Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Tranh chấp lãnh hải là vấn đề thuộc chủ quyền lãnh thổ


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông sẽ là vấn đề hàng đầu trong nghị trình của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi bà hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tuần này. Trước khi bà Clinton đến Trung Quốc tối hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia. Từ Bắc Kinh, Thông tín viên VOA Shannon Van Sant gửi về bài tường trình sau đây.

Hoa Kỳ đang hối thúc Trung Quốc tiến hành đàm phán với các nước láng giềng về tranh chấp trong vùng Biển Đông. Chỉ vài giờ trước khi bà Clinton gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc theo lịch trình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Mỹ không nên tỏ lập trường về vấn đề này. Phát ngôn viên Hồng Lỗi phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh.

Ông Hồng nói rằng Trung Quốc nhận thấy phía Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lập trường về vấn đề Biển Ðông. Ông nói Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng cam kết của mình và làm nhiều điều hơn nữa để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, thay vì đi ngược lại điều đó.

Biển Ðông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới và là nguồn gốc tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực
Biển Ðông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới và là nguồn gốc tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực
Vùng biển giàu tài nguyên này là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới và là nguồn gốc tranh chấp giữa các quốc gia trong khu vực. Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền lãnh hải một phần vùng biển trong khi Bắc Kinh tuyên bố gần như toàn bộ. Phát ngôn viên Hồng Lỗi nói tranh chấp lãnh hãi này là vấn đề thuộc về chủ quyền lãnh thổ.

Ông Hồng nói rằng mỗi một quốc gia có những cách hiểu, mối quan tâm, và những trọng tâm khác nhau đối với vấn đề này. Ông nói về phía Trung Quốc, vấn đề Biển Ðông liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với một số đảo thuộc quần đảo Nam Sa (mà phía Việt Nam gọi là Trường Sa), và liên quan đến sự chồng chéo quyền và lợi ích hàng hải trên một số vùng nhỏ. Ông Hồng Lỗi nói rằng, cũng như ở các nước khác trên thế giới, Trung Quốc có quyền duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Bà Clinton đang hối thúc Trung Quốc hợp tác với các nước láng giềng trong tổ chức ASEAN soạn ra một bộ quy tắc ứng xử để xử lý những tranh chấp trong khu vực. Trái lại, Bắc Kinh lại muốn đàm phán song phương riêng rẽ với từng nước một. Bản Tuyên bố ứng xử ở Biển Ðông đã được thông qua vào năm 2002, nhưng Trung Quốc và các nước láng giềng đã không đạt được thỏa thuận để lập ra một bộ quy tắc ứng xử tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của ASEAN vào tháng Bảy.

Ông Hồng Lỗi nói Trung Quốc tin rằng các bên liên quan cần tuân thủ thỏa thuận, thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin lẫn nhau, để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Ðông, thay vì phóng đại hoặc làm phức tạp thêm tình hình. Trong khi tuân thủ và thực thi bản tuyên bố, ông Hồng Lỗi nói rằng các bên liên quan có thể cùng hợp tác hướng tới việc soạn ra một thỏa thuận về vùng Biển Ðông. Ông nói Trung Quốc hy vọng các nước liên quan sẽ ủng hộ đồng thuận này và hành động của các nước ASEAN có liên quan và Trung Quốc, cũng như làm nhiều điều có lợi hơn nữa cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton đang thực hiện chuyến thăm 10 ngày tại 6 quốc gia châu Á. Chuyến thăm này diễn ra vài tháng sau khi chính quyền Tổng thống Obama tuyên bố sẽ chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại và ảnh hưởng của Mỹ khỏi vùng Trung Đông về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tranh chấp đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Biển Hoa Ðông sẽ là vấn đề nổi cộm trên nghị trình của bà Clinton.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG