Đường dẫn truy cập

Tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên vẫn còn xấu


Những người Bắc Triều Tiên đào thoát sang miền Nam tham gia buổi tập họp để tưởng nhớ các nạn nhân bị miền Bắc tấn công và kêu gọi nhân quyền và tự do cho miền Bắc
Những người Bắc Triều Tiên đào thoát sang miền Nam tham gia buổi tập họp để tưởng nhớ các nạn nhân bị miền Bắc tấn công và kêu gọi nhân quyền và tự do cho miền Bắc

Liên Hiệp Quốc chỉ trích tình trạng thiếu tự do ngôn luận, tự do tụ tập và các quyền con người cơ bản tại Bắc Triều Tiên. Phúc trình vừa nạp cho Hội đồng Nhân quyền ở Geneve thấy có thêm các vi phạm nhân quyền, vì trong khu vực có căng thẳng.

Trong báo cáo trước hội đồng này, ông Marzuki Darusman, nhà điều tra đặc biệt về tình hình nhân quyền tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tập trung vào số phận của các gia đình bị ly tán, cùng thảm cảnh của các công dân Nhật Bản và Nam Triều Tiên bị Bắc Triều Tiên bắt cóc.

Ông Darusman kêu gọi Bắc Triều Tiên mở lại các chuyến đoàn tụ gia đình hai miền, dựa trên lòng trắc ẩn đối với những gia đình bị ly tán từ mấy mươi năm qua.

Ông cũng nhấn mạnh đến các vụ bắt cóc, ảnh hưởng đến các công dân Nam Triều Tiên, Nhật Bản và các nước khác.

Ông ghi nhận hơn 3.800 trường hợp bị bắt cóc sau chiến tranh Triều Tiên và hãy còn hồ sơ của 500 người Nam Triều Tiên và 12 người Nhật Bản chưa được giải quyết.

Ông còn cho biết tình hình tại các nhà giam ở Bắc Triều Tiên:

“Cán bộ trại giam đánh đập người tù, và có nhiều trường hợp tù nhân này hành hạ tù nhân kia theo lệnh cán bộ trại giam. Đã xảy ra nhiều cái chết trong các trại giam. Ngoài ra có tin nói rằng Bắc Triều Tiên đang quản lý nhiều trại tập trung thành phần tù chính trị và nhiều trại lao động cải tạo.”

Bắc Triều Tiên không cho ông Darusman nhập cảnh; do đó, ông phải ghi thông tin từ các giới chức chính phủ, tổ chức tư nhân và những người đào thoát đến Nam Triều Tiên hoặc Nhật Bản.

Ông nói từ cuối thập niên 1990, số người đào thoát đến Nam Triều Tiên từ hơn 1.000 lên đến 20.000 trong năm 2009.

Đại diện của Bắc Triều Tiên tại Hội đồng Nhân quyền, ông So Se Pyong, bác bỏ thẳng tay phúc trình này. Ông còn gọi đây là âm mưu do Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU dàn dựng:

“Đây là sản phẩm của đối đầu chính trị và âm mưu nhằm xóa sổ nhà nước và chế độ xã hội của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, dùng chiêu bài nhân quyền nhưng thực chất chẳng liên quan gì đến nhân quyền.”

Ông còn gọi phúc trình là những lời dối trá và ngụy tạo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG