Đường dẫn truy cập

TQ đồng ý LHQ cần hành động quyết liệt hơn về vụ thử hạt nhân Triều Tiên


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại họp báo hôm 7/9 ở Bắc Kinh
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại họp báo hôm 7/9 ở Bắc Kinh

Trung Quốc hôm 7/9 nói họ nhất trí rằng Liên Hiệp Quốc nên có thêm hành động đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất, đồng thời hối thúc đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt nào của LHQ và áp lực của Hoa Kỳ với "các biện pháp phản công mạnh mẽ", họ cáo buộc Hoa Kỳ muốn khơi mào một cuộc chiến.

Hoa Kỳ muốn Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Triều Tiên, cấm xuất khẩu hàng dệt may, cấm thuê người lao động Triều Tiên ở nước ngoài, và đưa nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào diện bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại, theo dự thảo nghị quyết mà Reuters được đọc hôm 6/9.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên hôm 7/9: "Từ những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đồng ý rằng Hội đồng Bảo an LHQ nên tiếp tục phản ứng và thực hiện những biện pháp cần thiết". Nhưng ông Vương không đi vào chi tiết.

Ông nói thêm: "Bất kỳ hành động mới do cộng đồng quốc tế tiến hành nhằm vào CHDCND Triều Tiên đều cần phải phục vụ mục đích kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đồng thời tạo thuận lợi cho việc khởi động lại đối thoại và tham vấn".

William Choong, một nghiên cứu sinh kỳ cựu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore, nói Trung Quốc có thể cắt xuất khẩu dầu sang Triều Tiên. Họ cũng có thể sẵn lòng hạn chế công nhân Triều Tiên làm việc ở Trung Quốc và đưa những người đó về nước.

Andrei Lankov, giám đốc của Nhóm Nghiên cứu Rủi ro Triều Tiên, cho rằng nếu Trung Quốc cắt xuất khẩu, Triều Tiên vẫn sẽ tìm cách nhập khẩu dầu, nhưng ông nói thêm rằng việc đó sẽ có tác động: "Nếu Bắc Triều Tiên mất khả năng tiếp cận dầu, họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn kinh tế to lớn. Có thể sẽ bùng nổ những vụ bất ổn, vì gần đây, trái với những gì ngươi ta thường nghe, mức sống của Triều Tiên đã tăng lên đáng kể. Và người ta không thích thú gì khi mức sống của họ đột nhiên giảm xuống".

Tuy nhiên, cả hai ông Choong và Lankov đều hoài nghi là lệnh cấm vận dầu sẽ dẫn đến việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Sau vụ thử hạt nhân hôm 2/9 của Triều Tiên, các cơ quan và các trang web truyền thông Trung Quốc đã nhận lệnh đóng lại mục ý kiến bình luận về vụ thử, và "không cường điệu hóa" chuyện đó, theo một chỉ thị về kiểm duyệt mà hãng China Digital Times nhận được.

Trên trang web Freeweibo.com, nơi thu thập và theo dõi các bài đăng trên truyền thông xã hội bị kiểm duyệt, các từ "bom hydro" và "Triều Tiên" tiếp tục dẫn đầu danh sách 10 chủ đề bị chặn. Tuy nhiên, không phải tất cả các ý kiến đều bị gỡ xuống kịp thời.

Rõ ràng đối với nhiều người ở Trung Quốc, họ ngày càng quan tâm về nguy cơ hạt nhân không chỉ do Triều Tiên gây ra mà cả hiệu ứng domino có thể xảy ra.

Một bài đăng trên website Freeweibo.com ủng hộ các biện pháp chế tài cứng rắn hơn viết: "Để tránh Nhật Bản và Hàn Quốc triển khai vũ khí hạt nhân và chiến tranh bùng nổ, và bất cứ hoạt động phóng xạ nào lan đến Trung Quốc, lựa chọn duy nhất của Trung Quốc là tuân thủ triệt để các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt và cắt mọi nguồn cung dầu cũng như thương mại với Triều Tiên".

Bài viết bày tỏ thêm rằng Trung Quốc cũng nên thảo luận với Hoa Kỳ cách thức để cả hai nước có thể bảo vệ lợi ích của chính họ sau khi Triều Tiên sụp đổ. Các nhà phân tích lưu ý rằng một lý do quan trọng mà Trung Quốc lâu nay do dự không muốn đi quá xa với các biện pháp trừng phạt là nước này lo ngại rằng điều đó có thể dẫn đến sự sụp đổ chế độ Bình Nhưỡng.

Một số người tham gia diễn đàn mạng tập trung nhiều hơn vào vấn đề ở Trung Quốc. Một bài viết nêu ý kiến: "Chúng tôi [người Trung Quốc] không cần phải lên án [Triều Tiên]. Chúng tôi cần chính phủ bảo vệ sự an toàn của người dân ở miền đông bắc. Mạng sống của người dân chúng tôi quan trọng hơn bất cứ gì khác. Đã có kế hoạch khẩn cấp gì chưa?"

Một bài viết khác chỉ trích chính phủ Trung Quốc dường như tập trung nhiều hơn vào việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ: "Họ [chính quyền] lờ đi chuyện Triều Tiên liên tục thử vũ khí hạt nhân ngay sát Trung Quốc trong khi lại cáo buộc Hàn Quốc đã làm hại cán cân sức mạnh khu vực vì nước này triển khai THAAD để bảo vệ người dân của họ. Hỡi những người 'cai trị’ Trung Quốc và quảng bá giấc mơ Trung Hoa, quý vị có cảm thấy an toàn không? Điều đó có làm cho đất nước quý vị mạnh hơn không?"

Trong khi đó, hàng trăm người Hàn Quốc đã đụng độ với các lực lượng an ninh tại vùng nông thôn Seonju, nơi quân đội Mỹ bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa phòng thủ của Mỹ được thiết kế để bảo vệ họ trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Cảnh sát đã giải tán hàng trăm người biểu tình chặn đường đến một sân golf cũ, nơi hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được lắp đặt.

Một quan chức nói hôm 7/9 rằng hàng chục người, trong đó có 6 cảnh sát, đã bị thương trong vụ đụng độ.

Cư dân Seonju và các nhà hoạt động đã nêu lên lo ngại về những nguy cơ về sức khỏe được đồn đoán liên quan đến hệ thống radar mạnh cũng như khả năng là thị trấn sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói việc triển khai là cần thiết do mối đe dọa hiện hữu từ Triều Tiên.

(VOA, Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG