Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 26/10 gửi thông báo đến các bên liên quan nói rằng họ hoãn các phiên xét xử sơ thẩm ba nhà hoạt động, nhà tranh đấu Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm.
Hồi cuối tháng 9 và giữa tháng 10, tòa Hà Nội lần lượt ra quyết định sẽ xét xử hình sự anh Trịnh Bá Phương, bà Nguyễn Thị Tâm về cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin nhằm chống nhà nước” vào ngày 3/11, và bà Phạm Đoan Trang về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vào ngày 4/11.
Theo nội dung bản thông báo chị Đỗ Thị Thu, vợ anh Trịnh Bá Phương, nhận được và chia sẻ với VOA, tòa nói họ nhận được công văn từ Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị hoãn hai phiên tòa với lý do các kiểm sát viên làm việc về hai vụ án “hiện đang phải tự cách ly để phòng chống dịch COVID-19”.
Tòa giải thích thêm trong văn băn của họ rằng các kiểm sát viên đó “trong quá trình công tác có tiếp xúc gần” với người có liên quan đến các ca nhiễm COVID-19 mới ở một huyện của Hà Nội.
Thời gian mở lại các phiên tòa sẽ được tòa Hà Nội thông báo sau này với các bên liên quan, bản thông báo cho hay.
Như VOA đã đưa tin, nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Phạm Đoan Trang, cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, bị nhà chức trách Việt Nam bắt cách đây hơn 1 năm ở thành phố Hồ Chí Minh. Bộ máy tuyên truyền trong nước sau đó công kích rằng bà Trang “có mối liên hệ mật thiết” với các tổ chức “phản động lưu vong” ở nước ngoài.
Hai nhà tranh đấu về quyền đất đai là anh Phương và bà Tâm bị bắt hồi tháng 6 năm ngoái. Họ là những người lên án mạnh mẽ vụ đột kích gây chết chóc của hàng nghìn cảnh sát cơ động vào làng Đồng Tâm hồi tháng 1/2019.
Mẹ của anh Phương, bà Cấn Thị Thêu, và em trai anh, Trịnh Bá Tư, cũng đã bị bắt và bị giam giữ.
Mỹ cùng với chính phủ một số nước và các tổ chức quốc tế trong hơn một năm qua nhiều lần kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Trang, anh Phương và các nhà hoạt động, nhà tranh đấu khác.
Chị Thu, vợ anh Phương, viết trên Facebook cá nhân hôm 23/10 rằng chồng chị “giữ quyền im lặng” nên cơ quan an ninh điều tra “không khai thác được gì” và chị khẳng định anh Phương “vô tội”.
Hôm 27/10, sau khi nhận thông báo về việc hoãn phiên xét xử, chị cho VOA biết rằng trong cùng ngày chị đã đến Trại tạm giam số 1 của công an Hà Nội đề nghị được thăm chồng nhưng đại diện trại giam không đồng ý.
Trước đó, hôm 21/10, chị cũng đã đến trại giam, đề nghị được thăm anh Phương nhưng cũng bị phía trại giam từ chối.
“Một cán bộ tên là Ngọc Anh nói với tôi rằng vì lý do dịch bệnh nên không được vào thăm gặp”, chị Thu thuật lại.
Sau cả hai lần đến thăm không thành, chị đều gửi đơn kiến nghị đến trại giam và tòa án đề nghị được gặp chồng cũng như yêu cầu họ trả lời bằng văn bản về lý do không cho chị gặp.
Về việc cán bộ trại giam chỉ nói ra lý do dịch bệnh thay trả lời bằng văn bản, chị Thu nhận xét: “Tôi cho rằng phía trại tạm giam làm việc như vậy là thiếu tôn trọng người thân của người bị tạm giam, tạm giữ và coi thường người dân”.
Ngoài ra, chị Thu cho rằng với thực tế là chỉ thị giãn cách đã được bãi bỏ, Hà Nội mở cửa trở lại bình thường, việc trại tạm giam của công an Hà Nội “không cho gia đình tôi thăm gặp là vi phạm quyền thăm nuôi của chồng tôi”.