Đường dẫn truy cập

Trung Quốc ủng hộ Campuchia trấn áp phe đối lập


Chủ tịch Đảng Cứu nguy Quốc gia Xampuchia Kem Sokha.
Chủ tịch Đảng Cứu nguy Quốc gia Xampuchia Kem Sokha.

Sau khi nhà lãnh đạo phe đối lập của Campuchia bị bắt giữ hôm Chủ nhật và trong bối cảnh giới truyền thông và các tổ chức phi chính phủ bị trấn áp, Trung Quốc tuyên bố sự ủng hộ của mình với chế độ của Thủ tướng Hun Sen.

Một ngày sau vụ bắt giữ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc "ủng hộ các nỗ lực của chính phủ Campuchia bảo vệ an ninh và ổn định quốc gia."

Hôm thứ Năm, ông Vương Gia Thụy, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đã hội kiến ông Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội, và Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, chính thức "bày tỏ ủng hộ" đối với ông Hun Sen về quyết định buộc tội Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia Kem Sokha làm gián điệp.

"Trung Quốc sẽ hợp tác và hỗ trợ Campuchia trong mọi hoàn cảnh," ông Vương được dẫn lời nói.

Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói thời điểm chuyến thăm của ông Vương là trùng hợp ngẫu nhiên.

"Chúng tôi cảm ơn Trung Quốc vì họ hiểu Campuchia thực thi nền pháp trị như thế nào," ông nói. "Chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc hiểu rõ người Khmer, không giống như các nước phương Tây, sử dụng Kem Sokha để thúc đẩy ảnh hưởng của họ đối với giới lãnh đạo Campuchia," ông nói.

Việc bắt giữ ông Kem Sokha, đóng cửa các tổ chức phi chính phủ và cơ quan truyền thông đã bị chỉ trích từ Mỹ, Liên minh Châu Âu, Liên Hiệp Quốc, Anh, Đức và Úc. Đáp lại ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon đã khiển trách các chính phủ phương Tây "can thiệp" vào chính trị Campuchia, một cáo buộc mà ông Siphan nói không áp dụng với Trung Quốc.

Hôm thứ Hai, ông Hun Sen đe dọa sẽ bắt giữ người nước ngoài sau khi tuyên bố chính phủ Mỹ và Canada âm mưu với ông Sokha lật đổ chính phủ trong một cuộc “cách mạng màu.”

Ông Hun Sen, người đã nắm quyền hơn 30 năm qua và, trong vài trò cựu chỉ huy Khmer Đỏ, hiểu rõ về lịch sử bạo lực giữa người Khmer với người Khmer hơn hầu hết mọi người, nói rằng chế độ của ông sẽ không "cho phép người nước ngoài sử dụng người Campuchia để giết người Campuchia nữa."

Dù những lời lẽ bài phương Tây xuất hiện ngày càng nhiều, ông Siphan nói rằng mối quan hệ Mỹ-Campuchia vẫn không thay đổi. "Tôi muốn nói rõ với quý vị rằng [ông Hun Sen] không bao giờ xem Mỹ là kẻ thù," ông nói. "Nhưng để bảo vệ lợi ích của Campuchia và nguyện vọng của người dân nhìn thấy quốc gia hòa bình và độc lập ... chúng tôi phải nói rằng chúng tôi không phải là con rối của Mỹ."

Vụ bắt giữ ông Sokha diễn ra sau vụ trấn áp các cơ quan truyền thông chỉ trích bao gồm việc đóng cửa tờ báo tiếng Anh The Cambodian Daily có nhiều ảnh hưởng và một số đài radio địa phương phát thanh chương trình sát thực ở vùng nông thôn Campuchia, nơi mà Đảng Nhân dân Campuchia có cơ sở ủng hộ truyền thống.

Thương mại giữa Trung Quốc và Campuchia đã tăng lên 4,8 tỉ đôla Mỹ vào năm ngoái, tăng khoảng 200 triệu đôla so với năm trước, trong khi Bắc Kinh hiện đã cấp cho chính phủ Campuchia 4,2 tỉ đôla viện trợ và cho vay, theo một bài phát biểu của ông Hun Sen vào tháng 4 vừa qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG