Đường dẫn truy cập

Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Israel bỏ qua những bất đồng


Tổng thống Barack Obama bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc ở Washington, ngày 9/11/2015.
Tổng thống Barack Obama bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục Tòa Bạch Ốc ở Washington, ngày 9/11/2015.

Từ tình hình ngày càng xấu đi ở Trung Ðông cho đến sự tiến trình hòa bình bị bế tắc, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hình như đang đặt sang một bên những bất đồng gay gắt về hiệp ước hạt nhân Iran để tập trung vào những lãnh vực quan tâm chung. Thông tín viên Aru Pande của đài VOA tường trình về cuộc họp của hai nhà lãnh đạo ở Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai.

Tại cuộc họp với Tổng thống Obama ở Tòa Bạch Ốc, Thủ tướng Netanyahu nói:

"Tôi một lần nữa xin cám ơn sự tiếp đón của ngài, nhưng hơn thế nữa là sự duy trì và tăng cường quan hệ hữu nghị và đồng minh vĩ đại giữa Israel và Hoa Kỳ."

Với một cái bắt tay và một cam kết tăng cường hợp tác, hai nhà lãnh đạo hôm thứ Hai đã tìm cách gạt sang một bên những căng thẳng và bất hòa hồi gần đây về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Obama nói: "Không cần phải che giấu là Thủ tướng Israel và tôi bất đồng sâu sắc về vấn đề nhỏ này, nhưng chúng tôi không bất đồng với nhau về sự cần thiết phải đảm bảo rằng Iran không có vũ khí hạt nhân."

Trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên kể từ khi thoả thuận hạt nhân Iran được ký kết, hai ông Obama và Netanyahu tập trung vào tình hình an ninh đang ngày càng xấu đi ở Trung Ðông, trong lúc Washington đang tính đến việc tăng thêm viện trợ cho Israel.

Tổng thống Obama nói: "Chúng tôi cần đảm bảo là một trong những đồng minh thân cận nhất của chúng ta không những có thể tự bảo vệ, mà còn có thể phối hợp với chúng ta ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và đối phó với những mối đe dọa an ninh khác."

Tình hình xung đột Israel-Palestine cũng là đề tài lớn trong cuộc họp hơn 2 giờ đồng hồ.

Tổng thống Obama chỉ trích những vụ tấn công mới đây của người Palestine nhắm vào thường dân Israel và kêu gọi các bên quay trở lại với con đường hướng tới hòa bình. Thủ tướng Netanyahu công khai tái khẳng định lời kêu gọi đó.

"Tôi giữ vững cam kết về viễn cảnh hòa bình của hai quốc gia của hai dân tộc, một quốc gia phi quân sự của người Palestine công nhận quốc gia của người Do Thái."

Người phát ngôn Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc nói phát biểu của ông Netanyahu đáng khích lệ và kêu gọi "hành động tiếp," nhưng ông không kỳ vọng.

"Chúng tôi đã thẳng thắn chấp nhận là vì thực tế của sự xung khắc cực kỳ giữa hai bên, giải pháp hai quốc gia rất khó có thể đạt được kết quả trong 14 tháng tới, thậm chí là cuộc đàm phán cho giải pháp hai quốc gia cũng khó có thể khởi sự trong vòng 14 tháng tới."

Bên ngoài Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai, một nhóm nhỏ những người biểu tình qui lỗi cho ông Netanyahu về tình trạng bế tắc hiện nay và chỉ trích chính sách của ông đối với người Palestine.

Ông Yisroel Dovid Weiss của Tổ chức đoàn kết chống chủ nghĩa bài xích Do Thái nói:

"Nếu các chính trị gia không nhút nhát như vậy, họ có thể bình tĩnh nhận thấy rằng tôn giáo có thể cùng tồn tại. Do đó không phải là vô ích trong nỗ lực mang lại hòa bình bằng cách bãi bỏ chính phủ sai lầm và hư hỏng hoàn toàn đang tồn tại ở đó."

Những người biểu tình khác kêu gọi chính phủ Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự cho Israel.

VOA Express

XS
SM
MD
LG