Đường dẫn truy cập

Trông trẻ là điều quan yếu cho phụ nữ đi làm ở Việt Nam


Các phụ nữ đi vào trung mua sắm Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội
Các phụ nữ đi vào trung mua sắm Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội
Tuy còn đang chật vật với các vấn đề công ăn việc làm và giới tính, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ hướng tới sự bình đẳng trong nền kinh tế. Những người dự một cuộc hội thảo mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh nói rằng một trong các bí quyết thành công là việc trông trẻ.

Khi đi làm, phụ nữ ở Việt Nam thường phải nhờ ông bà, hay người giúp việc ở lại trong nhà trông nom, hoặc phải nhờ cậy vào nhân viên của các trung tâm trông trẻ ngày càng trở nên phổ biến trong nước. Những chọn lựa mà phụ nữ có khả năng thực hiện được giúp họ duy trì cả việc làm lẫn gia đình.

Ðại sứ Bỉ ở Việt Nam Bruno Angelet hôm thứ năm tuyên bố, “Tôi nghĩ các điều kiện của phụ nữ ở châu Á thuận lợi hơn nhiều.”

Phát biểu tại một cuộc hội thảo về phụ nữ trong doanh nghiệp dưới sự đồng bảo trợ của sứ quán Bỉ, ông Angelet nói tại châu Âu, các bà mẹ đi làm việc gặp khó khăn hơn nhiều về việc trông trẻ với giá phải chăng. Ðiều đó cũng đúng đối với di dân. Ông Angelet nói tại Hà Nội ông thuờng ký thị thực cho những người Việt Nam đi Bỉ để làm công việc trông trẻ cho chị em hay con cái của họ.

Văn hóa đóng vai trò quan trọng

Nhưng nhiều xu hướng trong xã hội Việt Nam nay mai có thể khiến cho lợi thế này không còn nữa. Trước tiên, các cặp vợ chồng ngày càng sống xa cha mẹ, hoặc vì họ độc lập hơn hoặc vì họ phải dời cư ra thành phố để tìm việc làm. Với các gia đình gồm 3 thế hệ ngày càng ít đi ở Việt Nam, các bà mẹ không còn có thể dựa vào mẹ của mình để giúp nuôi dạy con cái nữa.

Ngoài ra, những người giúp việc trông trẻ và các cơ sở chăm sóc trẻ hiện nay vẫn còn rẻ bởi vì Việt Nam còn là một nước với mức thu nhập trung bình. Nhưng vào lúc người Việt Nam trở nên giàu có hơn, thì có thể sẽ có ít người hơn muốn làm công việc trông trẻ và giá thuê mướn người làm việc này sẽ tăng lên.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, người đi đầu trong việc cổ võ nữ quyền
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, người đi đầu trong việc cổ võ nữ quyền

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, người tổ chức cuộc hội thảo đã đáp lại bằng cách nói rằng trong khi phát triển, Việt Nam không nhất thiết phải mất đi các giá trị truyền thống của mình.

Bà Ninh từng là một nhà ngoại giao và đại biểu quốc hội nay trở thành một người đi đầu trong việc cổ võ nữ quyền. Bà nói, “Chúng ta phải tìm ra sức mạnh cốt lõi của mình và chọn những giá trị nào để đem theo mình vào tương lai.”

Một phần trong sức mạnh đó phản ánh trong các số liệu. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có một tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động nữ là 70% trong năm 2012, so với 57% ở Hoa Kỳ và 64% ở Trung Quốc.

Trao đổi

Nhưng không phải mọi số liệu đều tốt đẹp đối với các bà mẹ Việt Nam đi làm. Ngay cả với các chọn lựa trông trẻ tốt hơn, nhiều người leo lên các bậc thang chức quyền trong công ty nhận thấy mình cũng đối mặt với các thách thức giống như các bạn đồng hành ở phương Tây.

Bà Huỳnh Kim Phụng, giám đốc công ty truyền thông và giao tế Trường Phát nói, “Ðể được là các nữ doanh gia thành đạt, chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian bên ngoài gia đình, và đôi khi sự trao đổi rất khó khăn.”

Cuối cùng bà Phụng đã thuyết phục chồng bà chia sẻ một số công việc nhà, mà những người dự hội thảo nói là một lãnh vực mà Việt Nam có thể đạt được tiến bộ về bình đẳng giới tính. Các ông sẽ phải đảm nhận thêm những việc vặt trong nhà và chăm nom trẻ giúp cho vợ, nhất là khi tiền thuê người trông trẻ trở nên quá sức đối với người Việt Nam trung bình.

Những người dự hội thảo cũng bàn về những thay đổi cơ cấu mà Việt Nam có thể thực hiện, từ việc các công ty lập ra cô-ta và chương trình nội trú để đưa thêm phụ nữ vào làm việc, cho đến các chính sách công hỗ trợ cho việc trông trẻ và mức lương bình đẳng.

Trong năm 2012, Việt Nam là một trong các nước nơi sự chênh lệch về mức lương gia tăng giữa nam và nữ lên tới 30%, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Bà Nguyễn Hồng Hà, phó tổng giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói đất nước cần có sự biến chuyển văn hóa để giải quyết vấn đề.

Bà nói: “Khi trẻ em sinh ra, chúng không có khái niệm phải tôn trọng phụ nữ hay nam giới. Thay vì thế, sự bình đẳng giới tính là điều được tiếp thu, vì thế người Việt Nam phải không những dạy cho nam giới làm phần vụ của mình, mà còn phải dạy cho phụ nữ phải tin là họ có thể làm mọi thứ cũng tốt như nam giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG