Đường dẫn truy cập

TQ từ chối cho biết có ủng hộ lệnh cấm đánh cá của Philippines hay không


Hình minh họa - Tàu tuần duyên Trung Quốc tiếp cận tàu cá Philippines khi đối đầu ở Bãi cạn Scarborough.
Hình minh họa - Tàu tuần duyên Trung Quốc tiếp cận tàu cá Philippines khi đối đầu ở Bãi cạn Scarborough.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba từ chối cho biết liệu họ có ủng hộ một sắc lệnh hành chính của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, tuyên bố một phần Bãi cạn Scarborough có tranh chấp là khu bảo tồn biển cấm ngư dân tiếp cận, hay không.

Tranh chấp về Bãi cạn Scarborough là một trong những tranh chấp có liên quan tới một số nước Đông Nam Á tìm cách chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Từ năm 2012, Trung Quốc đã điều lực lượng hải cảnh của mình tới để ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn này, dù nó nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Ông Duterte định sẽ đưa ra một tuyên bố đơn phương cấm ngư dân khai thác sinh vật biển ở một vùng phá thanh bình vốn là trung tâm của nhiều năm tranh cãi gay gắt, và là cơ sở của một vụ kiện mà Philippines đã đệ trình lên tòa án trọng tài và đã thắng.

Diễn tiến này, loan báo hôm thứ Hai, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ, văn phòng của ông Duterte cho biết.

Khi được hỏi về loan báo này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc đã có những "dàn xếp thỏa đáng" trên tinh thần hữu nghị cho phép ngư dân Philippines hoạt động xung quanh bãi cạn này.

"Chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với Đảo Hoàng Nham vẫn không và sẽ không thay đổi," ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo hàng ngày, sử dụng tên tiếng Trung mà Trung Quốc dùng để gọi bãi cạn này.

Ông Tập và ông Duterte hội kiến hôm thứ Bảy bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima, thủ đô Peru, và cam kết sẽ duy trì động lực cải thiện mối quan hệ, theo lời ông Cảnh.

"Chúng tôi hy vọng Trung Quốc và Philippines có thể tiếp tục tăng cường đối thoại và hợp tác, và biến vấn đề Biển Đông thành một yếu tố tích cực trong việc thúc đẩy tình hữu nghị song phương và hợp tác," ông Cảnh nói.

Ông không nhắc tới khu bảo tồn biển của ông Duterte.

Việc thành lập một khu bảo tồn biển, nếu thành công, có thể cho cả hai nước một cách giữ thể diện để phá vỡ thế bế tắc ngoại giao mà không phải đưa ra một thỏa thuận chính trị hay những nhượng bộ chính thức.

Theo kế hoạch mà văn phòng Tổng thống Philippines loan báo, ngư dân của cả hai nước có thể thả lưới ở rìa của vùng phá, nhưng không phải bên trong, để quần thể cá có thể sinh sôi.

Đây là cử chỉ mới nhất đối với Trung Quốc trong diễn biến được xem là sự đảo ngược đáng kinh ngạc chính sách ngoại giao của Philippines dưới thời ông Duterte. Ông đã quay sang làm lành với Bắc Kinh trong khi đả kích đồng minh lâu năm của mình là Mỹ về điều mà ông gọi là đạo đức giả và bắt nạt.

Trung Quốc đã làm dịu lập trường của mình kể từ khi ông Duterte trở về từ chuyến thăm cao cấp tới Bắc Kinh vào tháng 10. Những ngư dân Philippines tiến gần tới bãi cạn nói rằng lực lượng hải cảnh của Trung Quốc không còn đuổi họ đi nữa, như nước này đã làm trong bốn năm qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG