Đường dẫn truy cập

Tình yêu thời lưu đày (Love in the time of exile)


Tình yêu thời lưu đày (Love in the time of exile)
Tình yêu thời lưu đày (Love in the time of exile)

“never write about a place until you're away from it, because…” - Ernest Hemingway

Julie và tôi đang nằm trên sàn nhà im lặng nhìn ra ngoài khung kính cửa sổ. Căn phòng nội trú ở một trường đại học nơi xa cách nhất vùng đông bắc nước Mỹ. Tháng Giêng của mùa đông lạnh nhất trong trí nhớ. Bên ngoài cửa sổ, tuyết tiếp tục đổ xuống bao phủ đất trời trong màu trắng xóa. Tuyết đã rơi không ngừng từ trước Noel. Hơi lạnh len vào từ khung cửa sổ hé mở biến hơi thở chúng tôi thành những làn khói mỏng. Không gian im lặng và thời gian ngưng đọng như thể một thế chiến vừa xảy ra, trong tích tắc tiêu diệt tất cả loài người, chỉ còn lại Julie và tôi đang nằm trần truồng bên nhau.

….

Căn phòng nội trú nằm ở khuôn-viên phía bắc của trường Cornell, vùng upstate New York, đơn giản như những phòng nội trú cho sinh viên thời bấy giờ - hai mươi năm trước: đủ lớn để chứa một cái giường đơn, tủ đứng treo quần áo ở góc phòng cạnh cửa ra vào, bên cạnh là hộc tủ gỗ có vài ngăn kéo để vật dụng cá nhân và quần áo. Một bàn gỗ nhỏ cạnh giường ngủ trên đó đặt chiếc đèn đọc sách, điện thoại và đồng hồ có radio báo thức. Bàn học dài màu vàng đậm đặt sát cửa sổ có khung kính lớn chiếm trọn bức tường đối diện với giường ngủ. Từ cửa sổ căn phòng nhìn xuống là thảm cỏ trải dài đến tận bờ hồ Beebe Lake. Mùa hè với cửa sổ mở rộng và không gian yên tĩnh, anh có thể nghe được tiếng nước vọng lại từ hồ Beebe. Nhưng giờ đây những thảm cỏ xanh đã ngập tuyết trắng và mặt hồ Beebe đã đóng băng.

Khóa học mùa Thu vừa kết thúc. Gần hai mươi ngàn sinh viên Cornell đã vội vã rời trường ngay sau mùa thi cuối khóa về với gia đình đón Giáng sinh. Khuôn viên đại học Cornell và thành phố nhỏ Ithaca nơi Cornell tọa lạc trở nên vắng lặng. Anh ở lại trường mỗi mùa lễ Giáng-sinh giữa hai kỳ học vì không còn chọn lựa nào khác: anh không có một nơi chốn để trở về. Gia đình anh vẫn còn ở Việt Nam. Anh vượt biên một mình lúc còn nhỏ, và đã sống nhiều năm không gia đình lang thang từ trại tị nạn đến miền Tây sang miền Đông Hoa Kỳ. Mỗi mùa Giáng sinh là lúc anh đối diện sự cô đơn cần thiết gia đình - nỗi cô đơn dày đặt như chất acid ăn ruỗng mục tâm hồn. Trong nỗi cô đơn lưu đày đó, anh nghĩ anh đã mang thân phận con người Việt Nam trong cơn biến động lịch sử với tất cả điêu linh, chia lìa, mất mát.

Julie đã trở lại Cornell buổi sáng đầu tháng Giêng năm đó để gặp anh, ngay sau tuần Giáng-sinh với gia đình nàng ở Manhattan, New York. Julie nói nàng không thể tưởng tượng được sự cô đơn một người không gia đình như anh phải chịu đựng giữa băng giá ngục tù của mùa đông Cornell. Anh mỉm cười nói đó chỉ là một lý do vụng về để nàng tìm đến anh. Anh nói chỉ có người Mỹ như Julie luôn bao bọc trong bình yên mới quan trọng hóa sự cô đơn. Anh nói sức chịu đựng tinh thần của người Việt Nam rất bền bỉ và mãnh liệt, và anh là người Việt Nam. Anh nói với vẻ kiêu hãnh đùa cợt, dường như xác quyết có sự khác biệt về sức chịu đựng nghịch cảnh giữa người Mỹ và người Việt Nam. Julie nhìn anh mỉm cười trước sự giễu cợt và nụ cười nửa miệng của anh.

Hai mươi năm sau, anh vẫn còn cảm thấy được hơi ấm từ người Julie trong hơi lạnh tràn ngập căn phòng buổi sáng tháng Giêng hôm đó. Tất cả lung linh trong trí tưởng như vừa mới hôm qua, như Julie đang nằm nghiêng gối đầu lên vai anh, ngón tay vẽ những ký tự phù phép lên ngực anh, làm thức dậy một lần nữa những cảm giác thịt da đã lắng xuống. Tóc Julie thơm mùi sạch sẽ (với anh, mùi thân thể sạch sẽ luôn gợi những cảm giác xác thịt mạnh mẽ nhất). Julie ngồi dậy cúi xuống hôn anh. Tuyết vẫn rơi đều bên ngoài khung cửa sổ. Anh nhìn thấy hình ảnh chính mình trong đôi mắt xanh cúi xuống - màu xanh chiếc áo đầm của Julie họ đã cởi vội vã sáng hôm đó đang vắt trên thành ghế cạnh bàn học. Môi Julie mềm và Julie thầm thì nàng yêu anh và sẽ vĩnh viễn yêu anh. Vùng tóc thẳng màu vàng nhạt rớt xuống che khuất một nửa khuôn mặt đẹp bình yên. Anh nhổm đầu dậy hôn vào khoảng ngực trần đầy đặn trước mặt như thể anh hoàn toàn sở hữu thứ tình yêu cuồng tín đó.

Họ nằm bên nhau giữa đống sách vở bừa bộn trên sàn nhà mà Julie đã cuống quít gạt xuống từ chiếc bàn học sáng hôm đó khi Julie trở lại thăm anh. Hơi ấm từ da thịt mịn màng tuổi hai mươi làm họ cảm thấy dễ chịu giữa hơi lạnh buổi sáng mùa đông từ ngoài cửa sổ tràn vào. Thời gian trôi nhẹ nhàng vào buổi chiều. Họ nói chuyện với nhau - những mẩu chuyện trong quá khứ và ý nghĩ về cuộc sống, giữa những lần làm tình như những người yêu nhau vẫn làm, khi họ nằm bên nhau cả ngày. Anh kể cho Julie nghe về cuộc sống ở Việt Nam thời thơ ấu của anh, về Sài Gòn tháng Tư năm 75, tất cả vẫn in đậm nét trong ký ức một đứa bé tám tuổi, hình ảnh cha anh, một viên chức hành chánh, tháo rời khẩu súng lục tùy thân và chậm rãi vất từng mảnh xuống dòng sông phút cuối cùng, khi những đoàn quân miền Bắc ngơ ngác tiến vào Sài Gòn. Anh kể về những lần theo mẹ vào rừng thăm cha anh trong lao tù cộng sản; về mẹ và các em anh đang sống điêu tàn ở quê nhà.

Julie hỏi anh về chuyến vượt biên kinh hoàng, cơn bão tháng Chín ở biển Đông, chiếc thuyền mỏng manh, và cơn khát chết người. Anh hôn lên tóc Julie và nói anh là thuyền nhân vượt biển. Sự ra đi tìm tự do, từ lựa chọn trở thành cần thiết, dù phải đánh đổi mạng sống, anh nói. Anh kể cho Julie về cuộc sống tự lập của anh từ lúc mười mấy tuổi không gia đình ở Mỹ, về niềm cô đơn bủa vây và tâm thức lưu đày tuyệt vọng. (Vẫn chưa có sự bang giao giữa Mỹ và Việt Nam vào thời gian này, và ngày trở lại là một điều không tưởng với anh.)

Tự do và lưu đày là những khái niệm trừu tượng, Julie nói, ít nhất cho riêng nàng, vĩnh viễn có thể nàng sẽ không hiểu được những cảm giác đó như anh đã trải qua. Cách Julie nói như có nhiều dạng thức lưu đày khác nhau. Anh im lặng suy nghĩ về lời nói của Julie trong ám ảnh lưu đày riêng anh lúc đó, phải chăng ba anh, gia đình anh, cũng như bao người Việt Nam đang sống lưu đày mục ruỗng trên chính quê hương của mình. Julie nói cho anh nghe những ước mơ của nàng, về gia đình và tuổi thơ bình yên của nàng ở vùng ngoại ô thành phố New York. Ba nàng cũng đã học ở Cornell, và là một investment banker với Goldman Sachs - một trong những tổ chức tài chánh quyền lực nhất Hoa Kỳ.

Tuyết rơi dài cả mùa đông ở Cornell. Khóa học mùa-xuân (Spring semester) năm thứ ba của anh bận rộn với những lớp học kỹ thuật phân tích và thiết kế mạch điện tử analog và digital, vật lý lượng tử, kinh tế học, và một lớp thơ văn đời Lý-Trần Việt Nam với Giáo sư Keith Taylor - người đã viết cuốn sách lịch sử Việt Nam thời khai quốc “The Birth of Vietnam”. Julie học ngành Political Science. Julie thường đến tìm anh ở thư viện Echols Collection, nơi anh làm việc ngoài giờ học và dành nhiều thời gian đọc sách Việt Nam ở đó. (Echols Collection ở Cornell là nơi tàng trử sách vở Việt Nam và Đông Nam Á nhiều nhất trên thế giới.)

Nhiều năm sau này, khi nghĩ về tầng hầm thư viện xây sâu dưới lòng đất đầy sách Việt Nam ở Cornell, đôi khi anh nhớ đến tiếng thở đam mê của Julie. Họ đã nhiều lần hôn nhau ở đó. Anh không biết anh đã làm gì để có những khoảnh khắc đó, hay bất cứ khoảnh khắc nào với Julie, khi nàng đến với anh trong căn phòng nội trú; hay nụ cười của nàng trong thư viện Olin hay Uris; và cách Julie nhìn anh trong đám đông người giữa khuôn viên đại học. Dù sao, anh cũng cảm ơn sự hiện hữu và tình yêu không điều kiện của Julie, như sự cứu rỗi cần thiết trong khoảng đời lưu đày của anh.

Đôi khi anh nghĩ họ yêu nhau như những giọt mưa tình cờ rớt trên khung kính cửa sổ, nhập vào nhau chảy dài một dòng rồi sẽ tan đi vô định. Julie nói anh sống và bước qua cuộc đời trong buồn bã lặng yên, như một người lưu vong với ám ảnh lưu đày không quê hương và gia đình tự áp đặt. Anh sẽ không phản đối những gì Julie nhận xét. Nàng nói anh làm tình một cách máy móc, hững hờ và thụ động, nhưng nàng yêu anh, chỉ vì ... Nhiều năm sau, anh sẽ nghĩ về tình yêu của họ. Tất cả như lực hút mãnh liệt phát xuất từ thứ tình yêu trong sáng và rực rỡ thời sinh viên. Đôi khi anh sẽ tự hỏi phải chăng đó chỉ là thứ tình yêu vô điều kiện của những thử nghiệm xác thịt tuổi trẻ.

…..

Buổi sáng California, như nhiều buổi sáng gần 20 năm sau khi rời Cornell, anh ngồi ở bàn gỗ nhỏ đặt cạnh cửa sổ nhà anh. Nắng sớm tháng Tư trải mong manh lên vườn cỏ xanh bên ngoài cửa sổ. Nơi anh sống bây giờ, những thảm cỏ luôn xanh ngắt dù đó là ngày nắng hay mưa, mùa hè hay mùa đông. Anh uống từng ngụm café vợ anh đã pha sẵn - thứ café đen loãng không đường và sữa. Anh nhìn vào chiếc laptop trước mặt, lơ đãng xem lại lần cuối bài thuyết trình cho buổi họp sáng hôm đó. Anh đã mặc quần áo đi làm - quần đen và áo sơ-mi dài tay màu xanh nhạt. Vào lúc 8:15, anh rời chiếc bàn bước ra cửa tiễn vợ đi làm. Annie đang mặc áo đầm len màu trắng ngắn ngang đầu gối và áo khoát dài bằng len mỏng màu xanh đậm. Annie vịn vào tay anh và bước vào đôi giày Gucci đặt ngay ngắn trước mặt như bước vào thảm cỏ xanh ngắt mùa hạ. Annie trang điểm đơn giản và nhìn trẻ hơn số tuổi ba mươi mấy của nàng. Họ nhìn sâu vào mắt nhau, hôn lên môi, hẹn gặp lại chiều nay. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ trộn lẫn giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Annie nói giọng miền Nam. Sang Mỹ hơn ba mươi năm từ lúc nhỏ, Sài Gòn nơi Annie sinh ra chỉ còn là những kỹ niệm ấu thơ mờ nhạt với nàng.

Annie luôn ra khỏi nhà đến sở làm trước anh mỗi buổi sáng. Annie đã học hóa học và văn chương Pháp ở đại học, hai ngành học không liên quan đến nhau. Sau khi ra trường, Annie làm cho Merck, nghiên cứu về DNA và gene di truyền. Nhưng công việc nhiều năm nay của nàng không còn liên quan đến khoa học hay văn chương Pháp.

Từ miền Đông Bắc Hoa Kỳ, anh và Annie đã dời về sống ở vùng Silicon Valley, Bắc California vừa đủ lâu để cùng nhau chứng kiến những thăng trầm của vùng thung lũng điện tử - nơi định luật Moore tiếp tục định nghĩa cuộc sống hiện đại con người.

Anh rời nhà và lái xe đến sở làm vào lúc 9 giờ. Buổi sáng tháng Ba, thành phố Palo Alto nơi anh ở mát lạnh. Anh lơ đãng bật radio. Xa lộ 85 bắt đầu từ highway 101 đi về hướng Nam luôn vắng người vào buổi sáng. Anh lái xe nhanh, bất chợt chú ý đến giọng hát trầm và tiếng guitar đơn giản phát từ chiếc radio.

Love, are you my lover?
Are you my lover?
Do you love me?
Do you hold me when I sleep?
When your eyes close
Do blue skies open up?
Will you sleep and dream with me?
Save, are you a savior?
Are you a savior?
Will you save me?

Savior
– (cứu rỗi). Anh chợt nghĩ trong tiền kiếp nào, anh đã nói đùa Julie đã đến như điều cứu rỗi trong cuộc sống lưu đày của anh và Julie đã bật cười. Ám ảnh lưu đày đã phai nhạt theo thời gian và dòng chảy cuộc sống vội vã. Anh cũng đã gặp lại gia đình sau nhiều năm xa cách. Đôi khi anh nghĩ về Julie, lúc Julie nói tự do và lưu đày chỉ là những ý niệm trừu tượng với nàng; và khi anh nói anh đã đổi mạng sống cho tự do và sẵn sàng làm lại. Buổi sáng California hai mươi năm sau, tiếng hát trầm và tiếng guitar đơn giản như hòn sỏi rớt vào mặt hồ yên tĩnh tâm hồn. Anh ngã đầu ra sau tựa lên thành ghế xe. Anh quay kính cửa xe xuống, bấm nút mở khung cửa trần xe để không khí tràn vào, anh hít sâu vào ngực thứ không khí mát lạnh cần thiết đó. Xa lộ vắng thẳng tắp. Khoảng trời xanh trước mặt làm anh nghĩ đến màu mắt của Julie và chiếc áo đầm màu xanh vắt trên thành ghế cạnh bàn học buổi sáng mùa đông năm nào.

Tâm trí anh đôi khi như bức tranh chắp nối những mảng màu lập thể rời rạc hình ảnh Julie một thời tuổi trẻ. Nhát kéo thời gian cắt tờ giấy trắng ký ức để chỉ lưu giữ vài khoảnh khắc bất chợt: nụ cười, những sợi tóc thẳng màu vàng nhạt, tiếng thở đam mê và căn phòng nội trú sinh viên mùa đông, khoảng lưng trần của Julie tươi mát tựa trang sách đại học. Giòng mồ hôi chảy dài giữa trũng ngực đầy đặn buổi trưa mùa hè nóng bức trong căn phòng sinh viên ở college town Cornell. Mùa hè Ithaca nóng chảy mồ hôi như Sài-gòn, anh luôn nhớ vậy. Từ nơi anh nằm nhìn lên, khuôn mặt Julie đẹp rực rỡ, bình yên và đam mê; phía trên bờ vai trần, tầm mắt anh nhìn thấy chiếc quạt trần xoay chậm rãi trên trần nhà màu trắng như cánh quạt trực-thăng chực rơi xuống cuốn phăng họ vào cái chết tình cờ trong buổi trưa hè nóng bức.

….

Những khoảnh khắc ký ức sẽ bất chợt trở về trong trí tưởng nhiều năm tháng sau. Nhưng sáng hôm nay, buổi sáng mùa đông giữa hai mùa học ở Cornell, ngự trị tâm trí tôi chỉ là thân thể mềm mại của Julie trong hơi lạnh tràn vào từ khung cửa sổ hé mở. Julie xoay người ngồi dậy và cuối xuống hôn tôi, những nụ hôn cứu rỗi xóa đi những muộn phiền lưu đày. Tâm trí tôi im sững khi Julie hôn chậm rãi từ môi xuống ngực; những ngón tay Julie ngăn những sợi tóc vàng đừng rớt xuống che khuất đôi mắt xanh ngước nhìn. Tuyết vẫn rơi đều ngoài cửa sổ. Tình yêu chất đầy căn phòng nội trú. Julie quì thẳng người lên. Tôi nhìn đôi mắt xanh cúi xuống đam mê, mùi da thịt sạch sẽ. Tôi đưa tay chạm khoảng ngực đầy đặn của Julie như chạm vào sự hiện hữu chính mình, không nghĩ đến một ngày - một ngày khi ánh mắt Julie sẽ trở nên xa lạ. Một ngày, lòng sẽ trống rỗng, hững hờ với tình yêu cuồng tín của Julie, lòng chỉ thấy niềm xa lạ tràn ngập khi nhìn vào đôi mắt xanh cúi xuống gần gũi. Không nghĩ đến nhiều năm tháng sau, giòng mồ hôi lăn dài giữa trũng ngực trần trong ngày hè nóng bức lưu đày ở Cornell năm nào sẽ như mưa rớt trừu tượng mênh mông trong hồn.

Palo Alto, April 2010

Liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG