Đường dẫn truy cập

Thương mại đứng đầu nghị trình ngày đầu cuộc đối thoại Mỹ-Trung


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, ngày 10/7/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tại cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, ngày 10/7/2013.
Các vấn đề thương mại đã đứng đầu nghị trình thảo luận trong ngày thứ nhất của cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung ở Washington. Theo tường thuật của thông tín viên Scott Stearns của đài VOA tại Bộ Ngoại giao, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ nói rằng cuộc họp cấp cao này là một cơ hội để các giới chức Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc hạ thấp các rào cản thương mại.

Các giới chức Trung Quốc cho biết một sự sút giảm bất ngờ của kim ngạch thương mại, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, phản ánh tình trạng giá thành lao động gia tăng và mức cầu yếu kém ở nước ngoài. Các nhà phân tích cho rằng đây là những mối quan tâm chính yếu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong lúc các giới chức ngoại giao và tài chánh hàng đầu của Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp nhau ở Washington.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người đã khai mạc cuộc họp hôm thứ tư, nói rằng quan hệ Mỹ-Trung có ảnh hưởng lớn đối với thế giới.

Ông Biden nói: "Những ảnh hưởng của mối quan hệ này vô cùng to lớn vì chúng ta có thể nói rằng động năng đang trỗi dậy giữa hai nước chúng ta sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nhân dân của hai nước mà còn có một tác động rất đáng kể đối với toàn thể thế giới."

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho biết kim ngạch thương mại Mỹ-Trung lên tới mức gần 500 tỉ đô la hồi năm ngoái và mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc chẳng những mang lại lợi ích cho dân chúng của hai nước mà còn phục vụ cho hòa bình và phát triển của cả thế giới.

Ông Uông nói: "Chúng ta cần phải thông qua đối thoại để nâng niềm tin chiến lược giữa đôi bên lên một tầm cao mới. Sự tin cậy bắt đầu bằng sự tiếp xúc và giao lưu. Tiếp xúc và giao lưu nhiều chừng nào thì ngộ nhận và bất đồng giữa hai nước chúng ta sẽ ít đi chừng đó."

Phó Tổng thống Biden nói rằng chận đứng những hoạt động tin tặc đánh cắp tài sản trí thức của Mỹ là một lãnh vực cần phải đạt được tiến bộ.

Ông Calman Cohen, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, cho rằng tuy giới lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đã hành động để giảm bớt tham nhũng và điều chỉnh tỉ giá hối đoái, nhưng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại nhiều hơn nữa nếu họ không loại bỏ những chướng ngại cho sự cạnh tranh công bằng của các công ty nước ngoài.

Ông Cohen nói: "Vì Trung Quốc tiếp tục tạo ra rất nhiều khó khăn cho việc cạnh tranh với những công ty được chính quyền hậu thuẫn, những công ty được chính quyền cung cấp những quyền lợi đặc biệt, tôi tin rằng các công ty trên thế giới sẽ không đặt tất cả những cái trứng của họ vào cái rổ Trung Quốc."

Bên cạnh vấn đề rào cản thương mại, Washington còn quan tâm tới việc chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã trở nên hung hãn hơn, đặc biệt là việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang có đòi hỏi chủ quyền chồng chéo với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói rằng những cuộc họp hàng năm này là một cơ hội để có những cuộc thảo luận thẳng thắn về những mối bất đồng giữa hai nước.

"Chúng ta sẽ không bao giờ đồng ý với nhau về mọi vấn đề, và chúng ta sẽ có những cuộc nói chuyện thành thật về những vấn đề đó, những vấn đề mà chúng ta không đồng ý với nhau, bởi vì đó là cách tốt nhất để xử lý một cách xây dựng những sự khác biệt của chúng ta và gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau."

Cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung lần này còn bao gồm các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu và an ninh mạng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG