Đường dẫn truy cập

Tổ chức y tế mới giúp Việt Nam phòng chống bệnh AIDS


Các thành viên của hội MSM (Những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới) đeo ruy-băng màu đỏ trong một chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV/AIDS tại Hà Nội
Các thành viên của hội MSM (Những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới) đeo ruy-băng màu đỏ trong một chiến dịch nâng cao nhận thức về HIV/AIDS tại Hà Nội
Trong khi công cuộc chuẩn bị bắt đầu cho hội nghị quốc tế về bệnh AIDS tại thủ đô Washington vào cuối tháng này, các chuyên gia tại Việt Nam đang thảo luận các phương sách khai triển khả năng của chính mình vào lúc tiền viện trợ ngày càng giảm bớt.

Ca HIV đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh vào đầu thập niên 1990. Trong 10 năm sau đó, biện pháp tối đa mà các chuyên gia y tế có thể cung cấp là chẩn bệnh.

Nhưng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, dần dà việc chẩn đoán ra bệnh này không còn có nghĩa là tuyên bản án tử hình nữa.

Với sự huấn luyện và các nguồn lực của nhiều cơ quan thế giới, các bác sĩ Việt Nam bắt đầu cho sử dụng các loại thuốc chống virút cứu mạng người vào năm 2005. Theo các chuyên gia y tế, sau khi được điều trị, người bệnh lấy lại được sức khỏe, có thể trở lại làm việc và sống một cuộc đời bình thường.

Nhưng trong tư cách là một quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam không còn có thể dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài nữa. Bác sĩ Nguyễn văn Kính, một nhà nghiên cứu hàng đầu về HIV/AIDS tại Việt Nam, cho biết:
Thống kê tình hình bệnh AIDS trên toàn cầu (Nguồn: WHO)

  • Số người nhiễm HIV Tổng cộng 34 triệu
  • Người lớn 30,1 triệu
  • Phụ nữ 16,8 triệu
  • Trẻ em 3,4 triệu
  • Số người mới nhiễm HIV trong năm 2010: 2,7 triệu
  • Số người chết vì AIDS trong năm 2010: 1,8 triệu

“Mọi hoạt động điều trị ở Việt Nam đều được sự hỗ trợ từ các dự án bên ngoài, Nhưng sau một thời gian, các dự án kết thúc, và Việt Nam phải tự túc.”

Bác sĩ Kính nói đó là một phần nguyên do vì sao các chuyên gia y tế trong nước thành lập Hội HIV/AIDS, còn gọi tắt là VCHAS. Hội được thành lập với sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, xuyên qua Chương trình AIDS của trường Y khoa Harvard, trong khuôn khổ Kế hoạch Khẩn cấp Cứu trợ bệnh AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ.

Những nước có số dân nhiễm HIV cao nhất (Nguồn: CIA World Factbook, số liệu ước tính năm 2009)

  • 1. Nam Phi 5.600.000
  • 2. Nigeria 3.300.000
  • 3. Ấn Ðộ 2.400.000
  • 4. Kenya 1.500.000
  • 5. Mozambique 1.400.000
  • 6. Tanzania 1.400.000
  • 7. Zimbabwe 1.200.000
  • 8. Uganda 1.200.000
  • 9. Hoa Kỳ 1.200.000
  • 10. Nga 980.000

Bác sĩ Kính là chủ tịch của hội, vừa tổ chức cuộc họp đầu tiên trong tháng trước. Hội được ca ngợi là một trong các tổ chức y tế chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, và bác sĩ Kính đặt nhiều hy vọng vào tương lai của hội. Bác sĩ cho biết:
Những nước có tỉ lệ dân số từ 15 đến 49 tuổi sống nhiễm HIV/AIDS cao nhất (Nguồn: CIA World Factbook, số liệu ước tính năm 2009)

  • 1. Swaziland 25,9%
  • 2. Botswana 24,8%
  • 3. Lesotho 23,6%
  • 4. South Africa 17,8%
  • 5. Zimbabwe 14,3%
  • 6. Zambia 13,5%
  • 7. Namibia 13,1%
  • 8. Mozambique 11,5%
  • 9. Malawi 11,0%
  • 10. Uganda 6,5%

“VCHAS có 3 chức năng. Thứ nhất, là kết mạng và chia sẻ kinh nghiệm và điều trị. Thứ hai, cải tiến khả năng của người y sĩ, kỹ thuật viên làm việc trong công tác điều trị HIV/AIDS. Và thứ ba, chúng tôi cố gắng chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác và các tổ chức quốc tế.”

Về mặt lịch sử tại Việt Nam, dịch bệnh HIV/AIDS tập trung trong giới sử dụng ma túy, nhưng các cố vấn y tế nói khuynh huớng này đang chuyển qua sự kiện lây truyền qua đường tình dục. Một khối người chủ yếu nổi lên có rủi ro cao hơn bị nhiễm bệnh là những người đàn ông có quan hệ tình dục với đàn ông, là khối người có tỷ lệ lây nhiễm lên tới gần 17%.

Giám đốc Cơ quan AIDS của Liên Hiệp Quốc Eamonn Murphy nói một phần của thách thức trong việc tiếp xúc với những người đàn ông này là những sự cấm kỵ về văn hóa. Bác sĩ Murphy nói:

"Tại nhiều nơi ở Việt Nam, mọi người làm như không hề có sự hiện diện của vấn đề này. Ý là họ sẽ nói là ở Việt nam làm gì có quan hệ tình dục đồng phái. Tôi đã từng đến các tỉnh và nghe người ta nói là “Chúng tôi không có những của này đâu, chỉ có ở thành phố Hồ Chí Minh thôi.”

Theo ông Murphy, sự kỳ thị đối với những người nhiễm HIV/AIDS không phải là không thông thường. Mọi người vẫn dọn nhà đi chỗ khác vì cách thức hàng xóm phản ứng trước tình trạng bị nhiễm HIV của mình. Và, trẻ em có thể bị cấm đến trường vì cha mẹ nhiễm HIV, ngay cả nếu như các em không bị. Người ta cũng biết thành kiến tác động đến các chuyên gia y tế làm việc với người bệnh nhiễm HIV/AIDS.

Bác sĩ Phạm Thanh Thủy, một chuyên gia hàng đầu về bệnh này ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nói đôi khi có sự miễn cưỡng trong giới chuyên môn về y tế ở các ngành chuyên môn khác khi điều trị những người bệnh bị HIV/AIDS vì thiếu hiểu biết.

Nhưng một phần của công tác được VCHAS hoạch định sẽ là cung cấp sự huấn luyện cho các ban ngành khác trong bệnh viện để nhân viên y tế có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Bác sĩ Thủy nói:

“Qua việc huấn luyện này, chúng tôi sẽ giúp mọi người hiểu rõ về HIV. Công tác huấn luyện có thể giúp họ bớt kỳ thị và giúp họ hỗ trợ cho chúng tôi trong việc điều trị các bệnh nhân nhiễm HIV nếu họ cần đến sự chăm sóc ngoài việc điều trị HIV. Ý tôi muốn nói là chăm sóc và điều trị về những vấn đề không có liên quan đến HIV, những vấn đề mà bất cứ ai cũng có thể có.”

Vào lúc các cơ quan và quốc gia cấp viện chuẩn bị giảm hoạt động, Việt Nam thừa nhận rằng cần phải hành động khẩn để chi trả cho công tác chữa trị và phòng ngừa. Chính phủ đã dùng ngân sách tài trợ thêm cho những loại thuốc cần để điều trị. Nhưng theo ông Murphy của cơ quan UNAIDS, như thế vẫn chưa đủ.

Ông cho rằng cần phải có sự xác định lại thứ tự ưu tiên cho các nguồn lực để lấp đầy khoảng trống. Một phần có thể xuất pháp từ việc dẹp bỏ các trung tâm phục hồi dành cho những người nghiền ma túy đang gây nhiều tranh cãi. Bác sĩ Murphy giải thích:

“Các trung tâm giam giữ này là một sự lãng phí tiền bạc. Chúng không đạt được các kết quả mà bất cứ ai trông đợi về mặt kiểm soát trật tự xã hội hay y tế công cộng.”

Các trung tâm này đã bị quốc tế lên án sau khi một phúc trình hồi năm ngoái của tổ chức Human Rights Watch cáo buộc là cưỡng bức lao động.

Ông Murphy nói mặc dầu có ít những người nghiền ma túy hơn, các trung tâm này vẫn rất tốn kém và tốt hơn là dành các nguồn lực cho y tế công cộng.

Theo ông Murphy, chính phủ thừa nhận có các phương thức hữu hiệu hơn để giải quyết vấn đề nghiền bạch phiến và đã định mục tiêu là 80.000 người sử dụng methadone vào năm 2015, so với con số hiện nay là 10.000.

Ban sáng lập tổ chức hy vọng rằng VCHAS sẽ khuyến khích các chuyên gia y tế cảm thấy hãnh diện về công khó của mình trong một lãnh vực vừa không sinh lợi, vừa không được sự hưởng ứng của công chúng, đồng thời giúp nẩy sinh công cuộc khảo cứu ngay trong nước.

Bác sĩ Thủy nói Việt Nam đã đi một bước xa trong việc giải quyết vấn đề phân biệt đối xử, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Mặc dầu VCHAS vẫn còn rất mới, bà hy vọng tổ chức sẽ giúp các chuyên gia y tế đối xử những người tham gia vào sinh hoạt gọi là “tệ nạn xã hội” như các bệnh nhân, và cung cấp sự điều trị bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi nào họ cần đến.

VOA Express

XS
SM
MD
LG