Đường dẫn truy cập

Tối cao Pháp viện bác bỏ nhiều phần trong luật di trú của bang Arizona


Biểu tình phản đối quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phép nhân viên cảnh sát tiểu bang khi có “sự nghi ngờ hợp lý” phải kiểm tra qui chế di trú của người mà họ chặn lại vì những lý do khác
Biểu tình phản đối quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phép nhân viên cảnh sát tiểu bang khi có “sự nghi ngờ hợp lý” phải kiểm tra qui chế di trú của người mà họ chặn lại vì những lý do khác
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ nhiều phần chủ yếu trong một bộ luật di trú gay gắt do tiểu bang Arizona ban hành vào năm 2010 để giúp cảnh sát truy lùng di dân bất hợp pháp. Tuy nhiên, phần gây tranh cãi nhiều nhất trong bộ luật cho phép nhân viên cảnh sát tiểu bang được kiểm tra tình trạng di trú của những người bị chận hỏi vì những lý do khác đã được phép giữ nguyên. Từ thủ đô Washington, thông tín viên VOA William Ide ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Mặc dầu quyết định của Tối cao Pháp viện hôm qua đã bác bỏ 3 phần chính trong bộ luật, tòa án tối cao đã nêu ra rằng có nhiều phần chắc là quyết định giữ nguyên điều khoản được gọi là “hãy xuất trình giấy tờ của quý vị” sẽ dẫn tới nhiều thách thức pháp lý hơn khi được đem ra thực thi.

Dựa vào những gì phe chống đối bộ luật sẽ nói về các biện pháp của Tối cao Pháp viện hôm qua, rõ ràng là cuộc chiến còn lâu mới kết thúc.

Ông Bhargava nói: “Ðây là một ngày đen tối cho dân quyền ở nước Mỹ.”

Ông Deepak Bhargava thuộc Trung Tâm Thay đổi Cộng đồng nói rằng việc giữ nguyên điều khoản “Xuất trình giấy tờ” sẽ khiến nhiều người, kể cả công dân Mỹ, trở thành một mục tiêu cho các nỗ lực trấn át di dân của tiểu bang Arizona.

Ông Bhargava nói: “Hôm nay, Tối cao Pháp viện giữ nguyên điều khoản cho phép các tiểu bang được có biện pháp hành chính dựa vào chủng tộc có tác động khiến các công dân Hoa Kỳ bị theo dõi và ngược đãi chỉ vì lý do chủng tộc hay mầu da. Đây là một quyết định tai hại cho dân quyền và các quyền tự do dân sự ở nước Mỹ.”

Nhưng cảnh sát trưởng Joe Arpaio, một người công khai bênh vực cho bộ luật của Arizona, nói rằng giới hữu trách địa phương đã được huấn luyện thấu đáo về việc thực hiện các cuộc kiểm tra lý lịch. Sau phán quyết của Tối cao Pháp viện, ông đã phát biểu ủng hộ cho sự cần thiết của tiểu bang phải thực thi điều khoản yêu cầu “xuất trình giấy tờ.”

Ông Arpaio cho biết: “Làm như thế để xác định xem liệu người ta có ở trong nước một cách bất hợp pháp hay không và khi có sự nghi ngờ. Tôi cho rằng điều đó là quan trọng, chúng tôi đã làm như thế 4 năm nay rồi. Tôi nghĩ đó là một phán quyết tốt.”

Tổng thống Barack Obama tỏ ý hài lòng về phán quyết của Tối cao Pháp viện, và nói thêm rằng điều rõ ràng thể hiện qua phán quyết là Quốc hội Hoa Kỳ phải có hành động về cải cách di trú. Nhưng ông nêu ra mối quan ngại rằng điều khoản đòi “xuất trình giấy tờ” của bộ luật đã không bị bác bỏ.

Hiện có 5 tiểu bang khác đã có những hình thức luật lệ tương tự như bộ luật của Arizona và đang chờ phán quyết của Tối cao Pháp viện để bắt đầu áp dụng các giải pháp của mình cho vấn đề di trú.

Trong phát biểu về phán quyết của Tối cao Pháp viện, ông Obama lập luận rằng một tập hợp các bộ luật tiểu bang không phải là giải pháp cho hệ thống di trú có trục trặc của cả nước.

Di trú là một đề tài gây tranh luận sôi nổi trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm nay. Tổn thống Barack Obama, một đảng viên Dân chủ, và ông Mitt Romney, người có phần chắc sẽ ra tranh cử cho đảng Cộng hòa, đang cố gắng lấy lòng cử tri gốc Mỹ Latinh, là những người hết sức quan tâm đến vấn đề này.

Ông Romney đã nhân phán quyết này lên án ông Obama là thiếu một kế hoạch di trú. Ông nói mỗi một tiểu bang đều “có nghĩa vụ – và quyền bảo vệ biên giới của chúng ta” khi chính phủ liên bang “thất bại không hoàn thành được trách nhiệm của mình.”

Những người ủng hộ bộ luật của Arizona nói chính sự kiện chính phủ liên bang thiếu khả năng thực thi các luật lệ toàn quốc về di trú đã buộc tiểu bang phải phê chuẩn dự luật.

Tối cao Pháp viện bầy tỏ sự thông cảm với các mối quan ngại của tiểu bang về vấn đề di trú, nhưng nêu ra rằng tiểu bang đã vượt quá giới hạn pháp lý của mình trong nhiều phần của bộ luật.

Trong phán quyết, thẩm phán Anthony Kennedy nói rằng mặc dầu “Arizona có thể có những điểm bất bình có thể hiểu được” với những vấn đề về di trú bất hợp pháp, tiểu bang không thể theo đuổi “ các chính sách gây phương hại cho luật lệ của liên bang.”

Các vị thẩm phán đã bác bỏ ba điều khoản trong bộ luật của tiểu bang Arizona – những điều khoản xác định việc các di dân không có giấy phép làm việc đi tìm việc làm là tội phạm, di dân không mang theo các chứng từ đăng ký là tội phạm, và cho phép cảnh sát bắt giữ bất cứ di dân nào mà họ cho là có thể bị trục xuất.

5 trong số các thẩm phán của Tối cao Pháp viện đã bỏ phiếu bác bỏ 3 điều khoản vừa kể; trong khi các thẩm phán không đồng ý lập luận rằng toàn bộ hay những phần chính của bộ luật phải được giữ nguyên.

VOA Express

XS
SM
MD
LG