestine, nhưng đề ra những điều kiện đáng kể và không có Đông Jerusalem.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG