Đường dẫn truy cập

Tiến sĩ Kinh tế Lê Đăng Doanh: Rút khỏi TPP không có lợi cho Hoa Kỳ


Tổng thống Trump chính thức rút Mỹ ra khỏi TPP
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:25 0:00

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ký một sắc lệnh hành pháp rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại đa quốc mang nặng dấu ấn của Tổng thống Barack Obama, người mà trong nhiệm kỳ của ông đã dồn nỗ lực để lập một "khu vực tự do thương mại" với 11 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam chưa có phản ứng chính thức về việc Tổng thống Trump ký quyết định rút TPP, nhưng báo điện tử VTC News trích lời tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng “Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam không những không bị ảnh hưởng mà thậm chí còn tốt hơn.”

Trang CNSNews.com, một trang mạng tin tức của Mỹ có lập trường bảo thủ, đăng một bài viết nói rằng “Tổng thống Trump hủy bỏ TPP, một hiệp định bao gồm việc giao thương với Cộng sản Việt Nam, là hiệp định hợp thức hóa các doanh nghiệp quốc doanh.” Bài báo trích dẫn phúc trình thường niên về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ theo đó: “Nước CHXHCN Việt Nam là một nhà nước độc tài, độc đảng, do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.”

Bài báo trích lại lời nói đầu trong thỏa thuận TPP rằng “các quốc gia tham gia thỏa thuận công nhận 'vai trò hợp pháp' của các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu nhà nước và một mục đích của TPP là 'cổ vũ một sân chơi bình đẳng' giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.”

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói với VOA rằng việc đề cập đến nhà nước “cộng sản” và “doanh nghiệp nhà nước” như trong bài báo của CNSNews là không có căn cứ:

“Hiệp định TPP có hẳn một chương về doanh nghiệp nhà nước, trong đó không có bất kỳ một hạn chế nào về số lượng doanh nghiệp nhà nước, chỉ có quy định rằng doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh một cách bình đẳng, phải công khai minh bạch, không có bất kỳ ưu tiên nào. Việc bài báo này đề cập đến chính quyền cộng sản và doanh nghiệp nhà nước là đề cập không có căn cứ gì cả. Vì từ trước đến nay trong quá trình đàm phán không ai nhắc đến việc Việt Nam là chính quyền cộng sản cả.”

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng bày tỏ sự thất vọng sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP:

“Tôi hết sức thất vọng vì quyết định của TT Donald Trump, đã ký quyết định rút khỏi TPP, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Tôi nghĩ rằng việc rút khỏi TPP cũng không có lợi cho Hoa Kỳ, bởi vì người ta cho rằng Hoa Kỳ là một đối tác thiếu tin cậy. Hoa Kỳ là người dẫn đầu trong việc đàm phán, ký kết. Bây giờ thay ông tổng thống rồi rút khỏi hiệp định. Đây là điều đáng tiếc.”

Tiến sĩ Doanh cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 22,1% trong tổng kim ngạch của Việt Nam. Kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế Việt Nam có tác dụng bổ sung cho nhau và ít cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, tiến sĩ Doanh nói rằng Việt Nam phải nỗ lực tìm kiếm thị trường nhiều hơn:

“Việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP sẽ đòi hỏi Việt Nam phải có nỗ lực để tìm kiếm những thị trường xuất khẩu khác, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai. Có thể là thúc đẩy chi tiết hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hoặc cùng với các đối tác khác để tiếp tục thúc đẩy một hiệp định TPP mà không có Hoa Kỳ như Nhật Bản, Canada, Australia...là những nền kinh tế có quan hệ thương mại rất lớn với Việt Nam.”

Thỏa thuận thương mại TPP gồm 12 quốc gia là một phần cốt lõi trong chiến dịch xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama. Chính quyền Obama vất vả nhiều năm để hoàn tất thoả thuận nhưng ngay đảng Dân chủ của ông Obama cũng có người tỏ thái độ hoài nghi về thỏa thuận này.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump chỉ trích TPP là một “thảm họa tiềm tàng đối với nước Mỹ” bởi nó làm “tổn hại lĩnh vực chế tạo sản xuất của Hoa Kỳ”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG