Đường dẫn truy cập

TT Trump đề xuất 8,6 tỷ USD trong ngân sách 2020 để xây tường biên giới


Kế hoạch ngân sách 2020 của Tổng thống Donald Trump được đưa tới Ủy ban Ngân sách Hạ viện ở Điện Capitol, ở Washington, sáng ngày 11/3. Ngân sách mới của ông Trump kêu gọi hàng tỳ đô la cho bức tường biên giới của ông.
Kế hoạch ngân sách 2020 của Tổng thống Donald Trump được đưa tới Ủy ban Ngân sách Hạ viện ở Điện Capitol, ở Washington, sáng ngày 11/3. Ngân sách mới của ông Trump kêu gọi hàng tỳ đô la cho bức tường biên giới của ông.

Nhà Trắng hôm 11/3 công bố kế hoạch chi tiêu chính phủ 4.700 tỷ USD cho năm 2020, trong đó bao gồm dự chi 8,6 tỷ USD cho dự án xây tường thành biên giới với Mexico của Tổng thống Donald Trump để ngăn chặn di dân bất hợp pháp.

Đề xuất ngân sách tường thành biên giới năm 2020 tiên báo một cuộc tranh cãi mới với các nhà lập pháp trong những tháng tới trong năm thứ 3 nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Các nhà lập pháp của đảng Dân chủ đối lập ngay lập tức thề sẽ ngăn chặn đề xuất ngân sách cho việc xây tường biên giới này.

Kế hoạch ngân sách của ông Trump tăng chi tiêu 5% cho Ngũ giác đài và giảm 5% chi tiêu không liên quan đến quân đội, đồng thời giảm chi cho các chương trình chăm sóc sức khỏe phổ biến cho người già và người nghèo của Mỹ. Chi tiêu cho quân đội sẽ tăng từ 715 tỷ USD lên 750 tỷ USD trong năm nay.

Một quan chức cao cấp của chính quyền Trump nói rằng kế hoạc này kêu gọi việc cắt giảm “nhiều, nhiều chương trình mà chúng tôi cho là lãng phí.”

Dù như vậy, chính quyền Trump dự báo thâm hụt 1.100 tỷ USD trong ngân sách năm nay bắt đầu từ tháng 10, khi so sánh tổng thu chi của chính phủ.

Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer gọi đề xuất của ông Trump là “một ngân sách đáng hổ thẹn” và “một cú đấm vào bụng của tầng lớp trung lưu.”

“Nó sẽ dần dần làm cho khoảng cách về thu nhập và sự giàu có giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn hơn,” ông Schumer nói. “Ngân sách này cắt bỏ các chương trình trong nước, bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà ở, giáo dục và môi trường.”

Ông Trump đã thua trong loạt tranh cãi đầu tiên với Quốc hội về khoản tiền để xây tường biên giới, trong đó các nhà lập pháp từ chối bất kỳ khoản chi nào cho bức tường nhưng sẵn sàng chi gần 1,4 tỷ USD cho các hàng rào biên giới. Điều đó dẫn tới việc ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để không phải thông qua Quốc hội mà vẫn có thể lấy được các khoản chi đã được chỉ định cho các dự án khác để xây bức tường.

Thượng viện trong tuần này có thể sẽ cùng với Hạ viện bác bỏ tình trạng khẩn cấp mà ông Trump tuyên bố mặc dù Quốc hội có vẻ chưa có đủ đa số phiếu của 2/3 thành viên để phủ quyết. Đã có nhiều kiện tụng thách thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump.

Yêu cầu mới của ông Trump về dự chi cho bức tường được đưa ra chỉ vài tuần sau khi ông chấm dứt 35 ngày kỷ lục đóng cửa chính phủ do những tranh luận xoay quanh yêu cầu khoản chi 5,7 tỷ USD để xây bức tường biên giới. Khi các nhà lập pháp từ chối, ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Ông Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trong một thông cáo chung ra ngày 10/3 rằng họ hy vọng tổng thống đã “học được bài học của mình” từ việc đóng cửa chính phủ.

Ông Trump đã “làm cho hàng triệu người Mỹ bị ảnh hưởng và gây ra nhiều xáo trộn khắp nơi khi ông hấp tấp đóng cửa chính phủ chỉ để tìm cách có được bức tường tốn kém và vô hiệu quả,” thông cáo nói. “Quốc hội từ chối chi tiêu cho bức tường của ông ấy, và ông ấy bị buộc phải thừa nhận mình thua và mở cửa chính phủ trở lại. Điều tương tự sẽ lặp lại nếu ông ấy lại tìm cách làm như vậy một lần nữa.”

Nhưng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow nói hôm 10/3 rằng lời kêu gọi cho việc xây bức tường của ông Trump là hợp lý, cho dù các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người dân phản đối.

“Tôi chỉ muốn nói rằng toàn bộ vấn đề về bức tường, về an ninh biên giới, có tầm quan trọng tuyệt đối,” ông Kudlow nói. “Chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng ở dưới đó. Tôi nghĩ rằng tổng thống đã nêu ra vụ việc một cách hữu hiệu. Nó là một cuộc khủng hoảng về kinh tế. Nó là một cuộc khủng hoảng về tội phạm và ma túy. Nó là một cuộc khủng hoảng về nhân đạo.”

Russ Vought, giám đốc tạm quyền của Văn phòng Quản lý và Ngân sách, nói kế hoạch chi tiêu của ông Trump “tiêu biểu cho trách nhiệm về tài khóa.” Ông Vought nói rằng các nhà lập pháp cần phá vỡ thông lệ trong việc đồng nhất những khoản tăng chi tiêu quốc phòng với tăng chi tiêu trong nước.

Các tổng thống và Quốc hội Mỹ thường tranh cãi về dự chi ngân sách.

Ngân sách năm 2019 hiện tại là hơn 4.400 tỷ USD, với mức thâm hụt dự kiến khoảng 1.000 tỷ USD, phần lớn là do cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump.

Có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ, đạt mức tăng trưởng 2,9% trong năm ngoái, đang chững lại.

Nhưng ông Kudlow cho biết ông không lo lắng về một số dự đoán rằng kinh tế Mỹ, nền kinh lớn nhất thế giới, sẽ chỉ tăng một chút trong ba tháng đầu năm nay và không tăng trưởng quá 2% trong suốt năm 2019.

"Tôi sẽ không loại bỏ (dự đoán đó) ngay bây giờ," Kudlow nói. "Tôi sẽ dự đoán hơn thế. Miễn là chúng tôi giữ nguyên các chính sách của mình, thuế suất thấp cho các cá nhân và doanh nghiệp, giảm thiểu các loại giấy phép, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển. Chính sách của chúng tôi rất mạnh và tôi nghĩ tốc độ tăng trưởng trong năm tới sẽ vượt quá những ước tính này, giống như năm ngoái. "

VOA Express

XS
SM
MD
LG